Một tòa án ở miền nam Trung Quốc vừa bác bỏ đơn kiện của Apple, trong đó, cáo buộc một công ty công nghệ Trung Quốc vi phạm thương hiệu “iPad” của họ.
Apple không còn được độc quyền thương hiệu iPad ở Trung Quốc.
Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến dài hơi liên quan đến cái tên của chiếc máy tính bảng đình đám iPad.
Apple đã lên tiếng xác nhận về đơn kiện này nhưng từ chối đưa ra lời bình luận thêm.
Apple hiện đang phải đối mặt với một vài trở ngại ở Trung Quốc, vốn là khu vực tăng trưởng quan trọng đối với công ty này. Hồi đầu năm nay, hàng loạt cửa hàng đại diện Apple giả mạo đã bị phát hiện ở phía tây nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng đang phải chiến đấu chống lại nạn hàng giả, hàng nhái “ăn theo” thương hiệu của mình.
Trong vụ kiện liên quan đến việc sử dụng thương hiệu iPad, tòa án Thâm Quyến, Trung Quốc đã bác bỏ đơn kiện của Apple chống lại công ty Proview Technology có trụ sở tại tỉnh này. Proview khẳng định đã đăng kí sử dụng hợp pháp thương hiệu iPad từ năm 2000 cho các sản phẩm của họ tại một số nước, trong đó có Trung Quốc, tờ Southern Metropolis Daily đưa tin.
Apple đã trình làng chiếc máy tính bảng iPad vài năm sau đó. Ban đầu, Apple đã vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt của nhiều người trên mạng xã hội Twitter và các diễn đàn trực tuyến khác vì đã chọn một cái tên đồng nghĩa với một sản phẩm vệ sinh của phụ nữ.
Tuy nhiên, mọi người cũng dần quên đi sự trùng hợp này sau thành công vượt xa mọi kỳ vọng mà chiếc máy tính bảng iPad gặt hái được. Không một công ty nào khác có thể đánh bại iPad về doanh số bán hàng.
Quyền được sử dụng thương hiệu iPad ở Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với Apple. Công ty này đang trong quá trình mở thêm nhiều cửa hàng hơn nữa tại đây.
Công ty Proview Technology lẫn tòa án Thâm Quyến hiện chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về vụ việc này.
Trong khi đó, Proview Technology đang có kế hoạch kiện ngược lại Apple với cáo buộc tương tự vì đã xâm phạm thương hiệu iPad mà Proview mới là người đăng ký trước. Nhiều khả năng công ty này sẽ đòi Apple phải bồi thường tới 10 tỷ NDT (khoảng 1,5 tỷ USD).
Theo Reuters