Vấn đề quan tâm

Áp giá điện bậc 3 cho nhà trọ: Còn nhiều bất cập

Trang Nhi 26/09/2024 - 09:02

Biểu giá, chính sách giá điện ưu tiên cho người đi thuê nhà để ở chưa thực sự đem lại hiệu quả bởi còn rất nhiều bất cập khi áp dụng quy định.

Khoản 4 Điều 10 Thông tư 16/2014/TT-BCT sửa đổi bởi Thông tư 09/2023/TT-BCT ngày 21/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định:

nha-tro-2.jpg
Người thuê nhà “gồng” mình gánh giá điện cao

"Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú (xác định theo thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện) thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).

Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ".

Như vậy, căn cứ vào thời hạn hợp đồng thuê trọ, số kWh điện sử dụng, số người ở trong một phòng trọ mà có những giá điện khác nhau, tối đa là 2.927 đồng. Tuy nhiên, giá tối đa thì vẫn là giá tối đa, còn giá chung tại nhiều khu trọ đang là 4.000 - 4.500 đồng/kWh.

Mặc dù đã có quy định mức giá chung nhưng theo tìm hiểu, tại nhiều khu trọ, công nhân vẫn phải gồng mình đóng tiền điện với mức giá từ 3.500 - 4.000 đồng/kWh.

Lý giải việc thu tiền điện giá cao, một số chủ nhà trọ cho biết, tăng giá để bù đắp vào chi phí chênh lệch như điện bị tổn thất, sửa chữa điện, chiếu sáng, bơm nước và chi phí tu sửa các công tơ, hệ thống điện ở nhà trọ.

Tự ý bỏ qua các quy định, nhiều nơi các chủ nhà trọ tự đặt giá điện theo cách tính riêng, nhiều chủ nhà trọ không quan tâm hoặc không muốn thực hiện do lo ngại phải nộp thuế; còn người thuê trọ dù không hài lòng vẫn đóng tiền điện hàng tháng cao hơn nhiều so với giá quy định mà không dám phản ứng, hoặc do người thuê nhà không khai báo tạm trú nên quản lý khó.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Nguyễn Đình Thắng thừa nhận, hiện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn trong quản lý của các khu nhà trọ. Giá điện sinh hoạt bậc thang tính toán phức tạp, khó khăn cho các chủ hộ có nhà cho thuê trong việc tính toán tiền điện hàng tháng cần thu của người đi thuê nhà.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, tại các điểm có nhà cho thuê, chủ nhà tính tiền điện của người thuê nhà dựa theo chỉ số tại công tơ điện lắp đặt tại các phòng cho thuê (công tơ tự lắp đặt), tính thêm một khoản tiền điện khác cho tổn thất điện năng, một số nơi chiếu sáng, bơm nước... Một số nơi còn có thêm điện thang máy (đối với các khu nhà xây, cho thuê dạng chung cư mini).

Việc tính này dẫn đến không có một giá điện cụ thể, chủ yếu cao hơn so với giá bán điện quy định của Nhà nước do rất khó xác định việc thu tiền của chủ nhà đảm bảo tổng tiền điện không vượt quá hóa đơn tiền điện phát hành hàng tháng của đơn vị bán lẻ điện nên không đủ cơ sở xử lý khi áp dụng theo nội dung hướng dẫn tại văn bản số 2059/ĐTĐL-GP ngày 28/12/2018 của Cục Điều tiết Điện lực. Đây là một thực tế dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.

nha-tro-1.jpg
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, biểu giá, chính sách giá điện ưu tiên cho người đi thuê nhà để ở chưa thực sự đem lại hiệu quả tích cực do áp dụng cách thức tính 4 người/1 định mức khá phức tạp, phát sinh thời gian, thủ tục cần thường xuyên khai báo, kiểm tra lại số lượng khi biến động người thuê trọ, nếu áp chung giá điện bậc 3 không mang lại lợi ích cho người đi thuê nhà hoặc chưa tạo động lực để người cho thuê dễ dàng áp dụng.

Kết quả là các đơn vị kinh doanh điện đã áp định mức giá điện bậc 3 cho phần lớn các phòng trọ cho thuê, mức áp giá này vẫn chưa thực sự phản ánh hết được sự hỗ trợ giá điện của Nhà nước cho đối tượng là công nhân, sinh viên, người lao động và người nghèo đi thuê nhà để ở.

Ngoài ra, hiện cũng khó thu thập bằng chứng xác thực việc thu tiền điện sai quy định của chủ nhà trọ với người đi thuê nhà để xử phạt do việc thu, trả tiền đều bằng tiền mặt, không có người làm chứng, không có sổ sách, hóa đơn, chứng từ ghi chép,... Người đi thuê nhà dù có biết việc thu tiền là chưa đúng quy định nhưng không hoặc e ngại phản ánh và cũng không cung cấp bằng chứng làm cơ sở xác định hành vi vi phạm của chủ nhà trọ.

Hy vọng với những nỗ lực của ngành điện nói chung và chính quyền các địa phương, sẽ giúp người thuê trọ không còn phải chịu thiệt thòi khi phải chịu mức giá điện quá cao do chủ nhà trọ đặt ra. Và quan trọng hơn hết là giúp họ bớt được một nỗi lo hàng tháng, tạo công bằng cho người đi thuê nhà.

Pháp luật quy định, người có hành vi thu tiền điện của người thuê nhà để ở cao hơn mức công bố của Nhà nước sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, áp dụng mức phạt tiền từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp giá điện bậc 3 cho nhà trọ: Còn nhiều bất cập