Thời gian qua, việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND là nhiệm vụ mà Tòa án mới được giao, nhưng thực tế cho thấy các đối tượng cần được áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND có số lượng tương đối lớn.
Tuy nhiên, số hồ sơ mà các TAND đã thụ lý để xem xét, giải quyết còn ít, chưa phản ánh đúng yêu cầu thực tế của việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.
Thẩm quyền của TAND xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Riêng các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014. So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều quy định mới về hình thức xử lý, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như mức xử phạt. Và một trong những điểm mới quan trọng của Luật Xử lý vi phạm hành chính là quy định về các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định.
Theo quy định tại Phần thứ ba của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì có 4 biện pháp xử lý hành chính, bao gồm: biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong đó, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Xét về bản chất thì các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án xem xét, quyết định áp dụng nêu trên là những biện pháp mang tính cưỡng chế nhà nước, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền của người chưa thành niên. Người bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính này ít nhiều bị hạn chế tự do và một số quyền lợi khác. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp này cần phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, dân chủ, công khai, bảo đảm khách quan, chính xác theo đúng tinh thần “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người” đã được khẳng định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị.
Từ 20/1/2014 đến 30/9/2014, các Tòa án đã áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 216 trường hợp
Điều 106 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Để thi hành quy định này, ngày 20/1/2014 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (viết tắt là Pháp lệnh) tại TAND.
Triển khai việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND
Để triển khai thi hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, ngày 24/3/2014, Chánh án TANDTC đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh và Công văn số 52/TANDTC-KHXX về việc phổ biến, quán triệt thực hiện Pháp lệnh này trong hệ thống TAND. Đồng thời, TANDTC đã xây dựng bộ tài liệu và tổ chức 3 khóa tập huấn về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND cho các Thẩm phán…
Theo thống kê của Vụ Thống kê - Tổng hợp TANDTC thì từ khi áp dụng thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND từ ngày 20/1/2014 đến ngày 30/9/2014, các TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã thụ lý 443 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã giải quyết 432 hồ sơ, đạt 97,5%, trong đó, áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 216 trường hợp; hiện chưa có vụ nào bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.
Thời gian qua, việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND là nhiệm vụ mà Tòa án mới được giao, nhưng thực tế cho thấy các đối tượng cần được áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND có số lượng tương đối lớn. Tuy nhiên, số hồ sơ mà các TAND đã thụ lý để xem xét, giải quyết còn ít, chưa phản ánh đúng yêu cầu thực tế của việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND. Thực tế này có nhiều nguyên nhân, về nguyên nhân khách quan còn có những lúng túng, vướng mắc nhất định trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (như: Xác định tình trạng nghiện của đối tượng; giao đối tượng nghiện ma túy cho tổ chức xã hội quản lý v.v...). Về nguyên nhân chủ quan, vì đây là công việc mới nên có Tòa án còn chậm chễ trong việc thụ lý hồ sơ đề nghị.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thì việc các Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cần được củng cố, kiện toàn cả về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, biên chế Thẩm phán và Thư ký. Mặt khác, theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, thì trong cơ cấu tổ chức của TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể có Tòa xử lý hành chính. Việc tổ chức Tòa chuyên trách này ở mỗi Tòa án cụ thể nào sẽ căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và số lượng các trường hợp mà Tòa án dự kiến phải giải quyết nhằm nâng cao chất lượng của việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm tính hợp lý, tinh gọn, tiết kiệm. Ở những Tòa án không tổ chức Tòa xử lý hành chính thì có thể phân công Thẩm phán chuyên trách hoặc giao cho những Thẩm phán xét xử án hình sự đảm nhiệm việc này.
Với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, đặc biệt thi hành Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội, Chính phủ đã hướng dẫn, chỉ đạo địa phương tạm thời giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận để quản lý, cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Dự báo, trong thời gian tới việc lập hồ sơ để TAND xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ tăng mạnh. Do vậy, công tác tập huấn, rút kinh nghiệm về nghiệp vụ và ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cần được tăng cường.
Hiện nay, theo sự phân công của lãnh đạo TANDTC, Viện khoa học xét xử đã xây dựng dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND. Viện khoa học xét xử mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến phản ánh của các TAND và các cơ quan, tổ chức hữu quan về những vướng mắc cũng như phương án đề xuất để Viện Khoa học xét xử tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, thông qua trong thời gian tới. Đối với những vấn đề cần được hướng dẫn bằng văn bản liên tịch thì đề nghị các Bộ, ngành có liên quan tích cực quan tâm phối hợp để sớm triển khai xây dựng, ban hành. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng và hiệu quả xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND thì bên cạnh sự nỗ lực của các TAND cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, tổ chức hữu quan, đặc biệt là các cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị, cơ quan có thẩm quyền đề nghị và cơ quan có trách nhiệm thi hành các biện pháp xử lý hành chính. TANDTC mong muốn các Bộ, ngành có liên quan tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng và cơ quan có thẩm quyền ở địa phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các Tòa án thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác này.