Quyền được an toàn” là quyền được xếp hàng đầu trong 8 quyền của người tiêu dùng theo quy định của LHQ cũng như theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Thế nhưng thời gian gần đây, sau hàng loạt vụ cháy nổ xe máy, nổ khí gas hay những vụ việc gian lận trong chất lượng xăng dầu bị phát hiện đã cho thấy, sự an toàn và nhiều quyền năng khác của người tiêu dùng Việt Nam đang bị đe dọa
Không thể chỉ “tự vệ”
Theo ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực từ 1-7-2011) đã đóng góp thêm một công cụ hữu hiệu để người tiêu dùng bảo vệ mình trong các giao dịch thương mại. Tuy nhiên, ông Phan cũng nói thêm: “Người tiêu dùng cần chủ động bảo vệ mình là chính thay vì dồn trách nhiệm lên cơ quan chức năng”.
Tự bảo vệ mình là lẽ đương nhiên, nhưng trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng không thể tự bảo vệ mình mà cần sự vào cuộc của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và xã hội nói chung. Ví như, khi mua phải xăng kém chất lượng, người tiêu dùng không thể “tự bảo vệ” nếu không có cơ quan kiểm định chất lượng tham gia. Tương tự, trong các trường hợp cháy nổ xe máy, người tiêu dùng cũng không thể chứng minh lỗi của nhà sản xuất mà phải cần đến cơ quan có thẩm quyền. Lâu nay, các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng chỉ vào cuộc khi có yêu cầu, khiếu nại tố cáo của người tiêu dùng. Tâm lý ngại va chạm, kiện cáo do phiền phức cũng khiến cho trong nhiều vụ việc, người tiêu dùng dù bị xâm hại nhưng cũng chán nản bỏ cuộc.
Người tiêu dùng cần được bảo vệ tốt hơn
Quy định của Liên hợp quốc về quyền của người tiêu dùng: - Quyền được an toàn - Quyền được thông tin - Quyền được lựa chọn - Quyền được lắng nghe - Quyền được khiếu nại và bồi thường - Quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng - Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản - Quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững. |
Hiện nay, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cục Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng này trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó là các hội, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thành lập theo quy định của pháp luật như Hội tiêu chuẩn hóa, đo lường và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng địa phương…
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế. “Vũ khí” mà họ có trong tay cũng chưa đủ mạnh để răn đe đối với hành vi vi phạm. Ví như, đối với vi phạm trong chất lượng xăng dầu, cơ quan chức năng cũng chỉ có thẩm quyền xử phạt hành chính đến 30 triệu đồng. Chưa thấy có vụ nào bị xử lý hình sự về kinh doanh hàng giả. Các tổ chức Hội bảo vệ người tiêu dùng còn yếu kém do thiếu nhân lực, kinh phí và cũng không có quyền năng gì lớn ngoài việc kiến nghị cơ quản có thẩm quyền xử lý khi phát hiện vi phạm. Vì vậy, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng còn mang nhiều tính hình thức, kém hiệu quả.
Để luật đi vào cuộc sống
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, các quy định của Luật sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam được thực hiện một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã thể hiện được yếu tố lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Thông thường, trong mối quan hệ mua bán, sản xuất, người tiêu dùng luôn luôn ở thế yếu, không có quyền quyết định giá cả và chịu tất cả mọi sự rủi ro cũng như không được đàm phán trong giao kết hợp đồng. Để bảo vệ người tiêu dùng, Luật đã quy định 8 nguyên tắc tương đồng với các nguyên tắc mà Liên hợp quốc đã quy định.
Luật cũng quy định nâng cao vai trò của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, góp phần xã hội hóa công tác này như quyền tự khởi kiện vì lợi ích công cộng của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng; quy định tổ chức bảo vệ người tiêu dùng được Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao.
Sau hàng loạt vụ cháy nổ xe máy trong thời gian gần đây, chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, tuy nhiên có ý kiến cho rằng có sự liên hệ giữa chất lượng xăng kém (bị pha trộn) và các sự cố cháy nổ. |
Bên cạnh đó, Luật đã đưa trọng tài vào các phương thức giải quyết tranh chấp, bên cạnh thương lượng, hòa giải, Tòa án. Đặc biệt, theo quy định của luật, khi xảy ra tranh chấp và giải quyết tranh chấp tại tòa, người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải chứng minh lỗi của nhà cung cấp, mà trái lại nhà cung cấp phải có nghĩa vụ chứng minh rằng mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Đây là một quy định quan trọng và rất có ý nghĩa để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Luật cũng quy định Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có đủ các điều kiện: Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng; giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.
Quy định đã có, nhưng để luật đi vào cuộc sống, còn nhiều việc phải làm. Lâu nay, những nhà sản xuất, kinh doanh luôn có khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế”. Thực tế, người tiêu dùng có những quyền năng, vị thế rất lớn để tự bảo vệ và yêu cầu sự can thiệp của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng tự tước bỏ quyền của mình, để đơn vị cung cấp hàng hoá dịch vụ xâm hại. Do nhận thực còn hạn chế nên rất ít người tiêu dùng tìm đến cơ quan bảo vệ người tiêu dùng nhờ giúp đỡ.
Vì vậy, để Luật đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến để người tiêu dùng nhận thức được vị thế, vai trò rất lớn của mình cũng như có những kỹ năng tự bảo vệ hoặc kêu gọi sự bảo vệ quyền chính đáng của mình. Việc trang bị kiến thức cho người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng, bởi khi nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình, họ sẽ chủ động hơn trong việc tự bảo vệ cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.
Trung Nguyễn