Thời gian qua, một số vụ án oan phải bồi thường oan sai nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội mới đây đã phản ánh một bức tranh khá rõ nét những nguyên nhân để xảy ra tình trạng án oan thời gian qua, cũng như những nguyên nhân tiềm ẩn để các cơ quan tố tụng cần có những giải pháp khắc phục.
Từ việc lạm dụng tạm giam…
Báo cáo giám sát mà Ủy ban Tư pháp Quốc hội công bố mới đây đã nhận định, cùng với sự gia tăng của tình hình tội phạm thì số vi phạm, sai sót trong việc khởi tố vụ án hình sự có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do CQĐT chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật, thu thập chứng cứ không đầy đủ, phối hợp chưa chặt chẽ với VKS để phân loại, xử lý ngay từ khi có kết quả xác minh thông tin tội phạm.
Theo đó, trong tạm giữ hình sự còn để xảy ra nhiều trường hợp phải chuyển xử lý hành chính. Theo báo cáo, có 4.998 người bị bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính, chiếm 2,3% số người bị tạm giữ. VKS các cấp đã không phê chuẩn 861 người bị bắt khẩn cấp, hủy bỏ tạm giữ và không gia hạn tạm giữ 758 người. Nguyên nhân của các trường hợp bắt, tạm giữ chưa có căn cứ là do hạn chế về năng lực cán bộ trong đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm pháp, chưa phân biệt rõ giữa vi phạm hành chính với hành vi phạm tội, do quy định pháp luật về căn cứ bắt khẩn cấp, tạm giữ chưa chặt chẽ.
Việc áp dụng biện pháp tạm giam còn nhiều, chiếm tỷ lệ 62,74% tổng số bị can; có nơi tỷ lệ này khá cao như tỉnh Tiền Giang: 73%, riêng TP. Mỹ Tho lên tới 90%. Nhiều trường hợp không đủ căn cứ hoặc không cần thiết phải tạm giam cũng ra lệnh bắt giam, VKS đã không phê chuẩn 548 lệnh tạm giam. Đáng lưu ý, tình trạng tạm giam bị can về tội ít nghiêm trọng còn nhiều, nhất là bị can về tội đánh bạc với số tiền nhỏ, gây thương tích nhẹ, vi phạm các quy định về an toàn giao thông… Nguyên nhân do việc xác định căn cứ và sự cần thiết phải tạm giam chưa chính xác, có biểu hiện lạm dụng quy định về căn cứ tạm giam của BLTTHS “đối tượng có thể trốn, cản trở điều tra, truy tố, xét xử...”.
Qua giám sát cho thấy, một số trường hợp khởi tố bị can có biểu hiện áp dụng pháp luật máy móc, đơn thuần nhìn vào hành vi mà thiếu phân tích, đánh giá thấu đáo hoàn cảnh xảy ra, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ lỗi của người bị hại... Như vụ Nguyễn Việt Hùng, Đỗ Văn Cường cùng đồng phạm ở Hải An (Hải Phòng), mỗi đối tượng đánh bạc vài chục nghìn, tổng số tiền trên chiếu bạc hơn 2 triệu đồng cũng bị khởi tố, điều tra về tội đánh bạc; hay Trần Văn Chiến (Vụ Bản, Nam Định) có hành vi đơn giản, ném gạch vu vơ về phía bị hại đang đuổi đánh trong đêm tối, gây thương tích 4% cho bị hại cũng bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”.
Một phiên tòa hình sự xét xử lưu động (Ảnh minh họa)
Ủy ban Tư pháp cũng nhận định, những trường hợp này đáng ra chỉ nên xử lý hành chính nhưng đã khởi tố, điều tra sau đó phải đình chỉ điều tra là chưa đúng chính sách hình sự “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác” (khoản 4, Điều 8 BLHS).
Việc thu thập dấu vết, tài liệu chứng cứ và việc lập hồ sơ vụ án hình sự còn nhiều thiếu sót, vi phạm. Một số địa phương tỷ lệ VKS trả điều tra bổ sung còn cao như Bắc Giang chiếm 4.3% số vụ đề nghị truy tố. Đối với một số vụ án phức tạp, việc thu thập, đánh giá chứng cứ còn thiếu toàn diện, phải trả hồ sơ nhiều lần làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài. Theo báo cáo, đến nay còn 11 vụ án đã trên 5 năm chưa giải quyết xong, có vụ kéo dài 12 năm như bị can Hoàng Trọng Nghĩa (Bình Phước) bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về an toàn giao thông”.
… Đến những vụ án oan điển hình
Qua giám sát cho thấy, tại một số địa phương (Bắc Giang, Bình Thuận, Long An, Bình Phước, Cao Bằng, Hải Phòng), công tác điều tra, thu thập chứng cứ đối với loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm và giết người không quả tang còn yếu kém, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến loại án này dễ bị oan, sai.
Quá trình khám nghiệm không thu thập, giám định không làm rõ những dấu vết, chứng cứ quan trọng từ hiện trường, tử thi, dấu vết con người của thủ phạm (như những vật chứng là hung khí vụ án, dấu chân, vân tay, lông, tóc...). Hồ sơ vụ án thể hiện nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (biên bản ghi lời khai bị tẩy xóa, sửa chữa, thiếu khách quan, không kịp thời giải quyết khiếu nại kêu oan, đơn tố cáo bị bức cung, nhục hình...). Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến một số vụ oan, sai nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.
Như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị kết án oan về tội giết người, cướp tài sản là do quá trình khám nghiệm hiện trường có thu giữ dấu chân nhưng không tiến hành giám định dấu vết chân này để truy nguyên cá biệt, xác định chính xác người có mặt tại hiện trường (sau này giám định lại thì không phải là dấu chân của ông Chấn mà đó chính là dấu chân của hung thủ Lý Nguyễn Chung), bỏ qua chứng cứ ngoại phạm khác rất quan trọng là tại thời điểm xảy ra vụ án có 2 nhân chứng xác nhận ông Chấn còn bấm giúp điện thoại cho người khác gọi. Sau 10 năm, đến nay ông Chấn mới được minh oan.
Hay vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội ”Giết người” và “Tội cướp tài sản”. Quá trình điều tra không có nhân chứng, không thu thập được dấu vết, vật chứng. Nén được xác định dùng dây thừng siết cổ bà Bông nhưng sợi dây mà CQĐT thu giữ được lại là sợi dây khác. Hai dấu vết chân có kích thước khác nhau thu được tại hiện trường, giám định không trùng với kích thước dấu chân của Nén. Các lời khai của Huỳnh Văn Nén mâu thuẫn lúc nhận tội, lúc không nhận tội trong khi Nén khai bị mớm cung, nhục hình ngay từ khi bị bắt; phạm nhân Nguyễn Phúc Thành có đơn tố giác người khác phạm tội còn Nén bị oan từ năm 2000 nhưng không được xem xét, giải quyết. Vụ án này, năm 2014 đã phải giám đốc thẩm, hủy án để điều tra lại từ đầu
Ngoài những sai phạm cơ bản trên, hoạt động điều tra còn thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng khá phổ biến ở nhiều địa phương như: biên bản ghi lời khai sơ sài, không ghi tư cách người tham gia tố tụng, cùng một thời gian một điều tra viên lấy lời khai của nhiều người ở các địa điểm khác nhau; không làm rõ mâu thuẫn trong các lời khai của các bị can và giữa lời khai của bị can với người làm chứng, người bị hại; biên bản hỏi cung bị tẩy, sửa thiếu chữ ký bị can. Biên bản khám nghiệm và sơ đồ hiện trường không phù hợp với bản ảnh hiện trường...
Từ thực tế nêu trên thấy rằng, để khắc phục tình trạng án oan, cần rất nhiều yếu tố, song tiên quyết vẫn là yếu tố con người, là các cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ trong quá trình, điều tra, truy tố xét xử.