Vợ chồng phối hợp lừa đảo bằng thủ đoạn lao động chui

Thanh Phương| 14/03/2019 21:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 14/3, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 vợ chồng Nhữ Thị Nhàn (SN 1990), ở huyện Như Thanh, Thanh Hóa và Phạm Tuấn Anh (SN 1985), ở huyện Ninh Giang, Hải Dương về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết quả điều tra, năm 2017, sau khi từ Nhật Bản về nước, Nhữ Thị Nhàn và Phạm Tuấn Anh đã thành lập Công ty CP Đào tạo du học và Xuất nhập khẩu lao động Hoàng Phát (có địa chỉ tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) và được cấp phép hoạt động dịch vụ tư vấn du học Nhật Bản. Do có sự hiểu biết về thị trường lao động Nhật Bản, nên mặc dù mới chỉ được cấp phép tư vấn du học, nhưng các đối tượng này đã tự câu kết với đầu mối khác để “môi giới” xuất khẩu lao động sang Nhật nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vợ chồng phối hợp lừa đảo bằng thủ đoạn lao động chui

Cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố đối với vợ chồng Nhàn, Anh

Thủ đoạn mà vợ chồng Nhàn và Anh thường sử dụng đó là đưa ra những lời hứa hảo về chế độ lương, thưởng và các chính sách trợ cấp xã hội khác mà người lao động sẽ được hưởng như: Mức lương cao từ 950 yên đến 1.400 yên/giờ x 8 giờ/ngày (tương đương từ 1,6 đến 2,3 triệu đồng/ngày), chưa kể thời gian làm thêm ngoài giờ; thời hạn thẻ cư trú lao động là 3 năm, hết hạn được gia hạn 2 lần, mỗi lần 1 năm; được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như lao động người Nhật Bản; sau 6 tháng được bảo lãnh cho người nhà sang Nhật Bản.

Để đi được theo hình thức trên mỗi trường hợp phải nộp cho vợ chồng Nhàn 13 nghìn USD (tương đương 300 triệu đồng/một trường hợp). Do Nhật Bản là thị trường lao động đòi hỏi rất khắt khe về trình độ chuyên môn, nên có nhiều người không đủ tiêu chuẩn. Vì thế vợ chồng Nhàn, Tuấn Anh đã tư vấn và vẽ ra nhiều khoản thu khác để móc túi người lao động như: Mua bằng cao đẳng với giá 35 triệu/người, bằng đại học với giá 45 triệu đồng/người; “Bao đậu đơn hàng” (tức là bảo lãnh không cần đạt tiêu chuẩn mà vẫn đạt yêu cầu khi phỏng vấn và vẫn được đạt điều kiện như đơn hàng đã nêu).

Không dừng lại ở đó, sau nhiều lần lấy lý do chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ và phía Nhật Bản đã hết nhu cầu tuyển lao động, trước sức ép của người lao động đòi lại tiền đặt cọc, vợ chồng Nhàn, Tuấn Anh lại quay sang tư vấn cho người lao động đi theo đơn hàng “thương mại” với mức phí rẻ hơn (khoảng 10.500 USD/người). Thực chất, đây là hình thức đi theo visa du lịch 15 ngày, sau đó trốn ở lại Nhật Bản lao động bất hợp pháp.

Chỉ tính từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2018, Nhữ Thị Nhàn cùng chồng là Phạm Tuấn Anh lấy danh nghĩa Công ty Hoàng Phát đã tư vấn cho 13 trường hợp là lao động ở các huyện Như Thanh, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống, TP Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An sang Nhật Bản theo đơn hàng kỹ sư với công việc: Sản xuất linh kiện ôtô, điện tử, check hàng hóa... Trong đó, có 11 trường hợp đã xuất cảnh sang Nhật Bản (chia làm 2 đợt: Đợt 1 vào tháng 9/2018 đưa 6 lao động; đợt 2 vào tháng 10/2018 đưa 5 lao động); 2 trường hợp đã nộp tiền và chuẩn bị lên máy bay thì biết mình bị lừa nên đã không xuất cảnh sang Nhật Bản theo như thoả thuận. Trong số những người đã xuất cảnh sang Nhật Bản, có 4 người thấy điều kiện làm việc không đúng như cam kết nên đã yêu cầu và gây sức ép buộc vợ chồng Nhàn phải mua vé máy bay để về nước, 1 người đồng ý trốn ở lại tìm việc làm; 6 trường hợp còn lại, ngay sau khi đến Nhật Bản đã bị phía Nhật Bản phát hiện, trục xuất về.

Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, vợ chồng Nhàn khai nhận trước đó cũng tư vấn và móc nối với một đơn vị khác tổ chức cho 6 trường hợp khác sau khi đến Nhật Bản đã bị phát hiện và trục xuất về nước. Sau khi về, người dân biết mình bị lừa nên đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.

Hiện cơ quan công an đang mở rộng điều tra để làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tổ chức đưa người khác đi nước ngoài trái phép” của các đối tượng có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vợ chồng phối hợp lừa đảo bằng thủ đoạn lao động chui