“Ăn mày” chính sách?

Bảo Dân| 23/03/2016 10:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2015, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam nổi tiếng không phải vì cung ứng phần lớn xăng dầu cho sản xuất và đời sống mà là doanh nghiệp nhà nước bỗng dưng có lãi khủng.

Theo báo cáo chính thức, lãi trước thuế của Tập đoàn này lên đến  3.766 tỷ đồng, trong đó, riêng lĩnh vực chính kinh doanh xăng dầu đã thu lợi 1.989 tỷ đồng, tương đương 52,8% tổng lợi nhuận hợp nhất. 

Các chuyên gia tính được rằng mỗi lít xăng, Petrolimex đã lãi 222 đồng. Thế nhưng suốt nhiệm kỳ lợi nhuận của Petrolimex luôn lên xuống thất thường. Liền 2 năm 2011, 2012, và 2014 đều lỗ mảng xăng dầu và năm 2013 lãi trội nhất cũng chỉ hơn 1.500 tỷ đồng. Petrolimex từng vật nài xin tăng giá, giảm thuế vì lỗ nặng.

Bởi vậy, các chuyên gia tìm cách giải mã vì sao năm 2015, họ lại lãi khủng đột xuất như vậy. Hóa ra câu trả lời lại rất đơn giản, nói như cánh nhà văn là họ lãi siêu cao nhờ “ăn mày chính sách” - hưởng lợi từ “độ vênh” trong tính giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Nghiên cứu sâu một chút sẽ thấy, công thức tính giá cơ sở xăng dầu dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Liên Bộ vẫn áp dụng với các mức thuế nhập khẩu MFN theo Thông tư 78 ngày 20/5/2015 với xăng là 20%, dầu diesel và mazut 10%, dầu hỏa 13%.

Và thế là Petrolimex cũng như hầu hết các doanh nghiệp đầu mối khác có thể tranh thủ vận dụng mức thuế thấp hơn nhiều khi nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN. Với Thông tư 165 của Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ 1/1/2015 thì các mặt hàng dầu như diesel, dầu hoả nhập khẩu từ cộng đồng ASEAN mức thuế chỉ có 5% và mazut là 0%. Từ  năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu nhập khẩu từ khu vực này sẽ hưởng thuế 0%. Đặc biệt, xăng nhập về cũng chỉ có thuế là 10%, thấp hơn một nửa so với thuế MFN và mức thuế xăng trong ASEAN.

Chênh lệch khoản thuế này lên tới 400 đồng/lít, nhân với sản lượng tiêu thụ trung bình 421 triệu lít thì mỗi tháng, các DN xăng dầu đã lời thêm 168,4 tỷ đồng. Từ tháng 6/2015, khi thuế MFN áp dụng là 10% cho dầu diesel, ước tính, chênh lệch thuế nhập khẩu giữa mức 10% và 5% cho sản lượng dầu diesel từ ASEAN trong 6 tháng cuối năm đã lên tới 1.010 tỷ đồng.

 Người ta cũng phát hiện cách  tính giá cơ sở cũng đã bị đẩy lên cao. Nếu thuế nhập khẩu 5%, giá cơ sở dầu diesel với mức giá CIF như trên sẽ chỉ có 12.300 đồng/lít, nhưng khi áp thuế 10%, giá cơ sở sẽ tăng thành 12.700 đồng/lít. Nói cách khác, có ít nhất 53,06% sản lượng, tức hơn một nửa lượng dầu diesel bán cho người dân đã phải chịu thêm 400 đồng/lít thuế.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua hôm 4/3, giá CIF bình quân 15 ngày qua của mặt hàng này chỉ có 40,32 USD. Một lít dầu ASEAN sẽ không phải chịu thuế nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với một mức giá bao gồm 595 đồng tiền thuế nhập khẩu. Nếu các DN vẫn duy trì tỷ trọng và sản lượng tiêu thụ trung bình tháng đối với dầu diesel như năm 2015 thì mỗi tháng qua, người tiêu dùng đã gánh thêm khoảng 250,495 tỷ đồng.

Những lời ta thán về việc Petrolimes thu lợi lớn nhờ lách chính sách đã có tiếng vang. Bộ Tài chính đã thừa nhận bất cập này và đã đề xuất Chính phủ cho ý kiến xử lý. Các chuyên gia lưu ý có thể khoản vênh vì lợi ích doanh nghiêp kinh doanh xăng dầu không thể trả lại người tiêu dùng, nhưng Nhà nước phải thu lại để điều tiết cho mục tiêu an sinh xã hội. Đây là minh bạch và công bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ăn mày” chính sách?