Hôm qua (31/01), Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng phóng đầu đạn hạt nhân vào sâu trong lục địa Trung Quốc.
Mặc dù đây là lần thử nghiệm thứ ba của tên lửa liên lục địa Agni V, nhưng lại lần đầu tiên vũ khí được phóng từ một bệ phóng di động chứ không phải từ bệ phóng cố định như những lần thử nghiệm trước. Cơ chế phóng mới này sẽ cho phép lực lượng vũ trang Ấn Độ tăng cường khả năng ứng biến linh hoạt trong hoạt động quân sự, AFP cho biết.
Sau khi cuộc thử nghiệm được tiến hành thành công từ một hòn đảo ngoài khơi bang Orissa, phía đông Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã chia sẻ trên Twitter rằng: “Cuộc thử nghiệm thành công Agni V từ bệ phóng di động làm cho tên lửa trở thành tài sản có giá trị đối với lực lượng vũ trang Ấn Độ”.
Tên lửa đạn đạo tầm xa Agni V - được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ - đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên vào tháng 4/2012 và lần thứ hai vào tháng 9/2013.
Agni, có nghĩa là “ánh sáng”, “lửa” trong tiếng Phạn, là tên gọi được đặt cho một loạt tên lửa do Ấn Độ phát triển. Đây được xem như là một phần của dự án phát triển tên lửa dẫn đường ra mắt vào năm 1983.
Trong khi tên lửa tầm ngắn Agni I và II được phát triển chủ yếu nhằm hướng tới đối thủ truyền thống Pakistan, thì các nhà phân tích nói rằng những phiên bản sau này với tầm xa hơn hướng tới đối thủ trọng tâm của Ấn Độ là Trung Quốc.
Các chuyên gia đánh giá rằng Agni V có khả năng bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào trong lục địa Trung Quốc, trong đó có cả những cơ sở quân sự ở xa về phía đông bắc. Agni V không những có tầm bắn mở rộng mà còn có độ chính xác lớn hơn rất nhiều nhờ áp dụng các hệ thống định hướng và hướng dẫn hiện đại.
Agni V là tên lửa đạn đạo ba tầng sử dụng nhiên liệu rắn, dài 17m và có đường kính 2m. Agni V nặng 50 tấn và có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng hơn 1 tấn với tầm bắn hơn 5.000km.
Ấn Độ hiện có 4 loại tên lửa Agni gồm Agni I có tầm bắn 700km), Agni II có tầm bắn 2.000 km, Agni III có tầm bắn 2.500km và Agni IV với tầm bắn hơn 3.500km.
Ấn Độ luôn coi tên lửa có tầm bắn 5.000km (3.100 dặm) là “chìa khóa để thúc đẩy khát vọng quyền lực trong khu vực của mình và thu hẹp - mặc dù một chút - khoảng cách với các hệ thống tên lửa của Trung Quốc”.