Ăn cá hồi nuôi có mắc ung thư?

Lê Loan| 23/09/2016 16:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cá hồi vốn là một trong những thực phẩm bổ dưỡng hàng đầu. Tuy nhiên, những ngày qua, trên một số báo điện tử và trang mạng xã hội lại chia sẻ thông tin về việc ăn cá hồi nuôi có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Vậy thực hư vấn đề này ra sao?

Cá hồi nuôi có chứa độc tố?

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2014, một báo cáo tại Pháp chỉ ra rằng, cá hồi được nuôi tại Na Uy chứa nhiều hóa chất gây ung thư. Tổ chức bảo vệ môi trường Green Warrior trong một báo cáo, cho hay, mật độ cá trong mỗi lồng nuôi quá cao, hàng trăm ngàn thậm chí lên tới triệu con. Chúng thải ra một khối lượng lớn azote và phosphore. Mật độ nuôi dày đặc làm cho cá dễ bị nhiễm các loại bệnh, đặc biệt các loại ký sinh trùng.

Ông Kurt oddekalv, Chủ tịch Green Warrior còn cho rằng: “Trong cá hồi nuôi có chứa PCB - chất hóa học gây ung thư. Hàm lượng PCB trong cá hồi nuôi cao hơn so với cá hồi tự nhiên tới 16 lần, và hàm lượng dioxin cũng cao hơn tới 11 lần. Ngoài ra, cá hồi nuôi còn cung cấp cho cơ thể bạn nồng độ acid béo Omega-6 cao hơn mức bình thường, có thể dẫn đến nhiều căn bệnh như ung thư, tiểu đường, viêm khớp, bệnh động mạch vành và thậm chí cả bệnh Alzheimer”.

Ăn cá hồi nuôi có mắc ung thư?

Lên tiếng về điều này, Marine Harvest - công ty sản xuất cá hồi lớn nhất Na Uy với 114 trại nuôi cá cho biết, việc nuôi nhiều cá trong một diện tích hẹp khiến xảy ra nhiều dịch bệnh và ký sinh trùng. Do đó, công ty phải sử dụng hóa chất để phòng ngừa và điều trị. Còn loại thức ăn viên dành cho cá hồi được cho là bị nhiễm hóa chất công nghiệp có độc tính rất cao PCB và chất ethoxyquin để bảo quản cho bột cá không bị mùi hôi dầu. 

Mới đây, Telegraph và Seattle Times cũng đưa tin, một nghiên cứu ở Mỹ mới đây đã phát hiện cá hồi được đánh bắt ở Seattle bị nhiễm khuẩn từ nguồn nước chứa 81 loại thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh và thuốc chống trầm cảm... Điều này cho thấy, nếu cá sống trong nguồn nước không đảm bảo thì rất dễ bị nhiễm các chất bẩn.

Thông tin do Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cũng đã khuyến cáo, người dân không nên ăn quá 1 bữa cá hồi/1 tháng vì đây là loại thực phẩm độc hại. Theo cơ quan này, ao nuôi có thể là một thảm họa đối với những người ăn cá theo nhiều cách khác nhau. Một nghiên cứu của cơ quan này chỉ ra rằng, nguồn gốc chính khiến cá hồi được cho là thực phẩm độc chính là nguồn thức ăn của cá có chứa chất độc hại. Những độc tố này ngoài gây ô nhiễm, còn có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho các sinh vật, có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Không chỉ có vậy, cơ quan EPA còn cho rằng ăn nhiều hơn 1 bữa cá hồi nuôi mỗi tháng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư trong tương lai do sự tăng nồng độ hóa chất và kháng sinh có trong cá hồi.

Ngoài ra, thông tin khi ăn cá hồi (sống) như gỏi cá hồi, cá hồi phi-lê còn có khả năng nhiễm giun sán và ký sinh trùng. Vì nguồn nước nuôi cá hồi không đảm bảo, nên trong thịt cá hồi có nhiễm ký sinh trùng.

Cộng đồng mạng, các bà nội trợ và người tiêu dùng tỏ ra hoang mang trước thông tin EPA đưa ra. Cụ thể, một bài báo viết: Cá hồi thường được ăn viên phân gà, bột bắp, đậu nành, dầu hạt cải biến đổi gene và các loại cá nhỏ khác có chứa độc tố; cá hồi nuôi chứa hàm lượng PCB, một chất gây ung thư; hàm lượng Omega-3 trong cá hồi nuôi rất thấp,...

Trên trang Facebook mang tên “Hang Mai” đã đưa thông tin rằng cá hồi nuôi là loại thực phẩm độc hại nhất, chứa “thuốc trừ sâu, kim loại nặng, dioxin, PCB và ethoxyquin…”. Bài viết được hàng trăm lượt chia sẻ và tiếp tục nhận được nhiều bình luận đầy hoang mang của cộng đồng mạng.

Chưa có dữ liệu khoa học nào chứng minh

Trước những thông tin gây hoang mang dư luận trên, TS Lê Thanh Lựu - chuyên gia đầu ngành về cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm), Trưởng ban Hợp tác quốc tế và thông tin Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định: “Thông tin trên hoàn toàn sai sự thật”.

Ông Lê Thanh Lựu nêu rõ: “Thông tin mà EPA đưa ra không có cơ sở khoa học, chỉ nói chung chung. Tôi ngờ rằng bài viết có thể do đối tượng cạnh tranh viết lên nhằm giảm uy tín của nhau, bởi hiện nay người dân ăn nhiều cá hồi mà bớt ăn thịt bò, thịt lợn”.

Theo TS Lê Thanh Lựu, ở một số nước phát triển, người ta có ngành công nghệ chế biến thức ăn cho cho gia súc gia cầm và nuôi trồng thủy sản từ xương các con vật (lợn, bò) mà đã lấy hết thịt, phần thịt bạc nhạc và hoặc là những loại cá chất lượng thấp. Đây là nguồn thức ăn nuôi cá hồi rất đảm bảo.

Cá hồi đang là một trong những thực phẩm tốt số 1 trên thế giới, đặc biệt các nước Âu Mỹ họ chỉ ăn cá hồi nuôi. Vì bảo vệ môi trường người ta không khai thác, đánh bắt cá hồi trong tự nhiên, không khai thác tận diệt. Hầu hết, họ ăn cá hồi nuôi, xã hội văn minh người ta ăn thì người ta phải nuôi

TS Lê Thanh Lựu khuyên: người dân không nên lo lắng, cần phải có thông tin nhiều chiều. Và thông tin ăn cá hồi nuôi độc hại là chưa có dữ liệu khoa học nào chứng minh.

Ăn cá hồi nuôi có mắc ung thư?

Bày tỏ sự bất ngờ về thông tin cá hồi là loại thực phẩm độc hại nhất thế giới, TS. Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) cho biết, mỗi đất nước đều có những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, về quy trình nuôi cá ở đâu cũng cần phải trải qua các bước cơ bản trước khi cá được xuất bán ra thị trường. Cơ quan kiểm định chất lượng thủy sản của các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước châu Âu làm việc rất chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, định kỳ.

“Trong quá trình nghiên cứu về an toàn thực phẩm của mình, tôi chưa bao giờ đọc thấy thông tin cá hồi nuôi là thực phẩm độc nhất thế giới. Tôi cho rằng, đây có thể là thông tin thất thiệt, nhằm vào một thị trường cá hồi cụ thể nào đó”, ông Tề khẳng định.

Ông Tề cũng khẳng định thức ăn nuôi cá hồi ở Việt Nam được lấy từ nhiều hãng khác nhau, và đều đảm bảo vệ sinh an toàn. Trong đó, không có chất gây hại cho con người. Đặc biệt, trong trường hợp này, không nên lấy một tài liệu ở nước ngoài để áp vào Việt Nam và nói rằng tất cả sản phẩm cá hồi nuôi đều độc hại.

Còn theo TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng,  Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương khẳng định, qua thực tế nghiên cứu mới nhất vào năm 2015 tại Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho thấy, những mẫu cá hồi và cá ngừ nuôi được mua tại một số siêu thị và chợ ở Hà Nội đều không tìm thấy  loài ký sinh trùng nào ký sinh.

“Một số nghiên cứu tại Nhật Bản, trong cá hồi đã phát hiện nhiễm một số loài giun như Anisakis simplex ở Nhật Bản, nhưng các mẫu xét nghiệm của chúng tôi hoàn toàn không tìm thấy loài ký sinh trùng nào trong các mẫu cá hồi”, TS. Dũng nói.

Đối với thông tin ăn cá hồi nuôi có nguy cơ mắc ung thư, TS Dũng khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng mình điều đó. “Theo tôi được biết, muốn nuôi cá hồi phải có nguồn nước phải sạch thì cá mới sống được, vì cá hồi không phải chỗ nào cũng có thể nuôi, ở nước ta cá hồi chỉ có thể nuôi ở một số vùng như Sapa, Mộc Châu, Đà Lạt ở những nơi có khí hậu lạnh và nguồn nước sạch”, TS. Dũng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ăn cá hồi nuôi có mắc ung thư?