Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, việc trường học mở cửa trở lại là điều rất đáng mừng. Thế nhưng, không tổ chức cho ăn bán trú hay chỉ dạy một buổi lại đặt ra muôn vàn nổi lo cho phụ huynh và nhà trường.
Trước những lo lắng đó, báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Thạc sĩ, bác sĩ Thiều Thị Tuyết Nhung – Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
Ăn bán trú sẽ giảm được tối đa nguy cơ lây nhiễm
Theo bác sĩ Nhung, thời gian đóng cửa trường học đã quá dài việc mở cửa trường học lúc này là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường học ở Hà Nội mở cửa trường học nhưng không tổ chức ăn bán trú cho học sinh hai buổi trên ngày dẫn đến nhiều bất cập xảy ra.
Những bất cập mà bác sĩ Nhung dẫn chứng như: Nếu không ăn bán trú trẻ sẽ ăn đâu? Mua đồ ăn sẵn ở ngoài liệu có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm? Đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ không?
“Khi cho học tập trung thì nhà trường, cơ quan chức năng cũng đã tính toán rất kỹ các phương án có thể xảy ra. Vậy không lý nào mà không tổ chức bếp ăn cho trong trường.
Bên cạnh đó, để kiếm soát dịch bệnh ở bếp ăn thì hằng ngày nhân viên nấu ăn cho trường chúng ta sẽ được test, kiểm tra sức khỏe. Nguồn thực phẩm ở bếp ăn được kiểm soát khi đưa vào thì không có vấn đề gì phải lo lắng.
Mặt khác khi học sinh ăn căng tin bán trú sẽ giảm được nguy cơ lây nhiễm hơn là cho học sinh ra ngoài mua đồ ăn. Bên cạnh, về bữa ăn bán trú ở trường đã được nhà trường lên công thức với sự hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng”, bác sĩ Nhung phân tích.
Lây nhiễm Covid chỉ là vấn đề về bề nổi
Trường học là nơi mà trẻ giành phần lớn thời gian của mình ở đó, đồng thời giúp trẻ phát triển thể chất và tinh thần. Bởi vậy, việc mở cửa lại trường học sau thời gian đóng cửa do dịch bệnh Bộ GDĐT cũng đã có hướng dẫn rất cụ thể về chăm sóc sức khỏe đặc biệt thông tư mới nhất của Thủ tướng chính phủ về mở cửa trường học tháng 1/2022 đã hướng dẫn rất kỹ về mở cửa trường học.
Mặt khác, trước khi mở cửa trường học Bộ GDĐT, Bộ Y tế cũng tập huấn cho các thầy cô giáo rất kỹ, các trường cũng đã có kịch bản ứng phó với tình huống có thể xảy ra.
“Lây nhiễm Covid chỉ là vấn đề về bề nổi mà ai cũng có thể nhìn thấy được. Nhưng bề chìm của việc đóng cửa trường học quá dài trẻ con không được hoạt động thì các thói quen về sức khỏe bị đảo lộn như: Không được hoạt động thể chất, các thói quen không tốt cho sức khỏe ví dụ như xem tivi nhiều hơn, tăn sử dụng các phương tiện truyền thông, ăn uống không đúng giờ…. dẫn đến việc phát triển thể chất cũng không bình thường. Do vậy, việc mở cửa trường học không chỉ là việc cung cấp những kiến thức sách vở mà còn thiết lập lại thói quen, hoạt động thể chất và những cái tương tác xã hội thông qua giao tiếp với bạn bè, giáo viên chứ không phải chỉ việc đến trường để học”, bác sĩ Nhung nói.
Bác sĩ Nhung đặc biệt nhấn mạnh: “Trường học cũng phải là nơi mà chăm sóc sức khỏe cho trẻ đồng thời cũng là nơi đảm bảo an toàn cho trẻ khỏi bị xâm hại, bạo hành”.
Theo văn bản hướng dẫn 1860 Bộ Y tế các nhân viên y tế trường học phải là người đề ra phương án ứng phó tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như tình trạng cấp bách, khẩn cấp do đại dịch, đại dịch cũng chỉ là tình trạng khẩn cấp. Hoặc là có vấn đề gì đó thì trường học cũng là nơi cung cấp những phương án ứng phó với tình trạng khẩn cấp và phối hợp với bệnh viện tuyến trung ương để chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho trẻ
“Như chúng ta thấy, hiện nay trên thế giới nhiều nước đã mở cửa trường học dẫu số ca mắc covid-19 vẫn cao bởi họ đánh giá cũng như nhận thấy được hậu quả khi cho trẻ ở nhà quá lâu và hậu quả covid gây ra cái nào nghiêm trọng hơn”, bác sĩ Nhung chia sẻ.