AIDS: Nguyên nhân thứ hai gây ra cái chết cho thanh thiếu niên thế giới

Hà Kim| 01/12/2015 09:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

AIDS là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong với các đối tượng thanh thiếu niên ở Châu Phi và là nguyên nhân thứ hai gây ra cái chết cho thanh thiếu niên thế giới, theo Liên Hợp Quốc.

AIDS: Nguyên nhân thứ hai gây ra cái chết cho thanh thiếu niên thế giới

Tỷ lệ thanh thiếu niên nhiễm HIV tăng gấp 3 lần trong 15 năm qua

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc mới đây công bố, trong vòng 15 năm qua, số thanh thiếu niên chết vì AIDS tăng gấp 3 lần, phần lớn trong số đó nhiễm HIV từ nhỏ hoặc lây từ mẹ sang con.

Theo thống kê từ UNICEF, AIDS là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở đối tượng thanh thiếu niên (độ tuổi từ 10-19 tuổi) tại châu Phi và là nguyên nhân thứ hai dẫn đến cái chết cho thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Cũng theo thống kê này, trong tất cả các đối tượng nhiễm HIV trên thế giới, thì đối tượng trẻ vị thành niên là nhóm duy nhất có số ca tử vong không giảm. Cứ mỗi giờ lại có 26 ca mắc mới đối với HIV, đối tượng là thanh thiếu niên.

Báo cáo trên cho thấy, trên thế giới có khoảng gần 2 triệu người sống chung với AIDS, một nửa trong số đó nằm ở 6 quốc gia gồm Nam Phi, Nigeria, Kenya, Ấn Độ, Mozambique và Tanzania.

Tiểu vùng Sahara châu Phi là nơi tỷ lệ nhiễm HIV đối với thanh thiếu niên cao nhất và chỉ 11% trong số đó được xét nghiệm HIV thường niên. Cũng tại đây, cứ 10 ca nhiễm HIV thì có 7 trường hợp là nữ, khoảng 70% trong số này là do quan hệ tình dục không dùng bao cao xu.

Ông Craig McClure, giám đốc chương trình HIV / AIDS toàn cầu của UNICEF cho biết, chỉ 1/3 trong 2,6 triệu trẻ em dưới 15 tuổi sống chung với HIV được điều trị.

Kể từ năm 2000, gần 1,3 triệu ca nhiễm mới ở trẻ em đã được ngăn chặn, phần lớn là do những tiến bộ trong công tác phòng chống lây truyền từ mẹ sang con. Đến năm 2014, cứ 5 phụ nữ mang thai nhiễm HIV thì có 3 người được điều trị ARV để ngăn ngừa lây truyền virus sang con, báo cáo cho biết thêm.

Liên Hợp Quốc cho hay, tình trạng lây truyền từ mẹ sang con đã được cải thiện đáng kể trong 15 năm qua. “Những nỗ lực ngăn chặn lây truyền từ mẹ sang con sẽ giúp giảm số trẻ em nhiễm HIV ở thế hệ sau”, báo cáo nói.

Bên cạnh đó, báo cáo này còn đưa ra một số khuyến nghị nhằm giảm thiểu số người nhiễm HIV trong thời gian tới, như tiếp cận chẩn đoán HIV sớm, đầu tư thêm vào các chương trình phòng chống cộng đồng, giáo dục trẻ em ở trường học, cung cấp thông tin đầy đủ về HIV cho mọi đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Liệu pháp điều trị kháng retrovirus (gọi tắt là điều trị ARV) cho người có HIV được nhìn nhận là một trong những biện pháp tích cực giúp người có HIV cải thiện sức khoẻ và kéo dài thời gian sống của mình. Theo quy định của Bộ Y tế, bất cứ phác đồ điều trị nào cũng phải có ít nhất 3 loại thuốc ARV (liệu pháp kháng retrovirus hoạt tính cao – HAART). Các thuốc kháng retrovirus chỉ có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus HIV chứ không chữa khỏi hoàn toàn bệnh HIV nên người có HIV phải điều trị kéo dài suốt cuộc đời và vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng để tránh lây truyền virus cho người khác.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
AIDS: Nguyên nhân thứ hai gây ra cái chết cho thanh thiếu niên thế giới