Thuộc quần thể di tích Tam Cốc - Bích Động, đền Thái Vi là một trong những điểm đến du khách khó lòng bỏ qua trong các tour du lịch về cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
Cách bến thuyền Tam Cốc khoảng 1km về phía Tây Nam có một ngôi đền thờ các vị Vua đầu của triều đại nhà Trần, đó là đền Thái Vi
Cách bến thuyền Tam Cốc khoảng 1km về phía Tây Nam, đền Thái Vi nằm ở địa phận thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, là nơi thờ các vị vua đầu của triều đại nhà Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Hoàng hậu Thuận Thiên, cùng các vị tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải.
Tương truyền đền Thái Vi được xây dựng vào thế kỷ thứ 13, trên nền cung điện của hành cung Vũ Lâm - một cứ địa trong kháng chiến chống Nguyên Mông.
Đền Thái Vi được xây dựng theo kiến trúc “nội công ngoại quốc”, nghĩa là ba tòa nhà chính gồm bái đường, thiêu hương và chính cung tạo thành hình chữ “công”, tường thành bao quanh khu đền tạo thành chữ “quốc”. Đây là lối kiến trúc đặc trưng thường thấy trong các ngôi chùa ở Việt Nam.
Trước đền có giếng Ngọc, phía trong sân đền có gác chuông hai tầng tám mái làm bằng gỗ lim, tại đây có treo một quả chuông đúc từ năm Chính Hòa thứ 19 (1689).
Đường chính đạo và sân rồng đều lát đá xanh. Từ sân rồng bước theo các bậc đá đến Ngũ đại môn (5 cửa lớn) có 6 hàng cột đá tròn song song đều được chạm khắc nổi long vương chầu vào chính diện. Mặt ngoài các cột đá đều chạm khắc các câu đối bằng chữ Hán. Các xà hiên cũng làm bằng đá, chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt.
Qua 5 cửa lớn là đến 5 gian Bái Đường uy nghi, cũng có 6 cột đá vuông chạm khắc các câu đối ở mặt ngoài, các mặt khác chạm khắc nổi: long, ly, quy, phượng, cá chép hóa rồng. Tiếp theo là ba gian Trung Đường với hai hàng cột đá tròn, mỗi hàng 4 cột, đều được chạm khắc nổi long vân.
Qua Trung Đường vào năm gian Chính Tẩm cũng có 8 cột đá tròn được chạm khắc nổi: cầm, kỳ, thi, hoạ. Trong Cung khám của Chính Tẩm ở giữa là tượng thờ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Thuận Thiên.
Tại khu di tích đền Thái Vi còn có một am nhỏ ở phía tây thôn Văn Lâm. Sau cuộc kháng chiến quân Mông Nguyên lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông đã nhường ngôi cho con rồi lui về vùng núi Vũ Lâm lập am Thái Vi, xuất gia tu hành.
Điểm độc đáo của ngôi đền này chính là tất cả các cột đều làm bằng đá xanh nguyên khối, được chạm khắc công phu, tỉ mỉ, đường nét uyển chuyển, tinh tế như khắc ở trên gỗ, thể hiện nét tài hoa, cái tâm, cái tình của những người thợ khắc đá nơi đây.
Dựa lưng vào núi Cấm Sơn, mặt hướng ra sông Ngô Đồng, khung cảnh thanh bình, xanh mát của khu di tích đền Thái Vi dễ làm lòng người trở nên tĩnh tại.
Hàng năm, dân làng Văn Lâm tưng bừng mở hội. Đây là dịp người dân địa phương nói riêng, nhân dân cả nước nói chung tưởng nhớ công lao các vua đời đầu nhà Trần được thờ tại đây.
Lễ hội đền Thái Vi bắt đầu từ chiều 14/3 kéo dài đến ngày 17/3 âm lịch, gồm có lễ rước kiệu, nghi thức tế lễ và phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống.
Dưới đây là một số hình ảnh được nhiếp ảnh gia ghi lại trong ngày khai hội đền Thái Vi.
Nghi thức tế ở đền
Rước kiệu ở đền Thái Vi không chỉ có một đoàn, mà có trên dưới 30 đoàn. Sáng 14/3 âm lịch, kiệu từ các nẻo đường trong huyện, trong tỉnh rước về đền Thái Vi trong không khí tưng bừng của ngày hội.
Rước kiệu về đến đền
Khách nước ngoài thích thú ngắm quang cảnh xung quanh từ trên những chiếc xe bò thô sơ
Bến đò yên tĩnh là vậy, nhưng...
Từ chiều 14/3, nhiều hoạt động đã diễn ra trong ngày khai hội đền Thái Vi. Trong ảnh: Dân địa phương và du khách tập trung trên bến thuyền chứng kiến màn đua thuyền đầy kịch tính của những thanh niên trai tráng
Không khí vô cùng sôi động. Những tiếng hò reo cổ vũ sôi động cả một vùng sông nước
Những phóng viên ảnh không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để bắt được những hình ảnh đẹp nhất trong lễ hội đền Thái Vi
Đoàn rước kiệu chụp từ trên cao