Ai thực sự giúp Tổng thống Nga Putin tạo dựng quyền lực?

TTK| 21/08/2016 20:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trang mạng Foxnews mới đây có bài viết đánh giá vai trò của Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhân tố giúp ông tạo dựng quyền lực trong khu vực và trên trường quốc tế.

Bài báo viết: Ukraine vừa phải đặt quân đội của mình vào tình trạng báo động cao, và một số người cho rằng Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc xâm chiếm nước láng giềng phía Tây của mình. Vậy nước Mỹ sẽ làm gì? Nếu xét theo lịch sử, câu trả lời sẽ là: Không làm gì. 

Truyền thông cho rằng ứng cử viên tổng thống Donald Trump đang có quan hệ móc nối với ông Putin, song chính Tổng thống Obama mới là người đã tạo điều kiện để nhà lãnh đạo quyền lực Nga này trở thành trung gian quyền lực ở Trung Đông. Nhờ ông Obama mà ông Putin mới có được tỷ lệ ủng hộ trong nước đạt 82% trong bối cảnh thu nhập sụt giảm và thiếu hụt lương thực lan rộng. Như tờ "Thời báo New York" viết, việc Nga làm gia tăng căng thẳng ở Ukraine “cho phép Nga tiếp tục khẳng định mình là một cường quốc trên thế giới cho dù nền kinh tế nước này còn thua kém Australia”. 

Ai thực sự giúp Tổng thống Nga Putin tạo dựng quyền lực?

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Mặc dù Tổng thống Obama cùng với Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh trừng phạt Nga và cảnh cáo ông Putin về nguy cơ bị cô lập sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea, song nhà lãnh đạo Nga bất chấp những cảnh báo “cứng rắn” của Mỹ, Moskva bắt đầu bàn giao hệ thống phòng không S-300 cho Iran, một hệ thống trong tương lai có thể được sử dụng để bảo vệ các cơ sở hạt nhân. 

Đó không phải là lần đầu ông Putin làm khó ông Obama. Từ vụ bao che cho cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tới việc dàn dựng vụ rò rỉ thư điện tử tiết lộ tham nhũng trong Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ Mỹ (DNC), cựu đặc vụ Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB) này đã liên tục chọc tức Tổng thống Mỹ, biết rõ rằng mình có ưu thế hơn. Ông Obama cần sự giúp đỡ của ông Putin trên hai mặt trận quan trọng đối với uy tín và thành tựu của ông: tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và để thỏa thuận hạt nhân với Iran được tiến triển. 

Bởi từng bày tỏ sự ngưỡng mộ khả năng lãnh đạo của ông Putin và từng có các hoạt động kinh doanh nhỏ hẹp ở Nga mà ông Trump bị cho là có thể san sẻ quyền lực cho ông Putin nếu trở thành tổng thống Mỹ. Cáo buộc này thật là tức cười, bởi ông Obama mới là người đã làm đúng điều đó. 

Ông Obama đã từng nói hớ vào năm 2012 khi ông chuyển một thông điệp tới ông Putin qua Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev, đảm bảo về hệ thống phòng thủ tên lửa rằng “sau khi thắng cử, tôi có nhiều linh hoạt hơn”. Ông Medvedev đáp rằng: “Tôi hiểu. Tôi sẽ chuyển thông tin này tới ông Putin”. Khi nói thế này, ông Obama ám chỉ rằng sau bầu cử, ông có thể từ bỏ các kế hoạch về hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu vốn định để chống vũ khí hạt nhân của Iran. Thực tế, ông đã làm đúng như thế. Lúc đầu, ông xóa bỏ kế hoạch lắp đặt 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và mạng lưới Radar ở Cộng hòa Séc. Chương trình thay thế, có phần hiệu quả và ưu việt hơn về mặt chiến lược, dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2018. Nó đã được hoãn “vô hạn định”, do sự phản đối của Nga. 

Đồng thời, năm 2013, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng khí độc sarin chống lại người dân nước mình – một ranh giới mà ông Obama cảnh báo không được vượt qua, song khi nhà độc tài Syria vượt qua giới hạn đó thì ông Obama lại lưỡng lự. Thay vì tấn công Syria, ông Obama lại chuyển vấn đề sang phía ông Putin để cùng giải quyết. Đây là một quyết định khác thường và nó càng trở nên tai hại hơn vào năm 2014, khi mà, lợi dụng mối quan hệ liên minh mới tạo lập với ông Obama, ông Putin đã giành lấy bán đảo Crimea từ tay Ukraine. 

Sau khi Nga chiếm Crimea, ông Obama hứa hẹn rằng: “Nếu Nga tiếp tục theo chiều hướng hiện nay, sự cô lập sẽ được tăng cường, lệnh trừng phạt sẽ được bổ sung, và nền kinh tế Nga sẽ phải chịu thêm nhiều hậu quả”. Song thực tế thì sao? Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp đồng sự Nga Sergey Lavrov 20 lần trong vòng 12 tháng sau đó và tới Moskva 2 lần để gặp ông Putin, chỉ để chắc chắn rằng ông ta không bị cô lập quá. 

Ông Obama không đủ sức để cô lập ông Putin bởi ông đang thua trong cuộc chiến chống IS và tỷ lệ tín nhiệm của ông đang lao dốc. Ông Obama cho phép tấn công tổ chức khủng bố song quân đội hoạt động kém hiệu quả tới mức các máy bay xuất kích ném bom thường còn tới 75% đạn khi trở về bởi sợ gây thương vong cho thường dân. IS phát triển và lớn mạnh, gây ra các vụ tấn công trên khắp thế giới, bởi vậy ông Obama đành để ông Putin tiếp quản trận chiến. 

Tháng 3/2016, tờ "The Guardian" đưa tin các vụ không kích của Nga làm chết 2.000 thường dân, trong đó có cả trẻ em, trong 6 tháng đầu tiên. Các vụ tấn công của Moskva nhằm vào không chỉ IS mà còn cả phe đối lập với ông Assad được Mỹ đào tạo và hỗ trợ. Lãnh thổ do IS chiếm được bắt đầu thu hẹp, và tỷ lệ tín nhiệm của ông Obama lại tăng lên. 

Làm thế nào có thể giới hạn được sự lấn tới của ông Putin? Có một giải pháp là cố gắng hết sức chấm dứt sự phụ thuộc của châu Âu đối với khí đốt tự nhiên của Nga. Nước Mỹ đang dư thừa khí tự nhiên, có thể xuất khẩu khí hóa lỏng cho các đồng minh châu Âu và nới lỏng sự trói buộc của Nga đối với EU. Tuy nhiên, điều này sẽ đem lại sự giàu có cho các nhà sản xuất năng lượng Mỹ - một kết quả mà Nhà Trắng không hề muốn. 

Ông Putin đang thành công, khôi phục được nền kinh tế đang suy thoái và tránh được những lời chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Ông thao túng được ông Obama để có được một vị thế quan trọng. Ông Putin chẳng cần tới ông Trump.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai thực sự giúp Tổng thống Nga Putin tạo dựng quyền lực?