Ai Cập đã đóng cửa Đại sứ quán tại Yemen và đưa toàn bộ nhân viên ngoại giao của mình về nước do tình hình an ninh ngày càng xấu đi tại quốc gia Ả Rập này.
Theo hãng tin MENA của Ai Cập hôm thứ Hai 23/2, Ai Cập chính thức đóng cửa cơ quan ngoại giao của mình tại Yemen tại thủ đô Sana'a do tình hình an ninh bất ổn tại quốc gia này.
Lính gác trước cửa đại sứ quán Ai Cập tại Yemen
Trước đó, ngày 16/2, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng cửa Đại sứ quán tại thủ đô Yemen và ngừng mọi hoạt động ngoại giao tại đó. Trong một báo cáo, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ, Thổ Nhĩ Kỳ hi vọng các cơ quan ngoại giao sẽ sớm được thiết lập trở lại tại Yemen.
Cùng ngày, đại sứ quán Nhật Bản tại Yemen cũng tuyên bố tạm thời đóng cửa do lo ngại về an ninh và bạo lực.
Bộ Ngoại giao các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng công bố đóng cửa đại sứ quán của mình tại thủ đô Sana'a, Yemen vào ngày 14/2 với lý do tình hình chính trị và an ninh ngày càng xấu đi của nước này.
Vào 13/2, đồng loạt các nước Tây Ban Nha, Ý, Đức, Ả Rập Saudi cũng đóng cửa đại sứ quán của mình tại Sana'a. Bộ Ngoại giao Ý bày tỏ hi vọng, dưới sự chỉ đạo của đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Yemen, Jamal Benomar, an ninh sẽ dần được khôi phục và các cơ quan ngoại giao sẽ sớm được mở cửa trở lại.
Đồng loạt đại sứ quán các nước đóng cửa tại Yemen do an ninh bất ổn
Trước đó 2 ngày, Pháp cũng kêu gọi tất cả các công dân Pháp rời khỏi đất nước này và công bố tạm thời đóng cửa đại sứ quán.
Cũng trong sáng 11/2, toàn bộ nhân viên đại sứ quán Anh và Hoa Kỳ cũng rút về nước. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh, Tobias Ellwood nói, “Tình hình an ninh tại Yemen tiếp tục xấu đi. Chúng tôi đánh giá rằng nguy hiểm đối với các nhân viên đại sứ ngày càng tăng. Vì vậy chúng tôi đã quyết định rút nhân viên ngoại giao và tạm thời đình chỉ hoạt động của Đại sứ quán Anh tại Sana 'a".
Vào tháng 9/2014, các tay súng Ansarullah giành quyền kiểm soát Sana'a. Điều này đã thay đổi toàn bộ bối cảnh lịch sử của Yemen. Phong trào Houthi đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng năm 2011 buộc Ali Abdullah Saleh bỏ chế độ độc tài sau 33 năm cai trị.