AEC và thị trường bán lẻ Việt Nam: Nâng sức cạnh tranh để làm chủ trên sân nhà

Mỹ Duyên| 03/01/2016 06:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, cho phép các dòng tài nguyên, hàng hoá, vốn, nhân lực... di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối.

Đặc biệt có khoảng 10.000 loại hàng hoá từ các nước thành viên được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Điều này được đánh giá sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành bán lẻ Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia một loạt các FTA song phương và đa phương.

Thị trường bán lẻ trong nước: Nhiều tiềm năng

 Các số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2013, Việt Nam có hơn 8.500 chợ, trên một triệu cửa hàng quy mô nhỏ và mới chỉ có 724 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, 400 cửa hàng tiện ích. Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020, cả nước có khoảng 1.200-1.300 siêu thị. Số trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm cũng tăng lần lượt lên 180 và 157 điểm. Dự báo đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa (tỷ lệ này hiện nay là khoảng 28%).

Theo ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), trong 5 năm trở lại đây, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 20%, luôn cao gấp 3 lần so với GDP. Điều này chứng tỏ, thị trường bán lẻ trong nước đang có vai trò rất quan trọng và còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.

AEC và thị trường bán lẻ Việt Nam: Nâng sức cạnh tranh để làm chủ trên sân nhà

Thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết

Năm 2015, thị trường bán lẻ trong nước đón nhận nhiều luồng đầu tư mới từ nước ngoài khi Việt Nam cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng quý IV-2015, hàng loạt trung tâm thương mại của các nhà bán lẻ tên tuổi đồng loạt đi vào hoạt động (Vincom Lê Thánh Tông, Lotte Mart Cần Thơ, Pearl Plaza Sài Gòn, AEON Mall Long Biên…).

Các chuyên gia kinh tế dự báo, khi AEC chính thức được thành lập, làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ tăng nhanh hơn nữa.

Một trong những nguyên nhân chính khiến cho làn sóng đầu tư vào thị trường bán lẻ tăng nhanh là do những cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối trong các quy định của AEC. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia một loạt các FTA song phương và đa phương cũng là một cú hích lớn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng có lợi thế về dân số trẻ, thu nhập đầu người tăng, kinh tế vĩ mô ổn định… khiến các nhà đầu tư tự tin khi đầu tư vào.

Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt

Việc đầu tư nước ngoài vào thị trường bán lẻ tăng sẽ tạo nên một loạt các lợi ích lan tỏa như: Đầu tư tăng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới giúp thu nhập và phúc lợi của người dân tăng. Từ đó, nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ tăng theo, càng tạo động lực cho ngành bán lẻ phát triển.

Mặt khác, đầu tư tăng đồng nghĩa với việc đa dạng về mẫu mã và chủng loại sản phẩm, do đó, người tiêu dùng trong nước có nhiều lựa chọn hơn. Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng có cơ hội để học hỏi, phấn đấu sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt hòng chiếm lĩnh thị trường mới. Các nhà quản lý có điều kiện để hoàn thiện các chính sách cho thị trường, tiếp cận các kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ, quảng bá thương hiệu, chăm sóc khách hàng...

Cùng với những lợi ích có được, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và nguy cơ. Bởi lẽ, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhưng lớn nhất là thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ và thiếu đi một “nhạc trưởng” trong từng mảng kinh doanh nên các nhà cung cấp mạnh ai nấy rao, nhà bán lẻ mạnh ai nấy bán, cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới tất cả đều phát triển manh mún, thiếu bài bản. Những doanh nghiệp bán lẻ tạo được niềm tin đối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp, đảm bảo được nguồn hàng ổn định phục vụ người tiêu dùng không nhiều.

Thừa nhận những hạn chế của doanh nghiệp trong nước, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ trong nước chưa thể bứt phá phát triển như các Tập đoàn nước ngoài do còn thiếu và yếu trong các vấn đề như tính chuyên nghiệp, chiến lược phát triển dài hạn, tiềm lực tài chính và logistics. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động trong tình trạng bến bãi phân tán, kém hiệu quả, kho hàng hạn chế khiến lượng hàng dự trữ mỏng, mạng lưới phân phối chưa thể hiện sự chuyên nghiệp… Trong khi đó, thế mạnh của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là vốn, công nghệ, tính chuyên nghiệp, đặc biệt là hệ thống chuỗi xuyên quốc gia rất mạnh. Nếu không chủ động phát triển theo xu hướng hiện đại và chuyên nghiệp sẽ dễ mất cơ hội làm chủ trên sân nhà.

Cần tính chuyên nghiệp trong phân phối

Để cạnh tranh được với các nhà đầu tư nước ngoài, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần tổ chức lại, cắt giảm những dịch vụ không cần thiết để hạ giá bán, đầu tư vào chuỗi cửa hàng, chuỗi siêu thị vừa và nhỏ, nối lại các liên doanh, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới như siêu thị thực phẩm, cửa hàng tiện lợi, đầu tư về nông thôn… mới có thể mở rộng cơ hội phát triển, giành lại thị phần trên sân nhà. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm phát triển của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, các hiệp hội đồng nghiệp trên thế giới như Hiệp hội Bán lẻ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…

AEC và thị trường bán lẻ Việt Nam: Nâng sức cạnh tranh để làm chủ trên sân nhà

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang đối diện với nhiều cơ hội và thách thức mới

 Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, doanh nghiệp Việt nên xây dựng tính chuyên nghiệp trong phân phối từ chuỗi cung ứng, khả năng quản trị, chiến lược phát triển đa dạng hóa nguồn hàng. Trong đó, chuyên nghiệp hóa dịch vụ phải là một giải pháp đầu tiên mang tính chiến lược mà các doanh nghiệp Việt cần chú trọng. Ngoài các nỗ lực của doanh nghiệp, để có thể đạt được mức tăng trưởng cao, cần được hỗ trợ về tín dụng, nguồn vốn, thuế để tạo đà cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Đồng thời, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo về thông tin thị trường, chính sách xúc tiến thương mại của các thị trường nội khối.

Trước sức ép cạnh tranh cũng như nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp trong nước đang tìm cách vận động, đổi mới hệ thống phân phối như quảng bá và làm thương hiệu, đa dạng hóa hình thức bán lẻ… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải làm cho doanh nghiệp Việt mạnh lên thì doanh nghiệp bán lẻ mới mạnh lên. Điều này đồng nghĩa với việc, ngay từ khâu sản xuất, cần có quy hoạch chi tiết trong tổng thể chuỗi giá trị chung và nâng cao tính định hướng đối với các thực thể sản xuất kinh doanh; phải sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, nguồn cung ổn định thì mới cạnh tranh bền vững với hàng ngoại nhập... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
AEC và thị trường bán lẻ Việt Nam: Nâng sức cạnh tranh để làm chủ trên sân nhà