9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015

Đỗ Huyền| 22/10/2014 06:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế xã hội năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã đề ra 9 nội dung hết sức cụ thể và thiết thực.

9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tình hình KT-XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (ngày 20/10/2014).

Bối cảnh và chỉ tiêu chủ yếu

Hiện nay tình hình thế giới đang diễn biến rất khó lường, xung đột tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Kinh tế thế giới dự báo phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Liên kết kinh tế khu vực với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được đẩy mạnh trong xu thế toàn cầu hóa. Tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn trong khu vực đang diễn ra quyết liệt và tranh chấp chủ quyền biển đảo vẫn rất phức tạp. Kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập sâu và phải cạnh tranh gay gắt hơn. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đặt ra các mục tiêu chủ yếu một cách phù hợp. Về kinh tế, mục tiêu đặt ra là Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015

Giải pháp đầu tiên là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường.

Về môi trường, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 82%; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 85%; Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch 82%; Tỷ lệ đô thị loại 3 trở lên có hệ thống thu gom và xử lý nước thải 16%; Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 85%.

Các nhiệm vụ và giải pháp đặt ra

Để đạt được các mục tiêu trên đây, đòi hỏi phải có sự phấn đấu, nỗ lực cao và các giải pháp thích hợp.

Trước hết là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó phải tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bằng cách thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá, kiểm soát tốt lạm phát. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng. Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại tệ và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh.

Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định.

Thứ hai là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó khẩn trương, chặt chẽ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối. Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Khuyến khích xã hội hóa trong sản xuất kinh doanh; phát triển nhanh doanh nghiệp tư nhân và kinh tế hợp tác.

Thứ ba là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, nhất là trong quản lý giá, phân bổ nguồn lực, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và vận hành hiệu quả các loại thị trường. Đồng thời có cơ chế chính sách điều tiết phân phối để thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội; hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách, người nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Tích cực thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp. Tập trung cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.

Thứ tư là phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ. Thực hiện Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống và văn hóa ứng xử. Tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng theo tinh thần đổi mới; tăng cường kiểm định chất lượng. Đẩy mạnh thực hiện thí điểm cơ chế giao quyền tự chủ cho các trường Đại học công lập…

Thứ năm là phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt các chính sách người có công, dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, các huyện nghèo và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tăng mức trợ cấp xã hội đối với một số nhóm đối tượng đặc thù.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tiếp tục giảm quá tải bệnh viện. Triển khai hiệu quả Luật Bảo hiểm y tế, chiến lược phát triển ngành dược, phát triển hệ thống bệnh viện y học cổ truyền. Tăng cường quản lý thuốc chữa bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS…

Thứ sáu là đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Trong đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Công khai minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường kiểm tra thanh tra chế độ công chức công vụ. Đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan, người đứng đầu và cán bộ công chức viên chức. Thực hiện đúng quy định về kê khai và kiểm soát kê khai tài sản. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài.

Ngoài ra là các biện pháp như: Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015