Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (NQ 49), Ban cán sự Đảng TANDTC đã chỉ đạo ngành Tòa án thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng và đạt kết quả cao.
Ở bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính đã được tiếp thu và thực hiện có hiệu quả.
Bài 1: Nhiều vấn đề trong tố tụng hình sự, dân sự, hành chính đã được thể chế hóa
Tổ chức quán triệt NQ 49 một cách toàn diện
Ngay sau khi NQ 49 được ban hành, Ban cán sự Đảng TANDTC đã thành lập Ban chỉ đạo, bộ phận giúp việc triển khai thực hiện NQ 49; xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức quán triệt nội dung nghị quyết, các chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Ban cán sự Đảng TANDTC về việc thực hiện NQ 49 cho cán bộ, công chức trong toàn ngành. Ban cán sự Đảng TANDTC tổ chức quán triệt các văn bản nói trên tới từng lãnh đạo chủ chốt, thủ trưởng các đơn vị để tiếp tục quán triệt tới cán bộ, công chức của đơn vị mình; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn TAQS Trung ương và các TAND cấp tỉnh tổ chức quán triệt tới cán bộ, công chức trong toàn ngành.
Nhìn chung, việc quán triệt thực hiện NQ 49 trong ngành TAND đã được thực hiện nghiêm túc, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức đối với các nhiệm vụ cải cách tư pháp, nhất là các nhiệm vụ liên quan trực tiếp tới tổ chức và hoạt động của ngành TAND, giúp cho cán bộ, công chức nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của Toà án trong tiến trình CCTP.
Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, dân sự theo định hướng NQ 49 bao gồm: “Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm; hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm”; “Khắc phục tình trạng hình sự hoá quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm”…
Trên cơ sở tổng kết việc thi hành BLHS năm 1999, các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có TANDTC đã phối hợp xây dựng dự án BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009. Thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, 8 tội danh đã hủy bỏ hình phạt tử hình, giảm gần 30% so với pháp luật hình sự trước đó, chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản đề xử lý hình sự đối với một số tội phạm nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, tội phạm mới xuất hiện trong thời kỳ phát triển như: Tội phạm về mua bán người, tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố, tội rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Để đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật, TANDTC đã khẩn trương xây dựng và đã ban hành hai nghị quyết, 8 thông tư liên tịch, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể về các loại tội phạm mới như: Tội rửa tiền, tội khủng bố và tội tài trợ khủng bố; tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông; tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán; tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Đặc biệt, các quy định liên quan đến tội phạm tham nhũng được TANDTC rất chú trọng và đã ban hành một số văn bản hướng dẫn để xét xử nghiêm minh những vụ án tham nhũng, được dư luận đồng tình và đánh giá cao.
Phân định rõ thẩm quyền hành chính và quyền hạn tư pháp
Về định hướng chủ trương hoàn thiện pháp luật dân sự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch… TANDTC đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng BLDS 2005 (và hiện tại đang sửa đổi). Cùng với đó là việc TANDTC đã ban hành nhiều nghị quyết, thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể nhằm từng bước thể chế những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo trong NQ 49 về vấn đề này.
Việc phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán… bước đầu đã được thể chế cụ thể trong Bộ luật tố tụng hình sự, hành chính, dân sự nhằm nâng cao trách nhiệm và tính độc lập của các chức danh tư pháp. Theo đó, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên có nhiệm vụ chủ động thực hiện thẩm quyền tố tụng được quy định và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được giao.
NQ 49 cũng đã định hướng: Từng bước hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng quy định chặt chẽ những căn cứ kháng nghị và quy định rõ trách nhiệm của người ra kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục tình trạng kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ... Đây cũng là nội dung được quan tâm nhiều nhất tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Quá trình triển khai thực hiện, TANDTC cũng đã rất chú trọng đến lĩnh vực này. Cùng với việc gắn thực tiễn vào trong quá trình xây dựng Luật tố tụng hành chính và BLTTDS (sửa đổi, bổ sung năm 2011), đã quy định chặt chẽ việc nộp đơn, thụ lý và xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng đảm bảo quyền nộp đơn của người dân và đề cao trách nhiệm của Tòa án trong việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm. Bổ sung thẩm quyền xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC… Hiện nay, TANDTC đang chủ trì, phối hợp với VKSNDTC và Bộ Tư pháp xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn một số quy định của BLTTDS, hành chính về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án theo tinh thần NQ 49 đã đề ra.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo TANDTC, việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là một vấn đề lớn, liên quan đến truyền thống pháp lý, quan điểm, nhận thức của nhiều ngành, nhiều cấp và vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật hiện hành, đòi hỏi phải sửa đổi nhiều luật liên quan như Luật Tổ chức TAND và các Luật về tố tụng. Do đó, để việc tiếp tục thể chế hóa các nhiệm vụ mà NQ 49 đã đặt ra đối với công tác giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân, tổ chức, vừa đảm bảo chặt chẽ căn cứ kháng nghị, trách nhiệm của người kháng nghị thì cần phải có thời gian chuẩn bị, nghiên cứu kỹ với sự đồng thuận cao về các đề xuất đối với cơ chế này.
Bài 2: Đổi mới mạnh mẽ các thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính và tranh tụng tại tòa
Nguyên Bình