Kể từ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, trong số trên 1098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 77,4%.
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Kết quả thực hiện thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cho thấy kể từ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, đã có trên 1098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước. Trong số này có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 77,4%.
Các kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết chủ yếu là các kiến nghị chung về môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi pháp luật, cơ chế chính sách đang được các bộ ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.
Chính phủ yêu cầu không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán DN. Ảnh: DĐDN
Các nội dung kiến nghị chủ yếu của cộng đồng doanh nghiệp được tổng hợp theo các nhóm vấn đề như cải cách hành chính, tiếp cận nguồn lực; đảm bảo quyền kinh doanh…
Cụ thể về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị việc cải tiến thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra, môi trường; Tinh thần, thái độ phục vụ của các công chức làm việc trong lĩnh vực trên; Yêu cầu các cơ quan Nhà nước cũng phải tuân thủ pháp luật, bình đẳng với các doanh nghiệp.
Về tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tập trung vào việc phát huy hiệu quả của các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Đối với việc bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, các kiến nghị liên quan tới việc đề nghị thực hiện nghiêm túc việc tham vấn các đối tượng chịu tác động và tham vấn chuyên gia trong quá trình xây dựng, thực hiện pháp luật, chính sách; Tăng cường chất lượng và sự tham gia của cán bộ pháp chế các bộ ngành trong xây dựng pháp luật; Các mối quan ngại bị phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; Mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Quy định pháp luật.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị việc đảm bảo mặt bằng lãi suất phù hợp; Giảm bớt các mức đóng góp của Người sử dụng lao động; Giảm giá thuê đất, giảm mức thu phí tại một số dự án BOT, các loại phí, lệ phí khác.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, các kiến nghị đề cập đến các vấn đề về bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp khi làm thủ tục phá sản doanh nghiệp; Thi hành án dân sự, nhất là khi có tranh chấp hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân; Có chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm bản quyền SHTT; Bảo vệ doanh nghiệp trong quan hệ lao động; Thanh tra, kiểm tra không đúng quy định.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết Nghị quyết 35 yêu cầu chỉ thanh tra, kiểm tra 1 năm 1 lần, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn bị thanh tra, kiểm tra khá nhiều, có doanh nghiệp bị tới 6,7 lần một năm. Trong số các doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần, thì có một nửa nói rằng việc thanh tra, kiểm tra là chồng chéo.
Trước vấn đề trên, ngay trong ngày 16/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm; tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp; báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/5/2017.
Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.