Ngày 3/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp trực tuyến phiên họp thường kỳ tháng 6/2017 với lãnh đạo các địa phương trên cả nước.
Theo đó, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn nhiều vấn đáng quan tâm như: cổ phần hóa DNNN chậm, ngành công nghiệp tăng trưởng thấp… ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế.
Tăng trưởng công nghiệp còn thấp
Hội nghị đã thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2017, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm nay; kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2017; báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng; báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; báo cáo công tác cải cách hành chính;...
Theo báo cáo của Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung toàn cầu, nền kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Lạm phát ở mức thấp, 6 tháng chỉ tăng 0,2%; tăng trưởng phục hồi mạnh, quý I đạt 5,15%, quý II tăng 6,17%. Đây là sự tăng trưởng rất ngoạn mục, theo đánh giá của ngành tổng hợp - thống kê và các nhà kinh tế. Kết quả, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2017 đạt 5,73%, trong đó nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh. Thu ngân sách tăng mạnh, có nhiều giải pháp bảo đảm nguồn thu. Vốn FDI tăng mạnh, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt trên 19 tỷ USD, tăng 54,8%, vốn thực hiện 7,7 tỷ USD, tăng 6,5%. Có trên 61.000 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn gần 600.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực du lịch, dịch vụ gia tăng, khách quốc tế tăng trên 30%. Việt Nam là 1 trong 12 nước dẫn đầu về tăng trưởng du lịch của thế giới. Tín dụng tăng 8%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm. Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm, kể từ tháng 3/2008, chỉ số VNIndex đạt trên 777 điểm vào ngày 30/6 vừa qua. Tính cả xuất nhập khẩu thì 6 tháng kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 200 tỷ USD.
Không chỉ về kinh tế, chúng ta còn đạt kết quả khả quan trên một số mặt văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Chính trị xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội cơ bản bảo đảm. Kỳ thi THPT quốc gia tổ chức tốt, tạo thuận lợi cho mọi gia đình. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả. Tổ chức đối ngoại cấp cao, tăng cường quan hệ với các đối tác, nước lớn, ký kết thương mại đầu tư hàng chục tỷ USD, mở ra chương mới trong đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới. Nhiều tỉnh, thành phố xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả tốt.
Quang cảnh hội nghị
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều mặt hạn chế, khó khăn, Đó là, việc tiêu thụ một số nông sản còn khó khăn, giá bán giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng còn thấp hơn cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm đến 8,2%, riêng dầu khí giảm 11,6%. Trong mức tăng trưởng 5,73% 6 tháng đầu năm, chúng ta chưa có biện pháp nào để tăng khai thác dầu khí, sản lượng không tăng thêm. Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nửa năm mới đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao và gần 26% dự toán Quốc hội giao. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc như mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tập thể, bất cập trong khám chữa bệnh, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, tình hình cổ phần hóa DNNN, thoái vốn còn chậm, mới cổ phần hóa 20 doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa 21 doanh nghiệp, mới thoái vốn 11.600 tỷ đồng trong khi kế hoạch đề ra là 60.000 tỷ đồng.
Phân cấp, giao nhiệm vụ cho bộ, ngành, địa phương
Tại phiên họp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ ra việc chậm thoái vốn Nhà nước tại hai tập đoàn lớn là Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo Bộ trưởng, Tổ công tác của Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong 6 tháng tại 3 tập đoàn lớn là: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Với Vinatex, đơn vị này đã có những nỗ lực để đạt mức doanh thu tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu của Vinatex trong 6 tháng cũng lên tới 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, Vinatex lại chưa tạo ra được chuỗi giá trị và đặc biệt là khâu cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm. Đến nay vẫn còn hơn 53% vốn Nhà nước.
Tương tự, với EVN, tiến độ thoái vốn Nhà nước còn chậm tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực. Công ty Tài chính cổ phần Điện lực là một trong những đơn vị EVN phải thực hiện thoái vốn theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua mới đây. Ngoài công ty trên, phía EVN còn phải thực hiện thoái toàn bộ vốn tại một loạt đơn vị khác như: Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh; Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4.
Riêng với Tập đoàn than-khoáng sản Việt Nam (TKV), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thống kê, doanh thu của toàn tập đoàn sau 6 tháng đạt hơn 53.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng. TKV cam kết trong năm sẽ đạt số thu 110.000 tỷ đồng, lợi nhuận 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tồn kho ở TKV cao, lên tới 9,3 triệu tấn than. Đáng chú ý, một số dự án của TKV có tình trạng chậm tiến độ, thua lỗ và phải dừng dự án. Ví dụ được Bộ trưởng nêu lên như: Dự án Khu liên hợp Gang thép Lào Cai, dự án Nhiệt điện Lý Sơn (Quảng Ngãi), cảng Kê Gà.
Trước tình hình trên, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Riêng về tăng trưởng, để cả năm đạt 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%. “Đây là mục tiêu cao nhưng chúng ta có cơ sở, căn cứ để đạt được bởi các ngành, các lĩnh vực chủ yếu có thể nói đang phục hồi mạnh. Xu hướng quốc tế, trong nước đều thuận lợi”, Thủ tướng cho biết. Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý sản xuất kinh doanh và vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung vào đề xuất giải pháp cụ thể, nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng để đảm bảo tăng trưởng từng ngành, từng lĩnh vực và cả nền kinh tế. Làm thế nào để thúc đẩy công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu bàn, đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong sản xuất, tiêu thụ lúa, nông sản, thịt lợn, gà, trái cây; giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn. Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn thủ tục hành chính, vì người dân và doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều về vấn đề này. Hơn nữa, sẽ cần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương để không phải lên Trung ương xin thủ tục.
Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội bức xúc. Trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã đưa ra nhiều cơ chế, giải pháp, chính sách đồng bộ, đầy đủ nhưng việc triển khai còn thiếu quyết liệt trong một bộ phận cán bộ, công chức; một số cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện còn cầm chừng, không tâm huyết, kém hiệu quả. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn để xảy ra tai tiếng do tham nhũng và lợi ích nhóm. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới cần chú trọng tập trung bàn, đề xuất các giải pháp khả thi nhằm phát huy hiệu quả nền kinh tế, góp phần thực hiện vượt các chỉ tiêu mà Quốc hội giao.