50 năm Công ước 1972, Di sản thế giới vì tự cường và phát triển bền vững

Thanh Phương| 06/09/2022 21:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 6/9, tại Bái Đính, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972).

a1nb.jpg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tham gia Lễ kỷ niệm

Tham dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, ủy ban, văn phòng bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các Tiểu ban trực thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới diễn ra tại Ninh Bình trong bối cảnh UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên tổ chức kỷ niệm 50 năm Công ước, hướng tới Lễ kỷ niệm toàn cầu tại Florence, Italia vào tháng 11/2022. Sự kiện này dự kiến sẽ mở đầu cho chuỗi các hoạt động thế giới kỷ niệm Công ước 1972, và cũng đánh dấu 35 năm Công ước được thực thi ở Việt Nam.

a2nb.jpg

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay phát biểu tại buổi lễ

Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới của UNESCO là công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Công ước giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương; bảo vệ bền vững không chỉ di sản thế giới mà còn bảo vệ những di sản văn hóa quốc gia.

Việt Nam là thành viên của Tổ chức UNESCO từ năm 1976, tham gia Công ước Di sản Thế giới từ năm 1987. Trong suốt 35 năm qua, Việt Nam là thành viên tích cực tại các diễn đàn của UNESCO về di sản thế giới (với 4 lần đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO tại các nhiệm kỳ) và là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, đặc biệt là 2 bên đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2016-2020 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm UNESCO năm 2015. Đến nay Việt Nam đã có 8 di sản thế giới được UNESCO ghi danh, trong đó có Quần thể danh thắng Tràng An ở chính miền đất Ninh Bình tươi đẹp này. Đây không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam mà còn của cả nhân loại, góp phần làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

a3nb.jpg

Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định, sự kiện hôm nay được tổ chức với mục đích "kép", là lễ kỷ niệm lần thứ 50 của Công ước Di sản Thế giới, có mục đích xác định và gìn giữ các di sản tự nhiên và di sản văn hóa đại diện cho các di sản chung của nhân loại và thứ hai là kỷ niệm 35 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước này.

Đây là dịp đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa UNESCO và Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa hơn bởi mối quan hệ đối tác này vẫn luôn được duy trì, phát triển và vận động cùng thời đại. UNESCO đã và đang tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, với các hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để triển khai chiến lược giáo dục mới trong 10 năm tới. Khẳng định giáo dục là một trong những nền tảng hợp tác giữa hai bên, bà Audrey Azoulay cho biết UNESCO đang tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, với các hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để triển khai chiến lược giáo dục mới trong 10 năm tới.

“Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo rằng thế giới của chúng ta không bị sụp đổ thêm nữa. Đó là sự kết nối giữa quá khứ và tương lai của chúng ta. Chúng ta phải đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng mà chúng đáng có. Chúng ta cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ví dụ ở Việt Nam, và như mô hình mẫu mực của Tràng An”, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay bày tỏ.

UNESCO muốn tăng cường hợp tác xây dựng năng lực cho các cán bộ quản lý các khu di sản, để có thể dự báo tốt hơn về hệ quả lâu dài của biến đổi khí hậu và giải quyết các tình huống khẩn cấp một cách hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
50 năm Công ước 1972, Di sản thế giới vì tự cường và phát triển bền vững