Tối ngày 20-3, tại nhà rông Kon K’lor (P. Thắng Lợi, TP Kon Tum, Kon Tum) đã diễn ra lễ bế mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 năm 2016.
Tại buổi lễ đã tổ chức vinh danh nghệ nhân ưu tú và tôn vinh nghệ thuật dân gian Tây Nguyên.
Thành phần tham dự gồm có: Đại diện Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo, sở, ngành và hơn 500 nghệ nhân đến từ các tỉnh Tây Nguyên cũng như đông đảo người dân trong khu vực.
Đây không chỉ là ngày hội gặp gỡ, giao lưu, tôn vinh quá trình sáng tạo, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, nó còn góp phần đưa văn hóa thành động lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội của từng địa phương. Bên cạnh đó, liên hoan lần này cũng là hoạt động văn hóa mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, là dịp để cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên bày tỏ tình cảm, niềm tin của các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu.
Tiết mục “Tây Nguyên vào hội” mang đậm văn hóa truyền thống của các dân tộc Xê Đăng trong đêm bế mạc.
Với chủ đề xuyên suốt trong quá trình diễn ra liên hoan “Các dân tộc Tây Nguyên – Đoàn kết – Giữ gìn – Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển bền vững đất nước” với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc nhằm tôn vinh, phục dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, tạo không gian gặp gỡ giao lưu văn hóa. Đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa các tỉnh Tây Nguyên đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Liên hoan diễn ra các hoạt động thiết thực sôi nổi như: : liên hoan tạc tượng gỗ dân gian và chế tác nhạc cụ; trưng bày di sản Văn hóa Tây Nguyên; trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng; giao lưu cồng chiêng; lễ hội đường phố; liên hoan văn hóa ẩm thực…Cùng với đó là các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, văn hóa của tỉnh Kon Tum.
Tiết mục “Mừng chiến thắng” hòa tấu cồng chiêng, xoang của dân tộc JRai.
Tại liên hoan lần này, từ khâu chuẩn bị tổ chức đến các màn trình diễn đã đưa du khách miên man đi qua miền mơ tưởng sống động của nghệ thuật dân gian truyền thống, được khởi nguồn từ những sắc màu văn hóa gắn với từng hoạt động thiết thực mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên. Mặc khác, để lễ hội đến được với tất cả bà con nhân dân trong tỉnh Kon Tum (đơn vị tổ chức), ban tổ chức đã phân bố đều các trò chơi dân gian tại ba điểm trong tỉnh. Lấy trung tâm là Tp. Kon Tum, hai điểm còn lại là huyện Ngọc Hồi nằm trên trục đường Quốc lộ 14 và Măng Đen (Kon Plong) trên trục đường Quốc lộ 24.
Các lễ hội đã thu hút được đông đảo bà con nhân dân quan tâm theo dõi, đáng chú ý là “Lễ hội đường phố” diễn ra tại Tp. Kon Tum đã tạo nên cơn sốt về số lượng người dân tham gia theo dõi. Trong trang phục quần áo cổ truyền của mỗi dân tộc, họ đã mang đến sự hòa quyện và truyền cảm hứng tới nhân dân và du khách trong ở những điểm đi qua.
Bà Đặng Thị Bích Liên (Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch) cùng ông Đào Xuân Quí (Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum) đã trao bằng chứng nhận danh hiệu nhà nước “nghệ nhân ưu tú” cho 43 nghệ nhân của tỉnh Kon Tum.
Các hoạt động khác như liên hoan tạc tượng gỗ dân gian và chế tác nhạc cụ; chọi gà; lễ hội ẩm thực… dù ít người đến chiêm ngưỡng hơn nhưng cũng đã thu hút được hàng ngàn người.
Tại bế mạc cũng đã diễn ra lễ vinh danh 43 “nghệ nhân ưu tú” của tỉnh Kon Tum. Đây là danh hiệu cao quý, được Chủ tịch nước trao tặng đối với những nghệ nhân có nhiều đóng góp trong công cuộc giữ gìn và phát huy các giá trị “Di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên”. Ngoài ra Bộ văn hóa, Thể Thao và Du lịch tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 7 cá nhân; UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 2 cá nhân và nhiều phần thưởng khác cho các Đoàn và nghệ nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình tham gia liên hoan.