Chỉ có rất ít học sinh cảm thấy an toàn khi ở trường học là con số được Viện nghiên cứu Y - Xã hội và tổ chức Plan đưa ra khiến không ít bậc phụ huynh phải giật mình.
Theo đó, chỉ có 16% học sinh nữ và 19% học sinh nam cảm thấy an toàn khi ở trường, còn lại đại đa số câu trả lời là "không an toàn" khi được khảo sát. Đây là quả thực là một con số đáng báo động, bởi trường học vốn được coi là nơi an toàn đối với học sinh, nhưng trên thực tế giờ đây môi trường này đã không còn là nơi để nhiều em học sinh mong đến.
Những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, sở dĩ vậy là do học sinh Việt Nam gặp rất nhiều vấn đề ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và việc học tập. Trong đó có 4 nguyên nhân chính đó là: bạo lực học đường, bạo lực tình dục, áp lực học tập và áp lực từ các mối quan hệ cá nhân.
Một nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu Y – Xã hội thực hiện trên 3.000 học sinh THPT và THCS của Hà Nội cũng cho thấy: có tới 80% học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần.Trong đó, 73% học sinh bị bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục…), 41% bạo lực thể chất và 19% bị bạo lực tình dục.
Không quá khó để bắt gặp những hình ảnh bạo lực thế này trong các nhà trường
Tình trạng bạo lực không chỉ diễn ra giữa học sinh với học sinh, mà những năm gần đây thường xuyên xảy ra các vụ việc thầy, cô đánh trò; phụ huynh lên bục giảng đánh thầy; thầy cô giáo đánh nhau…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của một môi trường giáo dục.
Ngoài ra, áp lực học tập với chương trình học quá tải, không phù hợp cũng khiến rất nhiều học sinh chán nản, thậm chí kết quả học tập ngày càng sa sút. Năm 2015 – 2016, cả nước có tới 42.698 học sinh THCS và 19.281 học sinh THPT bị lưu ban.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, học sinh còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề định hướng nghề nghiệp, tình bạn, tình yêu và trong các mối quan hệ gia đình, dòng họ. Cụ thể: “Có những trường THCS, trong số 3.300 học sinh thì có đến 10% các em có bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc đang có xung đột. Nhiều lớp có 2/3 học sinh bố mẹ ly thân, ly hôn” – ông Bình dẫn chứng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, áp lực học tập, sự thay đổi tâm lý và những khó khăn gặp phải trong trường học chính là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh tự tử ngày càng nhiều. Con số được Bộ GD ĐT đưa ra rất đáng báo động: có tới 17% học sinh được khảo sát cho biết đã có ý định tự tử. Thậm chí, đã có một vài trường hợp học sinh rủ nhau tự tử tập thể do nghĩ mình sẽ trượt trong kỳ thi ĐH CĐ hoặc buồn chán vì chuyện gia đình.
Khi trường học không còn là nơi các em học sinh cảm thấy an toàn thì hệ lụy dẫn đến rất nghiêm trọng, đó là khởi nguồn của những hành vi vi phạm pháp luật, làm gia tăng tội phạm tuổi vị thành niên trong xã hội hiện nay.