Bài kiểm tra tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội hay, phù hợp với việc phân loại thí sinh và đảm bảo các yêu cầu để tuyển sinh đại học, là đánh giá của nhiều giáo viên dạy Toán.
Cụ thể, theo như đánh giá của nhóm giáo viên tổ Toán – hệ thống HOCMAI, bài kiểm tra tư duy diễn ra trong thời gian 120 phút gồm 2 phần Toán và Đọc hiểu. Trong đó, phần Toán (bao gồm 25 câu trắc nghiệm và 3 chủ đề tự luận) có thời lượng 90 phút, chiếm 75% tổng số điểm của bài thi và phần Đọc hiểu có thời lượng 30 phút (theo hình thức trắc nghiệm), chiếm 25% tổng số điểm của bài thi bám sát cấu trúc và đề cương ôn tập mà trường đã công bố.
Thí sinh kết thúc bài kiểm tra tư duy trong tâm trạng phấn khởi. Ảnh Kim Chi.
Điểm nổi bật ở phần Đọc hiểu là có dung lượng rất dài (chiếm 15/22 trang) với 35 câu hỏi, các chủ đề đa dạng. Trong đó, 4 bài đọc với 4 chủ đề mang “màu sắc Bách khoa”, nội dung bám sát các ngành học của trường: Vật liệu quang hướng; Công nghệ thông tin; Môi trường và Phương pháp canh tác nông nghiệp. Phần này tập trung đánh giá kỹ năng đọc cùng với năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản. Hầu hết các bài đọc đều là văn bản dịch từ các tài liệu chuyên khảo nước ngoài, ngữ liệu không có quá nhiều từ chuyên ngành nhưng có nhiều khái niệm mới so với học sinh THPT.
Mỗi bài đọc có từ 8-10 câu hỏi, kiểm tra 3 nhóm kỹ năng chính: Tìm ý chính và ý chi tiết; Tích hợp kiến thức và ý tưởng; Văn phong và cấu trúc. Các câu hỏi nêu ra đều bám sát các dạng bài theo đề cương minh hoạ của trường. Các câu hỏi suy luận, đánh giá lập luận tập trung ở các câu hỏi cuối đòi hỏi thí sinh phải phân tích cách tác giả xây dựng lập luận và dẫn chứng.
Nội dung kiến thức của phần Toán đều nằm trong chương trình THPT và được yêu cầu ở các mức độ khác nhau từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo. Điểm nổi bật của phần câu hỏi Toán là xuất hiện nhiều câu hỏi vận dụng thực tế và không có câu hỏi nhận biết. Ngoài ra, đề thi xuất hiện khá nhiều câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10,11. Các câu hỏi đều nhằm mục đích đánh giá khả năng tư duy và vận dụng những kiến thức cơ bản của Toán học vào việc giải quyết những bài toán trong thực tế, đồng thời, đánh giá khả năng học Toán cao cấp và các môn khoa học – kỹ thuật, phục vụ cho việc theo học ở bậc đại học.
Thí sinh chuẩn bị bước vào làm bài kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh Ngô Chuyên.
Phần trắc nghiệm: Bao gồm 25 câu từ câu 36-60 phủ đều 3 cấp độ, trong đó có khoảng 6 câu vận dụng cao chiếm 24%; 8 câu vận dụng chiếm 32%, 11 câu thông hiểu chiếm 44%. Các câu trắc nghiệm đều thuộc các dạng câu hỏi quen thuộc trong các kì thi thử và thi TNTHPT và bao phủ các chủ đề như đề cương đã công bố. Phần kiến thức lớp 11 có 8 câu chiếm 32%, chủ yếu tập trung vào phần Tổ hợp - Xác suất, Cấp số cộng - Cấp số nhân, Hình không gian và Lượng giác. Phần kiến thức lớp 12 chiếm 68%, quét tất cả các chuyên đề lớp 12. Các câu trắc nghiệm ở các mã đề khác nhau chỉ đảo vị trí
Phần tự luận: Chiếm 2,5 điểm, trong đó có 2 câu hỏi: 1 câu hỏi thực tế liên quan tới bài toán giá điện với 3 ý và 1 câu hỏi hình học không gian cổ điển với 2 ý hỏi. Như vậy, mỗi ý sẽ chiếm 0,5 điểm.
Câu 1: Là câu ứng dụng thực tế, đòi hỏi học sinh cần có kĩ năng phân tích số liệu tính toán các đại lượng, sử dụng kĩ năng tư duy, đánh giá để có thể đưa ra các kết quả chính xác. Câu này không có dạng trong đề cương đã công bố.
Câu 2: Là câu hỏi về hình học không gian cổ điển: tính góc giữa 2 mặt phẳng và thể tích của khối lăng trụ. Nội dung câu hỏi tương tự như câu hình không gian trong đề thi ĐH trước năm 2017.