Pháp lệnh Phí và Lệ phí năm 2001, Nghị định của Chính phủ đã quy định chi tiết việc thu phí và lệ phí, sau 13 năm thực hiện đã tỏ ra bất cập.
Đã có một số khoản phí chuyển sang cơ chế giá thị trường theo quy định mới và một số khoản phí dù đã được quy định nhưng vẫn chưa phát sinh. Đáng quan ngại nhất là việc các địa phương đặt ra vô vàn loại phí, lệ phí gây bức xúc và bất bình. Xin lấy ví dụ về thu phí tùm lum ở địa phương.
Tại huyện Phú Tân (An Giang), người dân vẫn gặp cảnh lực lượng an ninh xã, ấp lập chốt chặn tra xét các chủ xe gắn máy đã nộp phí giao thông nông thôn chưa, ai chưa nộp sẽ bị đưa về xã. Vào cửa quan rồi, khổ chủ chỉ có nước than trời: ngoài nộp 150.000 đồng/xe còn phải đóng hàng loạt thứ phí, quỹ theo quy định của địa phương... Người dân xã Hiệp Xương, huyện này thắc mắc: “Có những thứ phí không thể nào hiểu nổi: Lao động công ích 120.000 đồng, an ninh quốc phòng 24.000 đồng, kiên cố giao thông nông thôn 500.000 đồng, xe gắn máy 150.000 đồng, phí sử dụng nguồn nước 240.000 đồng, quỹ khuyến học 20.000 đồng, quỹ phòng chống thiên tai 6.000 đồng... Những năm trước, họ còn phải đóng phí thủy lợi 339.000 đồng, phí đê bao 240.000 đồng/công, phí trồng cây hằng năm 336.000 đồng...
Tại huyện Thoại Sơn, ngoài mấy khoản thu công ích, lụt bão mỗi năm bà con phải nộp thêm phí xây dựng hệ thống đèn đường 25.000 đồng, phí tiền điện chiếu sáng 60.000 đồng; rồi đủ thứ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xã hội từ thiện, khuyến học, xây dựng ký túc xá sinh viên... tới 18 khoản!
Ở huyện Gò Công Tây, Tiền Giang ai đó lỡ sắm được cái máy cày ra đồng dãi nắng dầm mưa kiếm sống cũng bị bắt đóng 300.000 đồng/năm. Tương tự, một chiếc máy tuốt lúa được ấn định mức 300.000 đồng/năm; xe tải nhỏ: 300.000 đồng/năm, xe tải lớn: 500.000 đồng/năm; đất ruộng, đất vườn: 300.000 đồng/ha/năm, XGM: 20.000 đồng/năm...
Mặc dù chủ trương chung của huyện của tỉnh là vận động nhân dân đóng góp tùy khả năng, nhưng thực tế ở các xã đều ấn định mức nộp cụ thể. Đây là tình trạng chung ở cấp xã. Nạn phụ thu lạm bổ các loại phí ở cơ sở đã đến mức báo động. Trong giới báo chí đã từng nhận giải thưởng lớn vì phát hiện một hạt thóc của bà con nông dân phải cõng cả chục loại phí và việc chính quyền xã, hợp tác xã cũng tùy nghi đặt các loại phí, lệ phí.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM). phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 29/5 (Ảnh: Việt Hưng).
Dự Luật phí và Lệ phí được bàn thảo trong kỳ họp hiện nay của Quốc hội. Các ĐB nhận xét với 300 loại phí hiện nay là quá sức chịu đựng của người dân, nhất là dân nghèo. Theo đó, để đảm bảo quy định thống nhất về phí, lệ phí; khuyến khích xã hội hóa; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cung cấp dịch vụ công, dự thảo Luật đã đưa ra khỏi danh mục phí 18 khoản. Ngoài ra, 19 khoản phí chuyển sang cơ chế giá thị trường đối với các khoản phí dịch vụ đã có DN tham gia cung cấp như phí giao thông khi chạy xe trên đường do doanh nghiêp bỏ vốn xây dựng... thu phí hoàn vốn.
Trong quá trình thảo luận các ĐBQH đã phát hiện trong danh mục những loại phí “đọc mãi không hiểu” cần loại bỏ và yêu cầu luật cần bảo đảm thu đúng, thu đủ chứ không phải là tận thu bằng mọi cách! Và cần bảo đảm tránh việc vào lỗ hà ra lỗ hổng, vừa mất người vừa mất của vì thu phí!