Trong lịch sử bóng đá thế giới hiếm có giải đấu lớn nào mà trước đó các ứng cử viên nặng ký đều gặp "vận xui" như ở Euro 2012.
Chỉ còn 3 ngày nữa là trái bóng Euro 2012 sẽ lăn, các đội tuyển đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng của quá trình chuẩn bị nhưng vẫn còn đó vô vàn những nỗi lo. Trong số 16 đội tham dự Euro 2012 tại Ba Lan và Ukraina, không kể đến những đội bóng ít tên tuổi, hầu hết các ông lớn đều đang gặp vấn đề và có vẻ như họ chưa thực sự sẵn sàng cho ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu.
Nói về những khó khăn chắc chắn không thể bỏ qua ĐT Anh. Ba tháng trước khi Euro 2012 khởi tranh, HLV Capello bất ngờ từ chức vì mâu thuẫn với FA xung quanh vụ việc phân biệt chủng tộc của Jonh Terry với Anton Ferdinand (QPR). Sự kiện này đã làm ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình chuẩn bị cho Euro 2012 của “Tam Sư”. FA cuống cuồng tìm ứng viên thay thế và sau những cân nhắc cùng với việc hầu hết các ứng viên đều từ chối, Roy Hodgson đã được lựa chọn.
Vấn nạn chấn thương hoành hoành ở tuyển Anh
Những tưởng việc, tìm được một HLV giàu kinh nghiệm và thấu hiểu bóng đá Anh, “Tam Sư” sẽ làm nên chuyện tại Ba Lan – Ukraina. Thế nhưng, mọi việc đã không diễn ra suôn sẻ như vậy. Đầu tiên là việc tiền vệ trẻ tài năng Wilshere không kịp bình phục chấn thương để cùng các đồng đội chinh chiến tại Euro. Sau đó lần lượt Barry rồi Lampard và mới nhất là Cahill đều dính chấn thương và buộc phải xem Euro qua tivi.
Điều đáng nói là tất cả những cái tên trên đều là những trụ cột của tuyển Anh và quân bài chiến lược mà Roy Hodgson ấp ủ. Cộng thêm việc Rooney bị treo giò hai trận vòng bảng, ĐT Anh sẽ bước vào Euro 2012 với một đội hình què quặt. Trong hoàn cảnh đó, câu hỏi về sự công tâm của Hodgson đã được đặt ra khi ông cương quyết không gọi Rio Ferdinand hay Richards lên tuyển để bổ sung nhân sự dù cho cả hai đều có những màn trình diễn hết sức ấn tượng ở mùa giải vừa qua mà thay vào đó là mộ Kelly quá tầm thường ở Liverpool. Cũng chính vì thế, làn sóng ủng hộ vị thuyền trưởng 65 tuổi của “Tam Sư” không còn mạnh mẽ như trước nữa.
Tây Ban Nha cũng là đội bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn nạn chấn thương. HLV Del Bosque sẽ không có được sự phục vụ của hai trụ cột là Puyol và Villa. Hai cái tên này đã góp công rất lớn vào chức vô địch Euro 2008 và World Cup 2010 của La Roja. Một người là trụ cột ở hàng thủ, một người lĩnh xướng hàng công và tất nhiên Tây Ban Nha sẽ suy yếu rõ rệt khi thiếu đi hai nhân tố này bởi những cái tên thay thế chưa đủ khiến người hâm mộ yên tâm.
Dẫn chứng thì ai cũng đã thấy rõ, trong ba trận giao hữu trước thềm Euro của Tây Ban Nha, chỉ có trận thắng Hàn Quốc 4-1 là có thể tạm chấp nhận được, còn lại trận thắng Serbia 2-0 hay mới nhất là trận thắng Trung Quốc 1-0 đều cho thấy những tín hiệu không mấy lạc quan. Dù vẫn kiếm soát được thế trận nhưng các chân sút của La Roja lại không thể tận dụng cơ hội mà mình tạo ra. Trong khi đó, bộ đôi trung vệ Ramos-Pique lại không cho thấy sự ăn ý cần thiết do ít khi được chơi cùng nhau và do mâu thuẫn từ CLB.
Hà Lan có được sự thuyết phục trong lối chơi
Khác với Anh và Tây Ban Nha, Hà Lan không gặp những vấn đề về chấn thương nhưng những gì cơn lốc màu da cam thể hiện lại không thực sự thuyết phục dù mới có được thắng lợi tưng bừng 6-0 trước Bắc Ai Len. Những trụ cột như Sneijder, Robben, van Persie, Huntelaar chưa thể tìm được tiếng nói chung trong lối chơi. Đặc biệt, Huntelaar còn tỏ thái độ không hài lòng khi luôn phải làm nền cho van Persie.
Theo tiền đạo đang chơi cho Schalke, anh hoàn toàn xứng đáng đá chính và đứng ngang hàng với Percy và điều này thực sự sẽ đem đến cho HLV Marwijk một bài toán hóc búa. Nếu như để cả hai cùng xuất phát thì không thực sự hiệu quả như trận thua 1-2 trước Bulgaria. Trong khi đó, gạt ai ra khỏi đội hình chính đều khiến người đó không hài lòng. Euro 2012 đã cận kề và liệu Marwijk có tìm ra được lời giải cho bài toán mà các học trò của mình tạo ra.
Tương tự Hà Lan, Bồ Đào Nha đang gặp trục trặc trong việc vận hành lối chơi. Sở hữu nhiều cầu thủ sáng giá, lại không bị chấn thương hoành hành nhưng trong 3 trận gần nhất, “Brazil của châu Âu” lại không thể có nối một chiến thắng. Nguyên nhân ở đây là do các cầu thủ Bồ Đào Nha gần như mạnh ai nấy chạy và là 11 con người riêng biệt chứ không phải là một tập thể. 2 hòa 1 thua, thầy trò HLV Bento đã có một sự chuẩn bị quá tồi trước khi bước vào cuộc chiến thực sự. Nên nhớ rằng, ở Euro 2012, đội bóng tới từ bán đảo Iberia sẽ nằm ở bảng tử thần với Đức, Hà Lan cùng Đan Mạch nên nếu không cải thiện được phong độ, sẽ khó để người Bồ vượt qua được vòng bảng chứ đừng nói là mơ về ngôi vô địch.
Tuy nhiên, nếu chọn ra một ông lớn đang khiến người hâm mộ lo lắng nhất thì ĐT Ý của Prandelli chắc chắn giành ngôi đầu. Với một vòng loại thành công với 8 trận thắng cùng 2 trận hòa, bên cạnh đó là một lối chơi phóng khoáng và giàu nhiệt huyết, Azzuri đã mang theo rất nhiều kỳ vọng của người hâm mộ tới Euro 2012. Thế nhưng, khi mà Euro còn chưa bắt đầu, đội bóng áo thiên thanh lại phải đón nhận những tin tức không lấy gì làm vui vẻ.
Prandelli chẳng thể vui nổi với tình hình của đội nhà
Cảnh sát Italia mới đây đã phanh phui đường dây bán độ với 19 nhân vật có liên quan. Đáng buồn thay, trong số đó lại có cả Criscito, một trụ cột của ĐT Ý. Ngay sau nhận được thông báo từ phía cơ quan chức năng, HLV Prandelli ngay lập tức gạch tên hậu vệ của Zenit ra khỏi đội hình. Chưa dừng lại ở đó, những ngày gần đây báo chí còn loan tin rằng cả thủ thành Buffon và trung vệ Bonucci cũng dính líu tới đường dây trên. Nếu điều này là sự thật, đó thực sự là một thảm hỏa với Azzuri.
Với những tác động như vậy, chẳng thể nào đòi hỏi các cầu thủ Ý tập trung thi đấu. Mới đây nhất, các học trò của Prandelli đã để thua trắng 3 bàn trước “Gấu” Nga ở trận giao hữu duy nhất của họ trước khi bước vào Euro 2012. Trận đấu với Luxembourg trước đó bị hủy do động đất. Lúc này, HLV Prandelli chỉ còn biết cầu mong sẽ không có thêm cậu học trò nào bị cảnh sát “hỏi thăm”, nếu không, dù tài cán đến mấy vị chiến lược gia này cũng chẳng thể làm chủ được tình hình. Đó là chưa kể đến cả Barzagli và Balotelli đều đang đứng trước nguy cơ ngồi ngoài tại Euro do chấn thương.
Như vậy, có thể thấy rằng ngoài ĐT Pháp và ĐT Đức đang vận hành khá ổn, các ông lớn còn lại của bóng đá châu Âu đều đang rất chuệc choạc trên đường tới Ba Lan - Ukraina và liệu đây có phải là cơ hội tốt để các đội bóng nhỏ làm nên bất ngờ tại Euro lần này. Những câu chuyện như Đan Mạch năm 1992, Hy Lạp năm 2004 là hoàn toàn có thể xảy ra và chúng ta hãy cùng chờ xem liệu có những cú sốc nào trên sân cỏ Euro 2012.
Hữu Tình