Với tư duy hành động, tăng cường đối thoại và hợp tác ở tất cả các cấp, nhiều sáng kiến đã được nêu ra và chứng minh được hiệu quả sau 3 lần hội nghị.
Chương trình Hệ thống Thực phẩm Bền vững (SFS) tổ chức hội nghị toàn cầu lần đầu tiên vào ngày 21 - 23/6/2017 tại Pretoria, Nam Phi. Mục tiêu của hội nghị là cung cấp một nền tảng đối thoại nhằm củng cố các sáng kiến hợp tác, hình thành các liên minh mới và trao quyền cho các tổ chức trong nỗ lực thúc đẩy hệ thống lương thực thực phẩm thay đổi.
Hội nghị được tổ chức bởi Bộ Thương mại và Công nghiệp Nam Phi và thu hút hơn 150 người tham gia trực tiếp từ 28 quốc gia, bao gồm các đại diện chính phủ, các tổ chức quốc gia và khu vực, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức nghiên cứu.
Năm chủ đề trọng tâm của Chương trình SFS được giới thiệu. Trong đó, các đại biểu thống nhất một số nội dung như: Khám phá mối quan hệ phức tạp giữa an ninh lương thực, dinh dưỡng và tính bền vững; Phát triển đa dạng nền tảng để chia sẻ các kinh nghiệm sẵn có; Mở rộng mạng lưới Chương trình SFS để có nhiều bên liên quan tham gia hơn từ châu Phi và châu Á; Tăng số lượng các nước có chiến lược, chính sách và chương trình giảm thất thoát, lãng phí lương thực; Khuyến khích những sáng tạo phù hợp với địa phương và tận dụng kinh nghiệm bản địa.
Bên cạnh những bài thuyết trình và thảo luận trong các phiên chuyên đề, một chủ đề chung đã xuất hiện. Đó là sự cần thiết phải chuyển từ lời nói sang hành động và khơi dậy ý thức chính trị để đảm bảo môi trường chính sách tốt hơn. Đây được xem là yếu tố then chốt để đẩy nhanh sự thay đổi trong hệ thống thực phẩm.
Vào ngày thứ hai của hội nghị, những người tham gia được trải nghiệm thực tế khi tới thăm các trang trại thực hành sản xuất bền vững, khảo sát thị trường và các trung tâm mua sắm.
Ngày cuối của hội nghị, ông Bulelani Gratitude Magwanishe, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Nam Phi có bài diễn thuyết truyền cảm hứng, trong đó nhắc những người tham gia về câu châm ngôn nổi tiếng của bác sĩ người Hy Lạp Hippocrate: "Hãy để thức ăn là thuốc của bạn và thuốc là thức ăn của bạn".
Cũng tại đây, ông Bernard Lehmann, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ trình bày kinh nghiệm vận hành hệ thống thực phẩm như một hệ thống kiến thức đa bên. Đây cũng được xem là sáng kiến tại hội nghị lần thứ nhất.
Nghị quyết chung được các thành viên tham gia thông qua. Nội dung chính là kêu gọi các Chính phủ cung cấp môi trường chính sách lương thực phù hợp, đồng thời thừa nhận việc giải quyết gánh nặng suy dinh dưỡng là ưu tiên để thay đổi các hệ thống lương thực thực phẩm không bền vững.
Hội nghị toàn cầu lần thứ hai về Chương trình Hệ thống Thực phẩm Bền vững diễn ra từ ngày 5-7/2/2019 do Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Costa Rica tổ chức tại San Jose, quy tụ hơn 200 đại biểu.
Mục đích của hội nghị là tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa các bên liên quan, đưa ra những khuyến nghị, xúc tiến đầu tư và cam kết chính trị cho quá trình chuyển đổi sang hệ thống lương thực bền vững.
Kết quả chính của hội nghị là ban hành một thông cáo chung, bao gồm các nội dung: Nâng cao ý nghĩa chính trị của các hệ thống lương thực thực phẩm bền vững; Phát triển các hợp tác theo hướng có lợi cho hệ thống lương thực bền vững; Thúc đẩy môi trường thực phẩm thuận lợi để xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh; Tăng cường tầm nhìn và hiểu biết chung trong xây dựng lòng tin và phát triển năng lực, nhất là với những đối tượng nhạy cảm, yếu thế.
Nhiều chính khách, diễn giả đã phát biểu tại hội nghị lần này, như ông Marvin Rodriguez Cordero, Phó Tổng thống Costa Rica; ông Renato Alvarado Rivera, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Costa Rica; TS Lawrence Haddad, Giải thưởng Lương thực Thế giới 2018, Giám đốc Điều hành của Liên minh Toàn cầu về Cải thiện Dinh dưỡng (GAIN); TS Hilal Elver, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền có Thực phẩm.
Đặc biệt, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về Dự án "Hướng tới sự hiểu biết chung về Hệ thống lương thực bền vững". Mục đích nhằm xây dựng ngôn ngữ chung toàn cầu, thúc đẩy sự hiểu biết về những thách thức, mục tiêu và cách tiếp cận xung quanh khái niệm hệ thống lương thực bền vững.
Công cụ hành động thứ hai có tên "Hợp tác Khuôn khổ Chuyển đổi Hệ thống Thực phẩm", cung cấp một cách tiếp cận mới về hoạch định chính sách và cải thiện phương thức quản trị cho các hệ thống thực phẩm bền vững.
Hội nghị cũng mang đến cho những đại biểu tham gia cơ hội hòa mình vào hệ thống thực phẩm địa phương thông qua 5 hành trình tham quan quanh San Jose. Đó là: Lưu vực sông Jesus Maria; Văn hóa đại chúng và chợ thành phố; Mô hình trang trại hữu cơ gia đình San Luis; Tổ chức nông thôn thúc đẩy hệ thống lương thực thực phẩm bền vững; Doanh nghiệp Santa Anita sản xuất cà phê giảm phát thải các bon.
Hội nghị đã khuyến khích các tổ chức tham gia đưa ra các cam kết tự nguyện đối với việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm. Nổi tiếng nhất là thỏa thuận giữa Bộ Môi trường và Năng lượng với Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Costa Rica để xây dựng các thể chế nhằm phát triển toàn diện, đa dạng các hệ thống canh tác thông qua thực hành nông lâm kết hợp. Cùng với đó, những dịch vụ hệ sinh thái rừng cho các hộ sản xuất nhỏ được cam kết ưu đãi về tín dụng và giao dịch thanh toán.
Hội nghị toàn cầu lần thứ 3 về Chương trình Hệ thống Thực phẩm Bền vững, diễn ra từ ngày 25/11 đến 3/12/2020. Hội nghị, được tổ chức độc lập bởi Chương trình Hệ thống Thực phẩm Bền vững (SFS) của mạng lưới Một Hành tinh, nhằm hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Thực phẩm mang tính đột phá của Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 và phải tổ chức trực tuyến, hội nghị lần thứ ba có sự góp mặt của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như: Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Hội đồng Chuyên gia Quốc tế về Hệ thống Thực phẩm Bền vững (IPES)...
Tại hội nghị, các ý kiến đều thống nhất rằng sự phát triển của các hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là trọng tâm để đạt được tất cả các mục tiêu phát triển bền vững như: góp phần xóa đói giảm nghèo, chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe và phúc lợi xã hội, thúc đẩy việc làm bền vững...
Ông Christian Hofer, Tổng Giám đốc Văn phòng Nông nghiệp Thụy Sĩ, đồng lãnh đạo Chương trình Hệ thống Thực phẩm Bền vững Một Hành tinh của Liên hợp quốc, cho biết hội nghị lần thứ ba tập trung vào vai trò xúc tác của các hệ thống thực phẩm trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững.
“Chúng ta sẽ chỉ có thể đạt được 17 mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 nếu cùng xác định và thực hiện các giải pháp táo bạo để chuyển đổi hệ thống thực phẩm", ông nói. Tư duy hành động này cũng được trình bày lần nữa tại phiên bế mạc, khi nhắc tới các kết quả của hội nghị và thảo luận về hệ thống thực phẩm "Dòng hành động".
Đối thoại Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Thực phẩm Toàn cầu đầu tiên diễn ra vào ngày 1/12/2020. Tại đây, một loạt các khuyến nghị được xác định như: cơ chế hành động hợp tác, thách thức về dữ liệu trong hệ thống thực phẩm, chính sách toàn diện, đầu tư vào các sáng kiến chuyển đổi, cộng đồng mua sắm và thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Trên cơ sở thảo luận mở, các đại biểu được khuyến khích chia sẻ "lộ trình" để hướng tới các hệ thống thực phẩm bền vững hơn dựa trên kinh nghiệm thực tế, hoặc sáng kiến sẵn có.
Ông Divine Njie, Phó Giám đốc Ban Hệ thống Thực phẩm và An toàn Thực phẩm của FAO bày tỏ: “Các hệ thống lương thực toàn cầu giờ như một sợi dây chung, liên kết nhiều mục tiêu phát triển bền vững. Còn chưa đầy 10 năm nữa là đến Chương trình nghị sự 2030, chúng ta cần tăng tốc độ và quy mô cho các hành động của mình".
Chung quan điểm, bà Elizabeth Mrema, Thư ký điều hành tại Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học, nhấn mạnh sự cần thiết phải tái thiết hệ thống nông nghiệp. Thông qua các phương pháp tiếp cận sáng tạo và nông nghiệp sinh thái, bà khuyến cáo hướng đến chế độ ăn uống bền vững và lành mạnh.
“Khi thế giới phục hồi sau Covid-19, chúng ta phải xây dựng và cải thiện hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng tăng cường tính đa dạng, sẵn có của thực phẩm, giảm lãng phí trong cung cấp và tiêu thụ thực phẩm. Nếu làm được, chúng ta không những khỏe mạnh hơn mà còn ngăn chặn sự suy giảm nhanh chóng của thiên nhiên”, bà Mrema nói.
Vai trò của các chủ thể trong chuỗi giá trị thực phẩm cũng được bàn luận, nhất là ở góc độ chính sách. Việc ghi nhãn, đánh thuế, trợ cấp và cung cấp các dịch vụ công như trường học, bệnh viện được xem là cơ hội để Chính phủ các nước tái cơ cấu, đầu tư vào hệ thống thực phẩm. Đó cũng là dịp để mỗi quốc gia thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt tập trung vào trẻ em, thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học.
Tại hội nghị lần thứ ba, Ban tổ chức cho biết: Hơn 680 triệu người trên hành tinh phải đi ngủ với cái đói mỗi ngày; Nhiều người trên thế giới đang chuyển sang chế độ ăn nhiều calo từ protein động vật, thực phẩm chế biến cao; Chế độ ăn uống không lành mạnh đã thành nguy cơ chính đối với sức khỏe con người; Các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, béo phì có xu hướng tăng.
Ngoài ra, phát thải khí nhà kính từ chuỗi giá trị thực phẩm, bao gồm phá rừng, canh tác, chế biến, đóng gói, vận chuyển... chiếm tới 37% tổng lượng phát thải của con người. Nghiêm trọng hơn, khoảng 1/3 tổng lượng thực phẩm sản xuất đang bị thất thoát hoặc lãng phí, ảnh hưởng đáng kể tới môi trường.
Môi trường sống, bao gồm cả đất, ngày càng suy thoái, gây ra sự suy giảm chưa từng thấy đối với đa dạng sinh học. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mới có khả năng bùng phát thành đại dịch. Cùng với đó, chuỗi cung ứng phức tạp và thường không minh bạch gây cản trở trách nhiệm giải trình, truy xuất nguồn gốc.