3 vấn đề nóng nhất đối với ngành Ngân hàng hiện nay các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn đã được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời thẳng thắn, thỏa đáng tại phiên chất vấn diễn ra chiều nay (16/11).
Tại phiên chất vấn vị Trưởng ngành Ngân hàng diễn ra chiều nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua NHNN đã đạt được những kết quả tích cực như: Giữ ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay với những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tín dụng hiệu quả và an toàn, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối lên cao nhất từ trước tới nay. “Từ khi khai mạc phiên họp đến nay thì dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 1 tỷ USD và sáng nay chúng tôi đã báo cáo đồng chí Tổng Bí thư và Thủ tướng dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng lên mức 46 tỷ USD”, Thống đốc NHNN chia sẻ thông tin khá mới.
Bên cạnh đó, Ngành Ngân hàng cũng đã triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nhờ đó nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%, hoạt động ngân hàng an toàn hiệu quả hơn. Ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm bãi bỏ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, 2 năm liên tiếp NHNN dẫn đầu các chỉ số về cải cách hành chính.
Giao dịch sử dụng bitcoin là không hợp pháp
Liên quan đến tiền điện tử - bitcoin, chủ đề nóng trong giới tài chính và dư luận xã hội, thực tế cho thấy, việc sử dụng, mua bán, trao đổi tiền ảo đang nhộn nhịp trên thị trường tài chính. Chất vấn về vấn đề này, ĐB Lê Công Nhường hỏi: Thống đốc có đồng ý với FPT thu phí cho sinh viên nước ngoài, cho doanh nghiệp phần mềm “Cốc cốc” thí điểm thu hút vốn đầu tư từ Đức bằng đồng tiền bitcoin để phát triển công nghệ, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 không?
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, “đây không phải vấn đề của Việt Nam, mà còn của nhiều quốc gia khác trên thế giới, và nhiều quốc gia đang nghiên cứu về điều chỉnh, quản lý đồng tiền này như thế nào”. Trên thế giới có nhiều kinh nghiệm, có nước cấm không sử dụng, nhưng có nước khuyến cáo rủi ro liên quan đến giao dịch bitcoin, có nước cho phép sử dụng, song số liệu này không nhiều.
Ở Việt Nam, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến nhiều lần, theo quy định pháp luật hiện hành, bitcoin không phải đồng tiền mặt, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp, nên các giao dịch sử dụng đồng tiền này là giao dịch không hợp pháp.
Hiện nay, nếu nhìn nhận bitcoin là tài sản, là hàng hóa, thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm. Chính phủ giao các bộ, ngành, trong đó Bộ Tư pháp chủ trì, nghiên cứu Đề án khuôn khổ pháp lý quản lý hàng hóa ảo, trong đó có bitcoin. Ngân hàng Nhà nước với giác độ quản lý tiền tệ sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở pháp lý. “Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là trong xu thế phát triển hiện nay của thế giới cần có cơ sở để quản lý đồng tiền ảo, trong đó có bitcoin.
Đối với trường hợp Đại học FPT, Thống đốc cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được đề nghị giao dịch liên quan đến bitcoin. Nếu nhận được đề nghị, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao các bộ phận chức năng nghiên cứu và hướng dẫn Đại học FPT và các tổ chức liên quan thực hiện đúng quy định pháp luật của Việt Nam.
3 ngân hàng mua với giá 0 đồng: Lỗ lũy kế đã giảm dần
Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) nêu vấn đề: Trong Báo cáo kiểm toán kết quả tái cơ cấu 3 ngân hàng (Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu) mà Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng, nhưng cho đến nay chưa thể hiện hiệu quả. Hoạt động tín dụng còn thua lỗ, tình trạng tài chính chưa được cải thiện sau 2 năm tái cơ cấu ngân hàng. “Thống đốc đánh giá như thế nào về thực trạng này để có giải pháp những vấn đề trên” - ĐB Nguyễn Thanh Hải hỏi?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải
Khẳng định thực trạng ĐB nêu là đúng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau khi mua lại, điều quan trọng là phải ổn định tâm lý của người gửi tiền, tránh rút tiền hàng loạt, giữ được ổn định của ngân hàng để không gây đổ vỡ ngân hàng này, từ đó gây đổ vỡ ngân hàng toàn hệ thống.
“Sau khi mua lại những ngân hàng này, chúng tôi cũng từng bước kiện toàn lại ngân hàng, đưa cán bộ từ các ngân hàng thương mại nhà nước, như Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng Công thương, để quản trị các ngân hàng này, kiện toàn lại bộ máy quản trị điều hành. Tăng cường các hoạt động để bảo đảm an toàn. Đẩy mạnh tiết giảm các hoạt động, tăng cường công tác xử lý nợ xấu và thu hồi tài sản bảo đảm. “Cơ bản bước đầu hoạt động của các ngân hàng này đã ổn định, lỗ lũy kế đã giảm dần”, Thống đốc cho biết.
Tuy nhiên, thực tế thì các ngân hàng này còn khó khăn do thực trạng tài chính, tài sản không sinh lời cao làm cho chi phí gia tăng. “Giải pháp thì chúng tôi đã có, từ năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, và đã báo cáo xây dựng Đề án xử lý các ngân hàng này với các giải pháp khác nhau. Gần đây nhất, Chính phủ đã họp và có nghị quyết để hoàn thiện phương án xử lý cụ thể”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Song theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thực tế khó khăn là chúng ta chưa có khuôn khổ pháp lý, đầy đủ để xử lý các ngân hàng yếu kém tương tự như các ngân hàng chúng ta đã mua. Chúng ta chưa có tiền lệ nào để xử lý các ngân hàng này. Chúng ta xử lý các ngân hàng vừa bảo đảm lành mạnh, ổn định của nền kinh tế vĩ mô, của hệ thống ngân hàng, giữ được lòng tin của người gửi tiền và bảo vệ được quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Chính vì chưa có khuôn khổ pháp lý, nên Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Các nội dung của Luật này có nội dung rất quan trọng, để có công cụ, để chấn chỉnh tái cơ cấu. Mục tiên ưu tiên của Chính phủ là tìm các nhà đầu tư mới, có năng lực tài chính và năng lực quản trị kinh doanh kể cả nhà đầu tư nước ngoài. “Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư để mời”, Thống đốc nêu rõ, “có những ngân hàng đã có nhà đầu tư và thống nhất phương án, có ngân hàng đang đàm phán tiếp tục tìm nhà đầu tư”.
“Nếu các nhà đầu tư vào mà chúng ta có công cụ pháp lý đầy đủ sẽ xử lý triệt để được các ngân hàng này”, Thống đốc khẳng định.
Tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với đảm bảo chất lượng và hiệu quả
Đối với câu hỏi chất vấn liên quan vấn đề tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, vấn đề tăng trưởng và các cơ sở, động lực cho tăng trưởng, từ khía cạnh ngân hàng, căn cứ vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, chúng tôi xây dựng kịch bản điều hành cho năm 2017 là tín dụng tăng trưởng ở mức 18% và có điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô và nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10/2017 tăng 13,66%, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2016. Tốc độ này không có gì đột biến.
“Hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước đối với tín dụng là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với bảo đảm chất lượng và hiệu quả tín dụng, quan trọng là tín dụng phải đưa vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh”, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, trong báo cáo chi tiết gửi đến đại biểu, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo rõ cơ cấu tín dụng, nhìn vào 10 tháng đầu năm 2017 đã tập trung vào đúng lĩnh vực ưu tiên: Tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực chế biến chế tạo, lĩnh vực phát triển nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ... đã giữ được mức cao hơn so với năm trước và cao hơn mức bình quân các năm. Đây là những lĩnh vực động lực cho tăng trưởng.
“Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm tăng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng vào hiệu quả tín dụng, bảo đảm đưa tín dụng vào những lĩnh vực để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.