26 năm mòn mỏi chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đỗ Việt| 04/04/2016 14:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ròng rã nhiều năm qua, gia đình ông Đinh Văn Tác vẫn đều đặn gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng xin cấp giấy chứng nhận quyền sử đất theo luật định cho mảnh đất mà ông đã vun đắp suốt 26 năm, thế nhưng lời kêu cứu của ông vẫn bị bỏ ngỏ...

Dân liên tục kêu cứu, chính quyền vẫn im lặng

Trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, ông Đinh Văn Tác trú tại tổ 2, phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình phản ánh: Năm 1990, gia đình ông được UBND xã Yên Bình (nay là phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp) cấp cho một miếng đất làm nhà ở tại khu vực chân núi Dóng Than, thuộc thôn Cổ Do với diện tích là 360 m2.

Sau 7 năm khai hoang, phục hóa bằng công lao động của mình và thuê nhân công, gia đình ông Tác đã mở rộng thêm diện tích đất hoang là 2.834 m2 để phục vụ cho việc phát triển trang trại chăn nuôi gia súc.

Theo ông Tác, toàn bộ số diện tích đất trên đã được UBND xã Yên Bình, thị xã Tam Điệp xét duyệt, xác nhận tại bản đồ địa chính số 12, thửa 456 là phần đất ổn định, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

26 năm mòn mỏi chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trang trại nhà ông Đinh Văn Tác hoang tàn bởi những vụ nổ mìn khai thác đá của doanh nghiệp

Đầu năm 1998, được chính quyền địa phương cho phép, ông Tác thuê nhân công khai hoang thêm diện tích là 295,7m2, đã nộp lệ phí 1 lần, số diện tích đất được thể hiện trên bản đồ địa chính xã Yên Bình, thửa đất số 445, tờ bản đồ số 12.

Ngày 31/12/1998, UBND xã Yên Bình có biên bản giao đấu thầu đất sản xuất tại khu vực Sông Cụt (thôn Cổ Do), do nhu cầu phát triển trang trại, gia đình ông Tác tiếp tục đấu thầu 3.277,7m2 đất để cải tạo thành ao nuôi cá thịt, thời hạn đến hết năm 2025, được thể hiện trên bản đồ địa chính xã Yên Bình lập thửa đất số 495, thuộc tờ bản đồ số 12.

Ông Tác cho biết, những ngày đầu, mảnh đất chỉ toàn cỏ dại, mô đất gập ghềnh, sau nhiều năm lao động cật lực, từ một “vùng đất chết” gia đình ông đã tái tạo,  mở rộng thành mảnh đất bằng phẳng, trù phú.

Với tổng diện tích gần 7.000m2 đất, gia đình ông Tác đầu tư công sức, tiền của để phát triển trang trại chăn nuôi dê, bò, cá giống và trồng cây ăn quả... Khi công việc mở trang trại có nhiều thuận lợi, ông Tác thuê hàng chục nhân công, mở cơ sở giết mổ cung cấp thực phẩm tươi cho các tỉnh thành từ Đà Nẵng trở ra Bắc, ước tính mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn thịt gia súc, doanh thu theo từng năm, đóng góp một phần vào việc xây dựng kinh tế địa phương.

Thế nhưng đã gần 26 năm lao động gắn bó với mảnh đất này, gia đình ông Tác vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong buổi tiếp xúc với phóng viên Báo Công lý, ông Tác đưa ra rất nhiều đơn từ với đầy đủ các loại giấy tờ liên quan đến mảnh đất mà gia đình ông đang quản lý. Ông Tác cho biết: “Đã không biết bao nhiều lần đến gõ cửa các cơ quan chức năng có thẩm quyền, làm đầy đủ các thủ tục và toàn bộ hồ sơ, giấy tờ địa chính đã được hoàn tất theo đúng luật định nhưng không hiểu vì sao gia đình tôi vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Người đàn ông tuổi lục tuần tâm sự: “Tôi và gia đình vất vả lao động vun đắp mảnh đất này với mong muốn ổn định cuộc sống, nhưng nhiều năm nay đơn từ tôi gửi đến khắp ban ngành cấp tỉnh và thành phố nhưng vẫn không được giải quyết, không biết tôi phải chờ đến bao giờ?".

26 năm mòn mỏi chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Khu vực núi đá Dóng Than đang dần bị "xẻ thịt"

Tính mạng người dân bị đe dọa

Cũng theo đơn phản ánh của ông Đinh Văn Tác, toàn bộ khu đất của gia đình ông đang phát triển mô hình trang trại đều nằm liền kề chân núi Dóng Than, đây là điểm khai thác đá của doanh nghiệp tư nhân Sơn Linh hoạt động từ những năm 2007 đến nay.

Theo đó, trong quá trình khai thác đá đã gây thiệt hại đến tài sản riêng của gia đình và ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đặc biệt, từ năm năm 2011-2014, doanh nghiệp Sơn Linh đã cho nổ nhiều lỗ mìn lớn làm rung chuyển nhà cửa khiến đá lở vùi lấp cây cối, đổ tường nhà của gia đình và các hộ dân liền kề, khiến người dân nơi đây bất an, sợ hãi.

Ông Tác bức xúc: “Doanh nghiệp Sơn Linh đến khai thác đá giáp nhà, vườn ao của gia đình tôi với cự ly nổ mìn hiện tại là 25-50m đường chim bay mà không có một văn bản hoặc cơ quan nào thông báo cho gia đình và các hộ liền kề biết. Mỗi khi cho nổ mìn, doanh nghiệp cũng không hề báo trước, gia đình tôi nằm ngay dưới chân núi nên bị ảnh hưởng nặng nề. Những tảng đá lớn rơi xuống vùi lấp cây cối, lăn xuống ao, tường nhà bị đổ, nứt từng mảng lớn”.

26 năm mòn mỏi chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Nhà dân nứt toác sau dư chấn của những vụ nổ mìn khai thác đá

Ghi nhận của phóng viên, trên phần đất nhà ông Tác và nhiều hộ dân xung quanh đến nay vẫn còn nguyên hiện trạng những tảng đá khối lớn nằm lăn lóc dưới ao, ruộng lúa, đè bẹp cây cối của nhà dân, nhiều tường nhà bị bung nứt do đá rơi hoặc do ảnh hưởng của dư chấn nổ mìn.

Ông Tác cho biết, từ tháng 8/2010, trước việc doanh nghiệp nổ mìn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, hàng trăm hộ dân đã kéo nhau lên phường Tân Bình kiến nghị và đề nghị cơ quan Công an đến lập biên bản xử lý sai phạm. Tuy nhiên, doanh nghiệp Sơn Linh vẫn tiếp tục vi phạm, vẫn nổ mìn khi chưa giải quyết đền bù cho người dân.

Kể từ khi doanh nghiệp Sơn Linh đi vào khai thác đá, ông Tác bỏ không căn nhà, chuyển hết gia súc đi. Trang trại rộng lớn nay chỉ thả cá. Mỗi lần doanh nghiệp nổ mìn, ông Tác lại chạy đi báo cáo chính quyền nhưng vô ích.

Vì sao chính quyền thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình chậm trễ trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân? Có hay không việc "bảo kê" cho doanh nghiệp Sơn Linh khai thác đá? Báo Công lý chuyển tải đến độc giả trong bài viết sau.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
26 năm mòn mỏi chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất