24 giờ xuyên Đông Dương đến xứ sở triệu voi

Nguyễn Minh| 11/02/2016 09:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi điện thoại đặt vé trước đó vài ngày, 6 giờ sáng tôi có mặt tại Bến xe Miền Đông, đóng 1,4 triệu đồng (bao gồm tiền vé, tiền ăn dọc đường, phí nhập cảnh...) và bắt đầu lên đường.

Một chuyến đi lý thú

Tôi chọn loại xe 50 chỗ giường nằm, máy lạnh, dự kiến thực hiện lộ trình trên dưới 1.500 cây số trong 24 giờ, từ thành phố Hồ Chí Minh theo quốc lộ 13, quốc lộ 14, qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước), vào lãnh thổ Vương quốc Campuchia và sau đó sẽ thẳng tiến thủ đô Vientine (Lào).

Mặt dù vất vả và tốn thời gian, song với tôi, đây là một cung đường thú vị, bởi không có gì cảm xúc hơn khi chỉ trong vòng 24 giờ mà đi xuyên qua ba quốc gia.

 24 giờ xuyên Đông Dương đến xứ sở triệu voi

Cửa khẩu Trapeang Kreal (phía Lào gọi là Nong Nok Khiene)

Sau khi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Hoa Lư, chúng tôi chính thức đặt chân lên tỉnh Kratie thuộc vương quốc Campuchia với tấm giấy “quá cảnh” do biên phòng Campuchia cấp. Dự kiến, đoàn khách chúng tôi sẽ có 10 giờ rong ruổi trước khi làm thủ tục ra khỏi đất Campuchia và nhập cảnh vào Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào cuối giờ chiều.

Đường từ cửa khẩu Hoa Lư (phía Campuchia gọi là Trapeang Sre) đến cửa khẩu Trapeang Kreal (phía Lào gọi là Nong Nok Khiene) dài gần 500 km, trải dài dọc 2 tỉnh Kratie và Stung Treng. Đường được trải nhựa và tương đối bằng phẳng.

Mặc dù là một trong những cung đường chính của Vương quốc Campuchia, thế nhưng nhà cửa 2 bên đường tương đối ít và hầu hết đều cửa đóng then cài. Nếu không làm thủ tục qua cửa khẩu, chắc chắc tôi sẽ cho rằng đây là Tây Nguyên bởi đặc điểm địa hình, cảnh quang không khác mấy. Đặc biệt là tôi không một lần nhìn thấy cây thốt nốt, biểu tượng của đất nước Chùa Tháp suốt cả 500 cây số. Khu vực này, có hai loại cây mà người dân thích trồng: cây dầu và cây giá tị (còn gọi là gỗ tếch).

Có lẽ do đất rộng, gỗ nhiều nên đâu đâu cũng thấy gỗ: nhà ở 100% làm bằng gỗ và người ta bán gỗ như bán... rau! Gỗ bán khi thì được đặt trước nhà, lúc lại được buộc lên xe máy, xe công nông... vừa đi vừa rao bán. Anh Chung, tài xế, cho biết vài ba năm trước việc buôn bán gỗ còn nhộn nhịp hơn nhiều. Rất nhiều người Việt từ Bình Phước sang mua rẻ, sau đó tìm cách đưa sang biên giới để kiếm lời. Nhưng gần đây kiểm lâm và biên phòng Việt Nam siết chặt quản lý nên cảnh tượng trên không còn nữa.

Gần đến biên giới Lào (địa phận thuộc tỉnh Strung Treng), xuất hiện thêm cây cao su và khoai mỳ. Hai loại cây này mới có mặt vài năm nay, hầu hết do những công ty ở Việt Nam sang đầu tư cơ sở chế biến và hướng dẫn người dân Campuchia trồng rồi sau đó thu mua lại, chế biến.

Người dân trên cung đường này dường như chưa từng biết đến điện. Trên đoạn đường gần 500 cây số, ước chừng chưa đến 100 cây số có lưới điện. Đoạn gần biên giới Việt Nam có khoảng 50 cây số đường dây, song hầu hết chỉ ở dạng cao thế và điểm cuối của đường dây này là ở phía chân trời xa, điều này đồng nghĩa với việc người dân phía dưới lưới điện còn chưa biết điện là gì. Đoạn thứ hai khoảng 50 cây số còn lại nằm gần biên giới Campuchia - Lào và đang trong giai đoạn thi công.

Đúng 17 giờ, xe chúng tôi có mặt tại của khẩu Trapeang Kreal để làm thủ tục sang Lào. Thủ tục cả hai bên đều diễn ra trong vòng chưa đầy 30 phút - rất nhanh!

Không giống phía Campuchia, cửa khẩu phía bên Lào khá “hoành tráng” và được treo rất nhiều cờ của nước Lào và của Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

12 giờ trôi qua, chúng tôi đã chinh phục được một nửa chặng đường thuộc hai nước Đông Dương là Việt Nam và Camphuchia, giờ là lúc chinh phục phần còn lại (khoảng 800 cây số) trên đất Lào.

Con đường từ cửa khẩu Nong Nok Khiene đến Vientiane rất vắng vẻ, càng vắng vẻ hơn khi chuyến đi của chúng tôi lại diễn ra vào ban đêm. Để giúp cho khách “chống đói”, một vài lần nhà xe dừng chân ở những cửa hàng tiện lợi. Hàng hóa ở những cửa hàng này khá đa dạng và hầu hết là hàng Thái Lan, Mỹ và chỉ có một số ít là hàng Việt Nam. Sở dĩ hàng Thái Lan nhiều là bởi càng về gần thủ đô Vientiene, khoảng cách giữa chúng tôi với Thái Lan càng gần, có nhiều điểm đoàn xe chỉ cách Thái Lan một dòng sông Mê Kông.

Còn cách Vientiane khoảng 300 cây số, đồng hồ điểm 1 giờ đêm, bất ngờ chúng tôi bị đánh thức bởi một đoàn xe tải đen xì, được những chiếc xe chuyên dụng hộ tống, hú còi inh ỏi. Hỏi ra mới biết, đây là những chiếc xe chở vàng thô khai thác ở Lào sau đó vận chuyển sang các nhà máy chế biến ở Thái Lan. 

6 giờ sáng, tức hơn 24 giờ trôi qua, chúng tôi có mặt ở bến xe Nam Lào (người Việt gọi là bến xe Cây số 9) kết thúc hành trình xuyên Đông Dương.

Một trải nghiệm thú vị

Mặc dù vất vả, song chuyến đi trên chiếc xe trên dưới 50 hành khách ấy đã thực sự cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Về khía cạnh con người, tôi ít nhiều biết được một vài câu chuyện mưu sinh lý thú.

Thiện, một kỹ sư xây dựng quê Khánh Hòa, đang làm việc tại một công trình thủy điện ở Paksé mời tôi ghé thăm nơi mà anh đầu quân cách đây chưa đầy một năm. Anh kể, nơi anh làm việc nằm cách quốc lộ khoảng 60 cây số và cách trung tâm thị tứ của tỉnh Paksé khoảng 200 cây số, gần một bản làng của người Lào, nơi có một khu rừng vô cùng linh thiêng với người dân bản xứ.

Thiêng?

Trước thắc mắc của tôi, Thiện cho biết thêm, thiêng là bởi khu rừng này đóng vai trò như một nghĩa trang của làng. Người làng sau khi qua đời sẽ được hỏa táng, một phần tro cốt của họ sẽ được đưa vào thân cây thông qua một lỗ to bằng đường kính chiếc bát, được người thân đục khoét ngay khi người nhà qua đời. Rất thú vị, song do quỹ thời gian có hạn nên tôi đành hẹn anh bạn này dịp khác sẽ ghé qua. 12 giờ đêm, tại Paksé, tôi chia tay Thiện.

Người thứ hai mà tôi gặp là anh Hoàng, quê Bình Phước. Qua Lào từ đầu năm và làm công nhân xây dựng. Lần này anh về Việt Nam thứ nhất là thăm nhà, thứ 2 là chấm... dấu!

Chấm dấu?

Thì ra đây là từ lóng mà giới lao động không được cấp phép hợp pháp sử dụng để chỉ việc gia hạn hộ chiếu. Theo quy định của pháp luật nước sở tại, những ai không được cấp phép lao động chính thức sẽ chỉ được lưu lại Lào trong vòng 30 ngày. Sau 30 ngày, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 10 USD cho một ngày lưu trú bất hợp pháp. Để đối phó, nhiều lao động (chủ yếu là công nhân xây dựng, buôn bán tự do) mỗi tháng phải ra khỏi Lào 15 phút để “chấm dấu”. Thông thường, các lao động ở thủ đô Vientiane thường chọn Thái Lan làm nơi xin dấu. Bởi khoảng cách từ thủ đô Vientiane đến biên giới Thái Lan chưa đầy 30 km.

Tuy nhiên, điểm thu hút tôi nhiều nhất chính là thức ăn nhanh ở những ngôi chợ ven đường (từ Campuchia cho đến Lào). Với những ai không tinh ý sẽ cho rằng các khu chợ này buôn bán giống nhau. Nhìn bên ngoài là thế, song thực chất khác biệt lớn. Các chợ ven đường ở Campuchia chủ yếu bán côn trùng nướng để ăn chơi cho vui miệng, còn ở Lào không phải thế, họ bán để ăn no.

Người Lào rất thích các món nướng (có lẽ tiện lợi, dễ làm - PV) nên các thứ họ đều để lên lò than: từ thịt, lòng bò, heo cho đến chim, gà, cá. Những món này thường được ăn với cơm nếp. Không giống như người Thái, người Campuchia, hay người Việt Nam, người Lào xem cơm nếp là thức ăn chính chứ không phải cơm tẻ.

Sở dĩ những khu chợ bán thức ăn nhanh kiểu này lúc nào cũng đông đúc do người Lào rất ít khi vào bếp. Thực đơn của họ thường đơn giản và dễ nhớ: buổi sáng bánh mỳ, cơm nếp; buổi trưa cơm nếp, thịt nướng; buổi chiều cơm nếp, cá nướng... Và đó là lý do mà người Lào rất ít khi mời khách lạ thăm nhà và đặc biệt là thăm gian bếp.

24 giờ xuyên Đông Dương là một tuyến đi lạ, song đây thực sự là chuyến đi thú vị cho những ai thích khám phá vì cung đường này đã đi qua ba nước chỉ trong một ngày trên xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
24 giờ xuyên Đông Dương đến xứ sở triệu voi