Thượng tọa Thích Thọ Lạc khẳng định, tục đốt vàng mã không phải xuất phát điểm của Phật giáo, không phải truyền thống tín ngưỡng của Phật giáo...
Chúng ta đốt vàng mã gửi cho ai? Ảnh minh họa: Dân trí
1. Tương truyền, vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm, Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để tâu bày với Ngọc Hoàng mọi việc xảy ra ở dưới trần thế trong năm vừa qua. Vào ngày này, ngoài mâm cơm cúng, các gia đình sẽ đốt vàng mã và thả cá chép tiễn Táo quân chầu trời.
Theo lệ xưa, lễ cúng tiễn đưa ông Táo chầu trời diễn ra vào tối 22 tháng Chạp âm lịch, vì theo quan niệm ông Táo bay về trời từ đầu ngày 23 tháng Chạp. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo và 3 con cá chép làm “ngựa” để Táo quân cưỡi vượt qua Vũ Môn lên Thiên đình. Sau khi cúng trong bếp, các đồ mã cúng Táo quân được đốt vào tối 22 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Bài vị mới sẽ được lập cho Táo quân; còn cá chép được mang ra thả ngoài ao, hồ, sông, suối…
Ngày Táo quân về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo, các gia đình bắt tay vào lau chùi đồ thờ cúng ông bà tổ tiên, dọn dẹp và trang trí nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Đến đêm Giao thừa, Táo quân trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
2. Trước hết cần phải khẳng định, phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta là một tín ngưỡng văn hóa dân gian, chứa đựng những truyền thống tốt đẹp. Thế nhưng ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của nhiều người bớt khó khăn và trở nên sung túc, dư giả hơn; và theo đó, bên cạnh mâm cao cỗ đầy cúng gia tiên, nhiều gia đình cũng cố gắng sắm sửa cho đủ, cho nhiều, và thậm chí tốn không ít tiền cho đồ vàng mã. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, không ít người cố gắng “tìm kiếm” những vật phẩm lạ, đắt tiền để đốt cho ông bà tiên tổ dưới suối vàng không bị thiếu thốn, để từ đó phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn phát đạt, công thành danh toại.
Còn nhớ trong cuộc nói chuyện dài hồi năm ngoái, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã giải thích cặn kẽ về tục đốt vàng mã và phóng sinh động vật của dân ta vào các dịp lễ, Tết như Tết Táo quân, lễ Vu Lan… Theo Thượng tọa, việc đốt mã ngoài nhằm mục đích “gửi đồ dùng” cho ông bà tiên tổ, người đã khuất, còn nhằm cung tiến cho các vị thần, vị thánh để các vị vui mừng, hoan hỉ phù hộ cho gia đình, con cháu thăng quan tiến chức và có nhiều tài lộc.
“Đạo Phật chỉ dạy cho chúng ta con đường giác ngộ, con đường hướng thiện, con đường hiểu biết và thương yêu, thực hiện sao cho tốt với luật nhân quả, đúng đạo đức xã hôi. Đức Phật không phải là Thượng đế có quyền ban phúc giáng họa cho ai cả. Ai gieo nhân nào sẽ gặt quả đó, làm điều thiện sẽ được quả thiện, còn làm điều ác sẽ chịu quả báo ác”, Phó Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lý giải.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc khẳng định, tục đốt vàng mã không phải xuất phát điểm của Phật giáo, không phải truyền thống tín ngưỡng của Phật giáo, mà là từ Đạo giáo của Trung Quốc, sau này do ảnh hưởng văn hóa nên du nhập vào Việt Nam. Trong hệ thống kinh điển của nhà Phật không có điều nào dạy Phật tử đốt vàng mã để cầu siêu độ cho cha mẹ, tiên tổ như quan niệm của nhiều người, Thượng tọa nhấn mạnh.
3. Hôm qua (19/1), dân mạng và truyền thông xôn xao hơn với tiết lộ “hậu trường” bất ngờ liên quan đến phát ngôn “bỏ Tết” gây bão của nhà văn Tuệ Nghi. Cụ thể, theo chia sẻ của nữ doanh nhân - nhà văn 9X, phát ngôn của cô đã bị một trang báo điện tử đăng tải thiếu chính xác, giật tít câu view, cắt xén v.vv...
Tạm không bàn đến câu chuyện Tết Tây - Tết ta, hay "sáng kiến" gộp hai Tết làm một, hay thậm chí có quan điểm cho rằng, đốt vàng mã là "mê tín dị đoan", là việc làm sai, ở đây người viết chỉ xin nhắc lại căn nguyên vì sao lại có những ý kiến muốn "giản tiện" Tết cổ truyền (thậm chí... bỏ Tết)? Phải chăng cũng bởi mong muốn "bằng anh bằng em", bởi tâm lý xấu hổ khi "nhà hàng xóm có mà mình không có", cũng như như tục lệ đốt vàng mã, vì quan niệm “Dương thịnh âm siêu” (Người dương biết làm phúc, để người âm siêu thoát) mà chúng ta đang "đầu tư" quá nhiều cho những lệ tục gây lãng phí?
Không chỉ có vậy, việc đốt mã nhiều, không đúng nơi quy định vừa gây lãng phí, lại có thể gây ô nhiễm môi trường, thậm chí cháy nổ, hỏa hoạn, gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Tại điểm C, điều 18 Nghị định 75/2010/NĐ - CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa quy định mức phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng.
Cũng trong ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường mua cá chép về thả, xem đó như phương tiện giúp Táo quân về chầu Trời. Việc phóng sinh cá chép ra ao, hồ, sông, suối… sau khi cúng Táo quân cũng là hành động nhân văn, thể hiện lòng nhân ái của người Việt Nam, là một việc làm đạo Phật khuyến khích. Đây cũng một trong năm giới Đức Phật đề cao và luôn dạy đệ tử, đó là giới không sát sinh: tôn trọng mạng sống của con người và của các loài động vật; và nếu như có thể phóng sinh thì việc này cũng thể hiện đúng tinh thần từ bi của đạo Phật. Theo quan điểm của đạo Phật, phóng sinh phải xuất phát từ lòng từ bi, từ tình thương yêu, vì sự sống của chúng sinh chứ không phải vì lợi ích của bản thân. Phóng sinh phải xuất phát từ tâm chứ không phải vì theo phong trào. Do đó, Thượng tọa Thích Thọ Lạc khuyên, để tránh loài phóng sinh bị đánh bắt lại, không nên mua nhiều lần ở cùng một người, một địa điểm. Gặp con gì thì mua con đó, không phân biệt nhiều hay ít, lớn hay nhỏ mà tùy tâm, thành tâm. Để phóng sinh cho đúng, cần lưu ý chọn địa điểm để các loài phóng sinh có thể được sống lâu dài và cũng không vứt cả túi nilon kèm theo bởi đây là hành vi gây ô nhiễm môi trường cần phải lên án và loại bỏ. |