Hình ảnh những bà mẹ tựa cửa ngóng trông con về, những ngôi mộ của liệt sĩ chưa biết tên lặng lẽ trong nghĩa trang..., đã thôi thúc ông lên đường tìm lại những đồng đội đã ngã xuống. Với ông, được trở về là điều vô cùng may mắn.
Hành trình đi tìm đồng đội
Hơn 100 gia đình đã tìm được hài cốt liệt sĩ nhờ những thông tin ông Toàn ghi chép được ở các nghĩa trang
Ròng rõ suốt 20 năm trời, ông Nguyễn Song Toàn (sinh năm 1941, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội) đã đặt chân đến mọi miền của Tổ quốc, đi vào các chiến trường xưa, để ghi chép thông tin về các đồng đội của ông đã ngã xuống.
Mảnh đất miền Trung – nơi đơn vị ông Toàn đóng quân là nơi biết bao đồng đội của ông đã nằm lại với đất mẹ linh thiêng. Phần nhiều trong số ấy đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng vẫn còn không ít liệt sĩ chưa xác định được mộ phần, máu xương của họ vẫn ở đâu đó trong lòng đất. Ông Toàn bảo rằng: “Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau thì còn mãi”.
Từ năm 1995 đến nay, ông đã dọc ngang khắp các chiến trường xưa, các nghĩa trang liệt sĩ để ghi lại thông tin của hơn 3.000 ngôi mộ, rồi từ thông tin có được, ông lại tiếp tục viết thư về cho gia đình các liệt sĩ. Không những thế, ông còn liên hệ với các báo, đài như Quân đội nhân dân, An ninh Thủ đô, Đài tiếng nói Việt Nam để nhờ đăng phát các thông tin về liệt sĩ mình ghi chép được.
Từ đó, hơn 100 gia đình liệt sĩ đã tìm được chồng, con, em mình sau ngày chờ đợi. “Ngày trùng phùng có những bà mẹ, người vợ xúc động khóc không thành lời, ngất lên ngất xuống", ông Toàn nói.
8 năm trong chiến trường, ông Toàn hiểu sự sống và cái chết mong manh đến nhường nào, vì thế khi là người may mắn sống sót trở về ông luôn tâm niệm, sẽ làm điều gì đó cho những người đồng đội của mình đã hy sinh.
Khi gia đình liệt sĩ Bùi Thanh Huệ - người đồng đội cùng nhập ngũ với ông năm 1966 và cùng là lính Đại đội trinh sát, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo binh, Sư đoàn 351, tìm đến ông để hỏi han tin tức nơi chôn cất, ký ức về trận chiến ở Bến 5 bãi Mít, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị lại hiện về trong ông.
Tại đây, chiến sĩ Bùi Thanh Huệ đã anh dũng hy sinh, ông Toàn và đồng đội đã tổ chức chôn cất anh, nhưng sau bao năm qua đi, khi trở lại nơi này, ông Toàn nhận được thông tin hài cốt người đồng đội đã được quy tập về một nghĩa trang nào đó. Vậy là, ông lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm đồng đội của mình.
Nỗi niềm của người cựu binh
Ông Toàn xem lại cuốn sổ ghi chép thông tin của hơn 3.000 liệt sĩ
Trong những lá thư ông viết thông tin về liệt sĩ gửi cho các gia đình, có rất nhiều lá thư hồi âm với nội dung “gia đình không có đủ điều kiện để mang hài cốt về”. Cẩn trọng giở cuốn sổ ghi thông tin liệt sĩ, ông chỉ cho chúng tôi xem những gia đình liệt sĩ đã biết thông tin nhưng vì điều kiện kinh tế mà chưa thể đưa hài cốt về quê. Ông Toàn nói đó chính là điều khiến ông buồn nhất và luôn canh cánh bên lòng.
Năm nay, ông Toàn đã 75 tuổi, sức khỏe cũng đã yếu đi nhiều, những chuyến đi cũng thưa dần so với hồi còn khỏe. Cho đến khi ông bị một trận ốm nặng, thì gần như ông không thể tiếp tục rong ruổi trên những con đường xa. Nhưng hằng ngày bằng cách nghe chuyên mục "Nhắn tìm đồng đội" của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông vẫn có được thông tin của các liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc. Và ông lại ghi chép, biên thư và nhận được những tin hồi âm từ các gia đình liệt sĩ.
Thời gian gần đây, ông Toàn bị lãng tai, việc ghi chép có phần khó khăn và không được thường xuyên như trước. Người cựu binh già phải ghé sát tai vào đài, nhưng vẫn câu được câu mất. Để giúp ông tiếp tục công việc có ý nghĩa của mình, năm 2013, Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội đã tặng ông một máy ghi âm.
Không chỉ đi tìm đồng đội, nhiều năm qua ông Toàn còn gắn bó với công việc quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ của xã Nhị Khê. Hằng ngày, ông Toàn hương khói cho liệt sĩ, chăm nom, tu sửa, trồng cây, trồng hoa để nghĩa trang lúc nào cũng trang nghiêm, sạch đẹp.