Theo CNN, một thành phố lành mạnh khi người dân ở đó được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe chất lượng, y tế tốt hoặc môi trường sống trong lành. Dưới đây là 10 thành phố lành mạnh nhất trên thế giới do CNN bình chọn.
1. Copenhagen, Đan Mạch
Copenhagen là thành phố của những gia đình trẻ và những chuyên gia đầy tham vọng. Theo báo cáo của OECD, với chỉ 2% người làm việc 40h/tuần, người dân tại đây có nhiều thời gian dành cho gia đình, tham gia các hoạt động thể thao hoặc các chương trình xã hội cộng đồng khác.
Việc cân bằng giữa công việc và thời gian dành cho gia đình, người thân không chỉ giúp người dân Đan Mạch giảm stress mà còn khiến họ hạnh phúc rất nhiều. Đó là lí do vì sao Đan Mạch là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới hàng năm của Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, Chính phủ Đan Mạch cũng tạo nhiều điều kiện cho người dân. Công viên và các làn đường dành cho xe đạp nhiều vô số. Trong năm 2015, tất cả các cư dân Đan Mạch có thể đi bộ tới công viên hoặc bãi biển chỉ trong 15 phút. Ngoài ra, một điều thú vị hơn nữa khiến Đan Mạch là quốc gia hạnh phúc, đó là 96% người dân được hỏi đều nói rằng họ có thể nhờ cậy bất kỳ ai khi cần sự giúp đỡ.
2. Okinawa, Nhật Bản
Nhật Bản được biết đến là quốc gia có dân số già. Tuổi thọ của nữ là 86 và nam là 78 trong khi tuổi thọ trung bình trên thế giới ở nam và nữ lần lượt là 68 và 76.
Mặc dù kinh tế của người dân Okinawa nghèo hơn mặt bằng chung, chất lượng cuộc sống của họ lại rất tốt. Được biết, chế độ dinh dưỡng của người dân Okinawa chủ yếu là rau xanh, khoai lang, đậu nành và cá. Họ rất ít ăn thịt, uống nước điều độ và ít hút thuốc.
Người Okinawa cũng thường sống theo gia đình. Các thành viên trong gia đình đều sống trong cùng một mái nhà và họ rất kính trọng người lớn tuổi. Các cụ già trăm tuổi đều rất lạc quan, độc lập, sáng tạo, bình tĩnh và thoải mái.
3. Monte Carlo, Monaco
Monte Carlo có tỉ lệ trẻ em tử vong thấp nhất thế giới, với chỉ khoảng 1,81 phần nghìn trẻ sơ sinh tử vong.
Theo Vivian Barnekow, Quản lý chương trình Phát triển Sức khỏe trẻ em và vị thành niên: “Các quốc gia như Moncaco trang bị đầy đủ công nghệ hiện đại và đào tạo các nhân viên chuyên môn cao. Do vậy, việc ngăn chặn tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là điều dễ dàng”.
4. Vancouver, Canada
Với một trung tâm thành phố đông đúc, một hệ thống giao thông công cộng mạnh và rất nhiều làn đường xe đạp, Vancouver được mệnh danh là “thành phố đi bộ nhiều nhất ở Canada”.
Bên cạnh đó, môi trường tự nhiên tại khu vực này được bao phủ bởi cây xanh, giảm thiểu sự ô nhiễm đi rất nhiều. Năm 2011, Vancouver áp dụng kế hoạch Thành phố Xanh 2020, đặt mục tiêu biến khu vực tàu điện ngầm Canada thành nơi thân thiện với môi trường nhất trên thế giới.
5. Melbourne, Úc
Trong 4 năm liên tiếp, Melbourne được bình chọn là thành phố đáng sống nhất thế giới, theo Cơ quan Kinh tế Toàn cầu EIU. Kết quả điều tra cho thấy, trong 140 thành phố, Melbourne đứng đầu với hệ thống y tế giáo dục tốt và có tỉ lệ tội phạm thấp.
Bên cạnh đó, Melbourne có các tuyến đường sắt và xe điện rộng cùng hệ thống xe đạp thuận tiện. Người dân có thể thoải mái sử dụng một trong các phương tiện này để đi lòng vòng quanh thành phố mà không cần tới ô tô riêng.
6. New York, Hoa Kỳ
Ở nhiều góc độ, New York có vẻ không phải là một nơi lành mạnh cho lắm. Thành phố này được biết tới là nơi luôn đông đúc và ồn ào. Thậm chí, người đi bộ cũng thấy nguy hiểm bất cứ lúc nào họ bước xuống đường.
Tuy nhiên, nếu bạn là người nhạy cảm với khói thuốc, thì đây lại là một “thiên đường”. Trong số các thành phố lớn, New York là thành phố tiên phong trong việc ngăn chặn hút thuốc.
Lệnh cấm hút thuốc tại nơi công sở được thông qua cách đây hai thập kỷ. Tới năm 2002, thị trưởng Michael Bloomberg đã mở rộng lệnh này sang hầu hết các quán bar và nhà hàng. Kết quả cho thấy, từ năm 2002 tới năm 2012, số người hút thuốc giảm 28%.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách còn ra luật giới hạn độ tuổi mua thuốc lá (độ tuổi hợp pháp để mua sản phẩm này là từ 18-21 tuổi); đồng thời, tăng thuế doanh thu thuốc lá (một gói thuốc lá bán với giá 10,50 USD).
7. Jonkoping, Thụy Điển
Số lượng người dân đạt 65 tuổi sẽ tăng đáng kể ở thế giới phương Tây trong vòng hai thập kỷ tới. Chính phủ các nước rất quan tâm tới những dịch vụ chăm sóc chuyên sâu cho người cao tuổi. Về vấn đề này, các nhà lãnh đạo trên thế giới nên học hỏi Jonkoping ở miền Nam Thụy Điển.
Esther là một chính sách chăm sóc y tế mới mẻ, giúp cải thiện đời sống cho người cao tuổi ở nơi này. Y tá địa phương sẽ đến tận nhà chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân khoảng vài ngày trước khi chuyển đến bệnh viện để thực hiện các thủ tục điều trị sâu hơn (nếu bệnh diễn biến nặng).
8. Havana, Cuba
Ở Cuba, mỗi cộng đồng dân cư đều có mạng lưới văn phòng bác sĩ quy mô nhỏ ở gần nhà cung cấp khám chữa miễn phí. Những bệnh viện lớn dành để chăm sóc các bệnh nhân có bệnh nặng và phức tạp. Bất ngờ hơn cả, chính phủ Cuba chỉ chi trả 400 USD/người cho việc chăm sóc sức khỏe, trong khi Mỹ chi tận 9.000 USD/người.
Ông Pierre LaRamee, Giám đốc điều hành của MEDICC, một tổ chức hợp tác y tế phi lợi nhuận hoạt động giữa Mỹ và Cuba cho biết, việc phòng ngừa đã giúp hạ phí tổn bệnh viện. Gần 100% vắc-xin phòng ngừa và sàng lọc y tế được chính phủ Cuba hỗ trợ cho người dân.
9. Singapore
Là một trong các hệ thống y tế hiệu quả nhất thế giới, chương trình chăm sóc sức khỏe của nhà nước được 80% người dân sử dụng. Bộ Y tế Singapore cũng khuyến khích người dân tham gia chương trình tiết kiệm y tế gọi là Medisave để đảm bảo họ có đủ tiền trang trải chi phí trong tương lai.
10. Napa, California, Hoa Kỳ
Bà Remi Cohen, người đứng đầu Tổ chức khiêu vũ thế giới, một tổ chức địa phương ở Napa, khẳng định: “Napa có nhiều thứ lành mạnh”. Ngoài thực phẩm tự trồng, đi bộ và đạp xe đường mòn thì Napa còn có một nền văn hóa ấn tượng.
Napa nổi tiếng với rượu vang. Mặc dù các nghiên cứu chỉ ra rằng, rượu vang đỏ không giúp bạn sống lâu hơn, nhưng một hay hai cốc rượu có thể giúp bạn chống trầm cảm. Người dân nơi đây thích uống rượu và luôn cảm thấy lạc quan.