Năm 2015 sắp qua đi, hãy cùng điểm lại những sự kiện xã hội nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận.
1. Gia tăng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thời gian qua có chiều hướng gia tăng, tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng gia tăng
Tại hội nghị trực tuyến về triển khai đợt cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra vào ngày 19/10/2015, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trên cả nước không có địa phương nào an toàn với chất cấm trong chăn nuôi, cần tổ chức lấy mẫu thường xuyên để phát hiện xử lý, tuy nhiên đó chỉ là phần ngọn, triệt phá các đường dây buôn lậu, mua bán chất cấm mới là phần gốc. Cần xử lý nghiêm đầu nậu mua bán chất này như tội phạm buôn bán ma túy.
2. Nhiều vụ cháy lớn xảy ra tại các chung cư
Năm 2015 là năm ghi nhận nhiều vụ cháy lớn xảy ra tại các khu chung cư, đặc biệt trên địa bàn TP Hà Nội. Mở đầu là vụ cháy xảy ra vào lúc 10h ngày 16/9, tại chung cư HH4 Linh Đàm, quận Hoàng Mai. Rất nhiều người mắc kẹt trong tòa nhà và phải đợi lực lượng chữa cháy huy động xe thang giải cứu. Tiếp đến, lúc 20h30 ngày 20/9, tại sảnh B, chung cư CT5 Xa La, Hà Đông, hộp điện tại tầng 9 của tòa nhà bỗng dưng phát hỏa. Sau đó là vụ cháy lớn xảy ra lúc 20h ngày 11/10 tại các tòa CT4A, CT4B, CT4C thuộc khu chung cư Xa La (Hà Đông) khiến hàng chục người bị ngạt khói, hoảng loạn.
Điều đó cho thấy, công tác PCCC ở các khu chung cư không được đảm bảo. Việc cứu hỏa ở các chung cư tầng cao cũng gặp nhiều bất lợi, bởi vẫn chưa có xe thang vươn cao đến 30 tầng để phục vụ công tác PCCC.
3. Những sự cố tai nạn lao động kinh hoàng
Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động kinh hoàng, gây thiệt hại không nhỏ về con người và tài sản. Vào khoảng 19h30’ngày 25/3, tại khu công nghiệp Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), một vụ sập giàn giáo khiến 13 người chết, 29 người bị thương.
Ngày 18/11, 1 mỏ than ở xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) bất ngờ sập đổ khi 7 công nhân đang ở trong thăm dò khai thác. Thời điểm xảy ra tai nạn, 4 người đã kịp chạy ra ngoài, còn 3 người bị mắc kẹt và tử nạn ngay sau đó. Hậu quả của những vụ tai nạn trên sau đó đã được khắc phục, những người để xảy ra sự cố đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
4. Tình trạng xuống cấp các biệt thự cổ ở Hà Nội sau sự cố sập biệt thự tại 107 Trần Hưng Đạo
Vào lúc 12h45p ngày 22/09, căn biệt thự cổ từ thời Pháp tại số 107 đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bỗng nhiên đổ sập, làm 2 người chết, 6 người bị thương. Nguyên nhân của vụ sập biệt thự cổ sau đó được xác định, do ngôi biệt thự này xây dựng đã nhiều năm, có dấu hiệu xuống cấp, cộng thêm mưa liên tiếp kéo dài, tòa nhà bị thấm nước, nên giảm khả năng chịu lực và đổ sập.
Hiện trường vụ sập biệt thự cổ ở Hà Nội
Sau sự cố trên, vấn đề về độ an toàn của các khu biệt thự, các căn nhà cổ trên địa bàn Hà Nội được đặt ra, bởi hiện trên địa bàn TP có khoảng 600 biệt thự nhóm 2. Số biệt thự thời Pháp đã xuống cấp còn rất nhiều. Điều này khiến cho những người đang sống trong những khu biệt thự, nhà cổ tỏ ra hết sức lo lắng.
5. Vỡ ống nước sông Đà khiến hàng chục ngàn hộ dân mất nước
Kể từ khi đưa vào sử dụng từ tháng 12/2012 cho đến tháng 11/2015, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ 16 lần. Trước đó, liên tiếp trong 2 ngày 25 và 26/9, đường ống nước sạch bị vỡ lần thứ 14, 15.
Việc liên tiếp vỡ đường ống nước sạch sông Đà đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của hằng ngày của 70 ngàn hộ dân Thủ đô. Trong một thời gian liên tiếp họ phải sống trong cảnh thiếu nước sạch trầm trọng. Trong sự cố này, doanh nghiệp khai thác dự án đã phải đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng thêm tuyến ống mới thay thế, đồng thời đã có 9 bị can bị CQĐT truy tố về tội “ "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
6. Mưa lũ lịch sử tàn phá Quảng Ninh
Trận mưa lũ lớn nhất kéo dài 4 ngày trong vòng 40 năm qua tại Quảng Ninh đã làm 13 người chết, 4 người mất tích, nhiều khu vực ngập lụt nghiêm trọng, giao thông tê liệt.
Bắt đầu từ ngày 25 – 28/7/2015, những trận mưa lớn liên tiếp kéo dài, kèm gió giật mạnh đổ bộ vào Quảng Ninh, gây ngập lụt trên diện rộng. Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, mưa lũ đã làm khoảng hơn 2 nghìn nhà dân, trường học, bệnh xá đã bị ngập, gần 70ha lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng nề.
7. Hàng loạt cây xanh bị chặt hạ tại Hà Nội
Theo Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015, Hà Nội sẽ thực hiện chặt hạ, trồng thay thế 6.708 cây xanh trên 190 tuyến phố. Việc thực hiện thay thế hàng loạt cây xanh đã vấp phải phản ứng của người dân, cũng như các nhà khoa học, chuyên gia trên cả nước.
Hàng loạt cây xanh đã bị chặt hạ tại Hà Nội
Ngày 20/3/2015, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chính thức chỉ đạo dừng việc chặt hạ cây xanh tại Hà Nội. Ngày 22/3/2015, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tiếp tục yêu cầu thanh tra toàn diện việc thay thế cây xanh, đồng thời tạm đình chỉ công tác một số cán bộ liên quan trực tiếp đến vụ việc kể trên.
8. Công bố quy hoạch báo chí
Những nội dung cơ bản của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 chính thức được Bộ TT&TT công bố vào ngày 25/9/2015, tại Hà Nội. Định hướng quy hoạch đối với báo in và tạp chí in là sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan báo in có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 1 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm phụ).
Các cơ quan báo in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, cơ quan cấp Bộ, ngành cấp Trung ương (trừ các quân khu, quân chủng). Trong đó đáng chú ý là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước cũng có thể có 1 cơ quan tạp chí in. Đối với phát thanh, truyền hình, đến năm 2020, các đài truyền hình địa phương tự chủ về tài chính. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 đài phát thanh truyền hình. Mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền. Định hướng quy hoạch đối với báo và tạp chí điện tử cũng đã được công bố cụ thể. Theo đó, định hướng sắp xếp hệ thống báo điện tử cơ bản tương tự như báo in.
9. Xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực
Liên quan đến Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại 8B phố Lê Trực, UBND TP Hà Nội cho biết, dự án có các sai phạm về chiều cao, diện tích xây dựng, kiến trúc công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc. Trước những sai phạm nói trên, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công công trình tự giác tháo dỡ bộ phận công trình vi phạm, nếu không tự giác chấp hành sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
10. Bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em
Bắt đầu từ ngày 10/04/2015 trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông trên các phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp điện đều bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Theo Nghị định 171, trẻ em từ 6 tuổi trở lên, khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm cài quai đúng quy cách. Nếu người điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách cho trẻ em ngồi trên xe từ 6 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.