Nhân Ngày quốc tế về người cao tuổi (1/10), hôm nay, Quỹ dân số LHQ và Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế vừa công bố báo cáo "Già hóa trong thế kỷ 21: Thành tựu và thách thức". Theo đó, thế giới sẽ có 1 tỷ người cao tuổi trong vòng 10 năm tới.
Báo cáo nhấn mạnh, số người cao tuổi đang gia tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác, đồng thời chỉ ra rằng xu thế già hóa chính là thành tựu mà xã hội đạt được. Già hóa dân số cũng tạo ra những thách thức lớn nên cần phải đổi mới cách thức tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hưu trí, ổn định đời sống các mối quan hệ liên thế hệ.
Năm 2000, lần đầu tiên trong lịch sử, số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên nhiều hơn số trẻ em dưới 5 tuổi. Đến năm 2050, thế hệ dân số già sẽ nhiều hơn dân số trẻ dưới 15 tuổi. Trong vòng 10 năm tới, số người cao tuổi sẽ vượt con số 1 tỷ người - tăng khoảng 200 triệu người trong vòng 10 năm. Hiện nay, có 2 trong số 3 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đang sống tại các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển và còn nhiều khó khăn. Đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên với tỷ lệ là 4 trong số 5 người cao tuổi.
Tư vấn và khám sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: VPG)
Nếu vấn đề này không được quan tâm giải quyết nhanh chóng, hậu quả chắc chắn sẽ không thể lường trước được cho các quốc gia không có sự chuẩn bị đối phó. Chính phủ các quốc gia đang phát triển có số lượng lớn dân số trẻ sẽ gặp nhiều thách thức nếu chính phủ đó không có chính sách và thực hành hỗ trợ cho những người cao tuổi hiện tại hoặc họ không lên kế hoạch chuẩn bị lâu dài để đối phó đến năm 2050.
Ts. Babatunde Osotimehin, Tổng giám đốc Điều hành Quỹ dân số LHQ (UNFPA) nhận định: Già hóa là một quá trình diễn ra suốt cả cuộc đời chứ không phải chỉ bắt đầu từ khi con người bước vào tuổi 60. 2 tỉ dân số trẻ và khỏe mạnh ngày hôm nay sẽ trở thành người cao tuổi trong năm 2050...
Theo báo cáo, nhiều nước đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc thông qua các chính sách, chiến lược, kế hoạch và luật pháp mới về già hóa. Hiện có hơn 100 quốc gia trong thập kỷ qua đã xây dựng quỹ lương hưu xã hội riêng để đối phó với tình trạng nghèo của người cao tuổi. Thế nhưng vẫn còn nhiều người cao tuổi trên khắp thế giới bị phân biệt đối xử, lạm dụng và bạo hành...
Tại Việt Nam, theo GS-TS. Nguyễn Đình Cử (trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, người cao tuổi ở nước ta tỷ lệ phụ nữ nhiều hơn nam giới, 72% sống ở nông thôn, 60% người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội thường xuyên. Kết quả cuộc khảo sát về già hóa dân số ở Việt Nam năm 2011 cũng cho thấy, do không có tích lũy, không có lương hưu nên khoảng 70-80% người cao tuổi ở nước ta vẫn phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc của con cái.
Còn theo báo cáo khảo sát của Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, người càng cao tuổi thì xác suất nghèo càng cao. Nam giới cao tuổi có tỷ lệ nghèo thấp hơn nữ giới cao tuổi. Người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn dễ tổn thương với nghèo hơn là người cao tuổi sống ở khu vực thành thị.
Ông Brucce Campell, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, đầu tư cho y tế, giáo dục, tham gia vào sự ổn định lớp thanh niên đóng góp phần quan trọng vào việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ người cao tuổi trong tương lai. Các chuyên gia cũng khuyên rằng, để chủ động đón tuổi già, mỗi người ngay từ khi còn trẻ tuổi cần tránh xa thuốc lá, rượu chè để đảm bảo sức khỏe. Bên cạnh đó, làm việc chăm chỉ và có tích lũy bằng cách đóng bảo hiểm tự nguyện, gửi tiết kiệm... cũng là cách để chúng ta thoải mái đón tuổi xế chiều...
Liên hợp quốc nhận định, nếu vấn đề già hóa dân số không được quan tâm giải quyết nhanh chóng, hậu quả chắc chắn sẽ không thể lường trước được cho các quốc gia không có sự chuẩn bị đối phó. An sinh xã hội và dịch vụ chăm sóc sức khỏe thân thiện với người cao tuổi sẽ là những đầu tư thiết yếu nhằm nâng cao khả năng độc lập của người cao tuổi và ngăn chặn tình trạng đói nghèo ở người già. Nếu bây giờ chúng ta có hành động kịp thời, chúng ta có thể được hưởng lợi từ cơ hội dân số già hiện tại và trong tương lai.
P.Lan