Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chậm phát triển sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong tương lai. Trong khi nhu cầu đòi hỏi phải có một đội ngũ thanh niên phát triển toàn diện có thể lực tốt, tầm vóc cường tráng, trí tuệ phát triển, kỹ năng nghề nghiệp cao mới có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực, thế nhưng ở Việt Nam, chiều cao của thanh niên ta còn... khiêm tố
Hiện nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam là 1m61
Vì sao thấp?
Đến năm 2020, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam sẽ đạt đến 1m65, tăng thêm 4cm so với hiện nay. Đây là một trong những chỉ số quan trọng được đề ra trong chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhưng đây có lẽ thực sự là “một cuộc chiến” gay go chứ không dễ dàng gì. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: liệu yếu tố dinh dưỡng có phải là một khâu quan trọng để giải quyết vấn đề này và làm thế nào để đạt mục tiêu tăng thêm chiều cao của người Việt như trên trong vòng 9-10 năm tới?
Theo thống kê của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch mới đây, chiều cao và thể lực của người Việt Nam hiện nay vẫn còn phát triển chậm so với chuẩn quốc tế. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam, ở trẻ gái vào khoảng là 153cm, còn trẻ trai là 163cm. Các chỉ số này cũng thấp so với một số nước ở khu vực châu Á.
Phát triển chiều cao có liên quan trực tiếp đến chế độ dinh dưỡng đặc biệt là trẻ em
Theo những nghiên cứu gần đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chậm phát triển chiều cao ở thanh niên Việt Nam có liên quan đến vấn đề dinh dưỡng. Tại Việt Nam tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng từ nhỏ, nhất là suy dinh dưỡng mãn tính thể thấp - chiều cao tính theo tuổi, cũng cao. Và theo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng, vấn đề suy dinh dưỡng mãn tính ảnh hưởng đến tầm vóc con người ở tuổi trưởng thành.
Mặc dù trong những năm gần đây tình hình kinh tế trong nước phát triển tương đối tốt, và Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là nước đạt được mức giảm tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng nhanh trong khu vực, nhưng tỉ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng trong nước vẫn còn cao và chênh lệch giữa các địa phương và khu vực nông thôn - thành thị.
Giải thích về nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam hiện nay, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho biết: Ngay cả thời kỳ mang thai, nhiều bà mẹ chưa chú ý để nâng cao sức khoẻ, do vậy sinh ra con nhẹ cân. Rồi trong quá trình trước tuổi học đường vẫn còn nhiều cháu bị suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng ở thể thấp - chiều cao tính theo tuổi thì hiện nay ở nước ta cũng còn khoảng 31%. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến đến tận tuổi trưởng thành, vì những cháu bị suy dinh dưỡng hồi nhỏ thì đến tuổi trưởng thành các cháu bị thiệt thòi từ 3 đến 5cm.
Nguyên nhân chủ yếu là do khẩu phần ăn của các trẻ em còn thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Về chất đạm không thiếu nhiều, nhưng các vi chất dinh dưỡng như sắt, vitamin A, chất kẽm, thì đó là những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Bên cạnh đó, các bà mẹ các vùng miền núi, vùng nghèo chưa có đầy đủ kiến thức về việc nuôi con, đó là nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ...
Báo động dinh dưỡng học đường
Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chậm phát triển sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong tương lai. Trong khi nhu cầu đòi hỏi phải có một đội ngũ thanh niên phát triển toàn diện có thể lực tốt, tầm vóc cường tráng, trí tuệ phát triển, kỹ năng nghề nghiệp cao mới có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, nước ta bắt đầu đẩy mạnh hơn nữa chiến lược phát triển nhân lực. Tuy nhiên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Chí Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định “vấn đề dinh dưỡng học đường cho đến nay vẫn chưa được triển khai đầy đủ và có chất lượng trên diện rộng”.
Lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo là giai đoạn tăng trưởng nhanh trong sự phát triển thể lực ở trẻ nên sự can thiệp vào giai đoạn này để kích thích sự tăng trưởng chiều cao cho trẻ là một khâu vô cùng quan trọng. Theo Tiến sĩ Trần Chí Liêm: “Việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em cần được tiến hành liên tục và bền bỉ trong nhiều năm, đồng thời phải có những giải pháp riêng cho từng vùng, đặc biệt ở những vùng khó khăn”.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, chiều cao trung bình của người dân Nhật bị hụt xuống mất 8cm so với 10 năm trước, từ đó nước Nhật có chiến lược gọi là bữa ăn học đường. Chính phủ cho mỗi đứa trẻ đi học được uống hai ly sữa mỗi ngày - nghĩa là bữa ăn phụ uống một ly sữa và một củ khoai và buổi chiều được uống thêm một ly sữa với một củ khoai. Chính phủ hỗ trợ như vậy để tác động vào trẻ nhất là trẻ mẫu giáo, dưới 5 tuổi, rồi trẻ tiểu học. Nhật Bản làm một chương trình như vậy mà phải mất tới mười mấy năm thì mới bù lại 8cm bị thiếu.
Như vậy để tăng chiều cao cho các thế hệ dân Việt Nam trong những năm tới, chủ trương đã có, nhưng nó chỉ biến thành hiện thực khi có các chính sách quyết liệt và rõ ràng. Nói cách khác để thực hiện mục tiêu nâng chiều cao của người Việt Nam hiện nay lên so với chuẩn quốc tế, cần phải có một chiến lược dài hạn với sự tham gia đồng bộ, tích cực của nhiều ban, ngành, đoàn thể và xã hội, trong đó việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em là một khâu quan trọng để cải thiện chiều cao của thanh niên Việt Nam trong tương lai.
Nhật Minh