Kon Tum: Thực trạng con đường nghìn tỷ ở Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y

Nhóm PV Tây Nguyên| 25/12/2015 14:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ lâu đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm nhiều, song không phải dự án nào cũng được nghiên cứu kỹ khi lập dự toán và thiết kế.

Điều đó dẫn đến hậu quả là một số tiền không nhỏ của Nhà nước bị sử dụng một cách lãng phí, kém hiệu quả…

Nhếch nhác con đường nghìn tỷ

Mục sở thị tại con đường NT18 và N5 được đầu tư hơn 900 tỷ đồng với độ dài nối liền nhau là 19km, nối thị trấn Plei Kần (Ngọc Hồi -Kon Tum) đi lên của khẩu Quốc tế Bờ Y. Thoáng nhìn, thấy đường được làm rất rộng và đẹp nhưng quan sát kỹ thì hầu như lưu lượng xe qua lại ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Diện tích mặt đường bị người dân chiếm dụng để phơi cà phê xen lẫn những đoạn đường nhựa bị đất đá lấn chiếm. Vào sâu bên trong, các biển báo giao thông cái bị gãy, cái bị bong tróc trông rất phản cảm. Tại những nơi có hệ thống mương thoát nước cũng đã bị nhô lên, lún xuống, bên cạnh đó bờ kè chống sạt lở cũng bị đất đá đua nhau làm sạt lở, nghiêng ngả.

Đây là con đường nằm trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu được Chính phủ phê duyệt - quy hoạch chung tầm nhìn đến 2025. Trong quy hoạch hành lang đường bộ Asean thì Khu kinh tế Quốc tế cửa khẩu Bờ Y trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trên tuyến thương mại quốc tế cũng như trong nội địa. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay có rất ít lưu lượng xe cộ qua lại, vậy nhưng có nhiều đoạn chất lượng công trình đã xuống cấp trầm trọng. Quan sát mặt đường bằng mắt thường, nhận thấy đã xuất hiện những vết nứt dài, sâu, có đoạn đã có dấu hiệu sụt lún. Phía trên, gạch lát vỉa hè bị bong tróc. Điều ấy khiến lo ngại về chất lượng công trình tầm cỡ của tỉnh với chiều dài 19km mà ngốn hết gần nghìn tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra ở đây, liệu một vài năm nữa, khi lưu lượng xe cộ qua lại nhiều hơn thì đoạn đường này có trụ nổi không? Có đáp ứng được kỳ vọng như kế hoạch đầu tư ban đầu?

 Sạt lở vẫn đi được(!?)

Trước việc con đường nghìn tỷ trở thành sân phơi cà phê lý tưởng cho các hộ dân, rồi vấn đề sụt lún, nứt nẻ, PV có buổi làm việc với ông Phùng Chí Đính, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Ban quản lý khu kinh tế Kon Tum, ông cho biết, điều đó rất bình thường! Theo ông Đính, đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 lớn như vậy cũng bị người dân phơi lúa, phơi cà phê thì con đường này cũng không có gì đáng nói; còn sạt lở ở tuyến đường này so với Quốc lộ 14 thì không bằng được. “Hiện nay, con đường này đã đưa vào khai thác 5 năm rồi, vấn đề sạt lở trên con đường này so với con đường Hồ Chí Minh thì sạt lở rất ít. Vừa rồi có một đoạn sạt lở vẫn chưa khắc phục vì đường mới thi công, mình để cho nó sạt lở ổn định đi, chứ mình khắc phục xong nó lại sạt lở tiếp thì tốn cả đống tiền, mình có thể đợi một năm, hai, ba năm… Sạt lở nhưng vẫn đi được(!?)…”, ông Phùng Chí Đính giải thích. Đi trên con đường đang trong quá trình sạt lở vào mùa mưa như “ngàn cân treo sợi tóc”, lúc nào lái xe qua đây cũng phập phồng lo âu, thấp thỏm. Bên cạnh đó, thời gian này, công trình đang được sửa sang, chắp vá nhưng vị Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính vẫn đinh ninh rằng tuyến đường NT18 và N5 chưa phải sửa chữa vì chất lượng theo đúng tiêu chuẩn(!).

Khi chúng tôi cho biết là rất nhiều máy móc đang sửa chữa đường cũng như rất nhiều biển báo bị hư hỏng thì ông Đính lại đẩy sang cho Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng Khu kinh tế (thuộc Ban quản lý khu kinh tế), là đơn vị quản lý và khai thác nên phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này.

Có thể thấy, cách lý giải của vị Trưởng phòng này khiến cho người ta thấy sự vô trách nhiệm, xem thường tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Đầu tư gần 20km đường, ngốn hết cả nghìn tỷ đồng trong khi lưu lượng xe cộ qua lại thưa thớt, đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng con đường đã phải sửa chữa vì hư hỏng… Thiết nghĩ, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần phải thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố để phát huy hiệu quả theo đúng với kỳ vọng ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Thực trạng con đường nghìn tỷ ở Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y