Nhiều người nỗ lực để lấy bằng tiến sĩ để có cái danh cá nhân, chạy theo hư danh, còn chất lượng chuyên môn thế nào luôn là dấu hỏi lớn cho các nhà quản lý, cho xã hội.
Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo đề án về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm. Đề án nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Theo như dự thảo Bộ GD-ĐT công bố, Bộ sẽ chi 12.000 tỉ đồng để đào tạo khoảng 9.000 tiến sĩ. Trước số tiền mà Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ chi để đào tạo tiến sĩ, nhiều người đặt ra câu hỏi “Chất lượng giáo dục có được nâng cao hay không khi bỏ ra một số tiền lớn như vậy để đào tạo tiến sĩ ? Hay vẫn lối mòn cũ, “tiến sĩ giấy” và nhiều câu chuyện đạo luận văn tiến sĩ đã được phơi bày….".
Chia sẻ với PV về vấn đề trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT băn khoăn: “Đề án 911 đào tạo 20.000 tiến sĩ năm 2011 đã có ai nghiệm thu hay chưa? Chưa rút kinh nghiệm từ đề án 20.000 tiến sĩ mà đã làm một đề án mới, đây là điều đáng suy nghĩ. Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần phải xem lại chất lượng của đề án này để xem có bao nhiêu tiến sĩ thật và bao nhiêu “tiến sĩ giấy”? Nếu không có đánh giá toàn diện đề án này thì chưa nên đề xuất vội một đề án mới, cũng hoành tráng không kém như thế”.
Chất lượng giáo dục có được nâng cao hay không khi bỏ ra một số tiền không nhỏ để đào tạo tiến sĩ? Ảnh minh họa.
Cũng theo ông Nhĩ, khi đưa ra lý do thiếu tiến sĩ là chưa thuyết phục. “Bởi thực tế, tuy thiếu tiến sĩ nhưng lại thừa… “tiến sĩ giấy”. Nếu cứ đào tạo thêm một số “tiến sĩ giấy” nữa thì dư luận bất bình là điều dễ hiểu. Tất nhiên, có nhiều tiến sĩ là tốt nhưng phải là tiến sĩ thực chất, đáp ứng đúng nhu cầu đào tạo. Vừa qua, tôi thấy có quá nhiều tiến sĩ các thể loại rồi, từ chính trị học, giáo dục học, tâm lý học, xã hội học, đến cả tiến sĩ quản lý phường xã nữa... Đào tạo bát nháo mà không đáp ứng được nhu cầu thì quá lãng phí!”.
Theo ông Nhĩ, tuyển đầu vào tiến sĩ cần lựa chọn những nơi nào thực sự cần thiết, đáp ứng được nhu cầu đang thiếu. Bộ GD-ĐT cũng cần tìm hiểu kỹ nơi nào đào tạo chất lượng, đào tạo phải nghiêm túc.
Đồng thời, ông Nhĩ cũng nêu ra một thực trạng hiện nay là hiện tượng chảy máu chất xám, “Thực tế là không ít giảng viên sau khi đạt trình độ tiến sĩ xong là sẵn sàng… đi nơi khác hấp dẫn hơn. Bởi vậy, chúng ta cần có chế tài để khi học xong buộc họ quay về phục vụ nơi cử họ đi học”, ông Nhĩ nhấn mạnh.
“Phạt trả lại tiền học chưa đủ, theo tôi cần phạt gấp 2, 3 lần số tiền mà cơ sở đã chi trả cho các nghiên cứu sinh. Có thực tế là không ít tiến sĩ chấp nhận trả lại tiền học để đi nơi khác”, ông Trần Xuân Nhĩ cho biết.
“12.000 tỉ trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn không phải là số tiền nhỏ. Hãy có cách nào đó để khuyến khích người đi học bằng hình thức xã hội hóa. Người học bỏ tiền ra học cũng tốt, vì họ có xót tiền của mình thì mới cố gắng. Giờ nhà nước cứ “bao” hết, người học xài tiền “chùa”, thì chất lượng đâu ra?”, ông Nhĩ khẳng định.
Bên cạnh đó, thay vì chỉ đầu tư cho đầu vào tiến sĩ, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần tập trung nguồn lực để đãi ngộ những tiến sĩ có thực lực, giúp họ nâng cao chất lượng.
"12.000 tỉ đồng là con số không hề nhỏ trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay", ông Nhĩ chia sẻ. Ảnh Ngô Chuyên.
"Đừng để xã hội nghi ngờ rằng, có yếu tố lợi ích nhóm trong đề án này, khi công bố mà không đưa ra những cách làm khả thi, những nghiên cứu thận trọng, bởi tôi nhắc lại, 12.000 tỉ đồng là con số không hề nhỏ trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay" - ông nói.
Trước đó, theo như dự thảo, đề án được xây dựng bám sát thực tiễn và gắn với trách nhiệm của các bên liên quan. Mục tiêu chung của đề án là đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn 2030, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước.
Cụ thể, trong đề án có nêu rõ sẽ đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: Đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ năm 2017 đến 2025, mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.
Đào tạo khoảng 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Từ năm 2017 đến năm 2025, mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người.
Đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường đại học đã được kiểm định ở Việt Nam; Thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam.
Cũng theo dự thảo, tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng đào tạo tiến sĩ. Cơ cấu nguồn kinh phí bao gồm: Ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%; từ các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa là 5%; các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học chiếm 1%.
Để đề án đào tạo thêm 9000 tiến sĩ đúng thực chất, không chạy theo số lượng, không chạy theo hư danh, cần phải có sự kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ chất lượng đầu ra, không khoan nhượng với luận án chất lượng thấp. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao chuẩn đầu ra tiến sỹ từng bước tiếp cận với trình độ và chuẩn mực như ở các nước phát triển. Thêm nữa, chúng ta cần phải có chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài cho tương xứng, không cào bằng.