Các cơ quan tố tụng cần có giải pháp hạn chế oan, sai

Mai Thoa| 19/03/2015 21:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong hai ngày 19 và 20/3, Đoàn giám sát UBTVQH đã tiến hành họp giám sát tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường cho người bị oan theo quy định của pháp luật.

Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp; lãnh đạo TANDTC, Viện KSNDTC cùng đại diện một số cơ quan liên quan.

Vẫn còn tình trạng oan, sai

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 1/10/2011-30/9/2014, CQĐT Công an nhân dân đã khởi tố điều tra 219.506 vụ; số bị bắt, tạm giữ hình sự là 222.224 đối tượng. Báo cáo cũng thể hiện trong thời gian trên có 226 đối tượng chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam. Nguyên nhân chủ yếu do chết vì bệnh lý, do đối tượng tạm giữ, tạm giam tự sát. Về tình hình bức cung, dùng nhục hình, CQĐT các cấp đã tiếp nhận và giải quyết 46 đơn tố cáo điều tra viên và cán bộ điều tra có hành vi bức cung, dùng nhục hình.

 CQĐT đã giải quyết 40 đơn cho thấy có 37 đơn tố cáo sai, 3 đơn tố cáo đúng, còn 6 đơn hiện đang giải quyết. Cục điều tra VKSNDTC đã khởi tố 26 vụ/40 bị can nguyên là cán bộ Công an làm việc tại CQĐT các cấp về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 12 vụ/26 bị can bị khởi tố điều tra về tội dùng nhục hình; không có trường hợp nào bị khởi tố về tội bức cung.

Lực lượng CAND cũng đã tiếp nhận 15 trường hợp có yêu cầu bồi thường theo luật trong tố tụng hình sự. Qua đó đã giải quyết 5 trường hợp (Công an các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang); 8 trường hợp đang giải quyết và 2 trường hợp không thuộc diện bồi thường.

Đại diện VKSNDTC cũng cho biết, trong khoảng thời gian trên, thực hành quyền công tố và kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, VKS các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm sát chặt chẽ về trình tự, thủ tục, căn cứ và thận trọng trong việc phê chuẩn lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam  của các cơ quan chức năng. Qua kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, VKS không phê chuẩn 313 trường hợp bắt khẩn cấp; hủy quyết định tạm giữ và không phê chuẩn gia hạn tạm giữ đối với 758 người; không phê chuẩn lệnh tạm giam 576 bị can; hủy quyết định tạm giữ và yêu cầu trả tự do 385 người tạm giữ không có căn cứ, trái pháp luật; đã hủy bỏ 4/923 lệnh tạm giam do không cần thiết tiếp tục giam.

Các cơ quan tố tụng cần có giải pháp hạn chế oan, sai

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn phát biểu tại cuộc họp

Về tình hình oan sai, đại diện VKSNDTC cho biết, những năm qua tình hình oan sai đã được hạn chế nhiều nhưng vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Hàng năm vẫn còn để xảy ra hàng trăm trường hợp bắt, tạm giữ về hình sự sau đó xử lý hành chính hoặc trả tự do. Trung bình hàng năm VKS phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung khoảng 900 vụ và Tòa án trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung 2.200 hồ sơ do thiếu chứng cứ và một số trường hợp có vi phạm tố tụng.

Đáng lưu ý, thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ án có dấu hiệu oan sai, nghiêm trọng, đã xác định rõ bị oan như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang; vụ bắt tạm giam 7 người để điều tra về tội giết người xảy ra tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng; CQĐT đã xác định vi phạm pháp luật của Kiểm sát viên và đã khởi tố bị can để điều tra...

Cần có những giải pháp hiệu quả

Báo cáo về việc thực hiện kế hoạch giám sát tình hình oan sai trong tố tụng hình sự và các giải pháp trong thời gian tới, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, trong 3 năm (2012 – 2014), các Tòa án đã thụ lý 205.758 vụ/374.226 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm; đã giải quyết 204.535 vụ/371.152 bị cáo.

Qua rà soát cho thấy trong số 102 trường hợp nói trên, chỉ có 35 trường hợp kêu oan, đã giải quyết xem xét 22 trường hợp. Kết quả giải quyết cho thấy, về cơ bản việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật. Tuy nhiên, cũng đã  kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm 3 trường  hợp để điều tra theo thủ tục chung. Các trường  hợp còn lại đang xem xét giải quyết.

Từ thực tiễn xem xét, giải quyết bồi thường do việc kết án oan người không có tội xảy ra từ các năm trước đây cho thấy, việc xét xử các vụ án hình sự chủ yếu được thực hiện theo mô hình xét hỏi, dẫn tới Hội đồng xét xử bị phụ thuộc phần lớn vào các tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập. Một số trường hợp, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kỹ, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, trong khi đó việc tranh tụng chưa thật sự được quan tâm, chưa phát huy hết được vai trò của những người tham gia tố tụng, dẫn đến sai sót trong việc giải quyết vụ án.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cũng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, tránh xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, các giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là, cần thể chế hóa quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án về “ Tòa án thực hiện quyền tư pháp”, “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” và quyền của người bị buộc tội được suy đoán vô tội trong Bộ luật tố tụng hình sự; Tăng cường vai trò và trách nhiệm của luật sư trong quá trình giải quyết vụ án ngay từ khi khởi tố vụ án, đồng thời sửa đổi quy định về giới hạn xét xử của Tòa án không phụ thuộc vào quyết định truy tố của Viện kiểm sát; Tập trung đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; Chú trọng làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử, trên cơ sở đó tích cực tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là việc hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự, đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng;...

Các đại biểu cũng đề nghị, Bộ Công an có giải pháp để khắc phục tình trạng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. BLTTHS hiện nay cũng quy định rất chặt chẽ về điều kiện tạm giam, tuy nhiên, điều kiện thực tế tạm giam như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu hay chưa là vấn đề cấn làm rõ? Bên cạnh đó, nếu lạm dụng tạm giam dễ dẫn đến oan sai, vì vậy các cơ quan tư pháp cần xem việc áp dụng chế độ tạm giam đã đúng các quy định của BLTTHS hay chưa để có giải pháp phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các cơ quan tố tụng cần có giải pháp hạn chế oan, sai