Nội dung trên được ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) phản ánh khi thảo luận các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại hội trường, sáng nay (14/11).
Sáng ngày 14/11, tiếp tục chương trình làm việc, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe và thảo luận về các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến phức tạp và gay gắt
Trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước so với năm 2017.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018
Cụ thể, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng 4,7% nhưng số lượt đoàn đông người không tăng so với năm 2017.
Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.
Đáng chú ý, một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.
Về nguyên nhân Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, đó là do công tác quản lý nhà nước và việc thực thi pháp luật của cán bộ, công chức có thiếu sót, vi phạm. Trong lĩnh vực đất đai, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng trình tự, thủ tục, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thực hiện.
Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ý thức chấp hành pháp luật và hiểu biết pháp luật của một bộ phận người khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, nhiều trường hợp có những yêu cầu vượt quá quy định của pháp luật, có vụ việc mặc dù đã được giải quyết có lý, có tình nhưng người khiếu nại vẫn cố tình khiếu kiện kéo dài…
Về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 27.580 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,7%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỷ đồng, 97,2 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.800 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 462 người, chuyển cơ quan điều tra 9 vụ...
Tuy nhiên, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế như việc tiếp dân định kỳ tại một số nơi còn chưa đảm bảo đúng quy định của Luật Tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tại một số địa phương còn chậm, chưa đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn.
Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp. Ngoài ra, tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Một số địa phương chưa quyết liệt trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Coi đối thoại như nguyên tắc của giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo tại cơ sở, một số nơi chính quyền chưa quan tâm đúng mức đặc biệt là cấp huyện cấp xã, chưa làm đúng trách nhiệm, Những nơi này chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa xem xét giải quyết vấn đề từ gốc và có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Phân tích trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay, nhiều chính sách có phần “đụng chạm” như thu hồi đất, tác động đến lợi ích và sinh kế của người dân, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ làm phát sinh nhiều khiếu kiện, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, việc Chính phủ nhận định khiếu nại, tố cáo thời gian tới vẫn còn phức tạp là dự báo đúng.
Đại biểu Tô Văn Tám, (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum)
Cho rằng công tác đối thoại là giải pháp quan trọng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum lý giải, người dân thường thiếu thông tin nên đôi khi có nhận thức sai lệch. Đối thoại sẽ mang lại thông tin đầy đủ, chính xác, qua đó các bên hiểu thái độ, thiện chí để đồng thuận, có giải pháp.
“Đối thoại phải được coi như nguyên tắc của giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc đối thoại phải được thực hiện nghiêm túc, cầu thị chứ không theo kiểu chiếu lệ, làm cho xong chuyện”, đại biểu Tô Văn Tám nói và đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp lý cho sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong trợ giúp pháp lý cho người dân.
Phản ánh tình trạng tiếp dân còn hình thức, chưa thực chất, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cũng dẫn chứng, có địa phương, Chủ tịch tỉnh dành 9 phút để tiếp công dân khiến người dân vô cùng thất vọng.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh, đoàn Bình Định phản ánh, ở nhiều nơi, người dân bức xúc đôi khi không phải do vụ việc của mình chưa được giải quyết thấu đáo mà do thái độ của cán bộ tiếp dân không đúng mực.
Từ những thực tế đó, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho rằng, thời gian tới cần tăng cường tiếp công dân, đối thoại với công dân. Tăng cường cơ chế phối hợp của các cơ quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó, cần có phần mềm để xử lý liên thông việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân từ Trung ương và địa phương để tránh việc giải quyết chồng chéo, chuyển đơn lòng vòng.
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày cho thấy, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành, địa phương có sự chuyển biến tốt hơn so với một số năm trước. Chính phủ và nhiều địa phương đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng thể chế, ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tính công khai minh bạch trong các hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được nâng cao, các thông báo, kết luận tiếp công dân và kết quả giải quyết đã được nhiều tỉnh, nhiều cấp công bố trên cổng thông tin điện tử. Công tác thanh tra, kiểm tra trong các hoạt động này được tăng cường, một số tỉnh đã nghiêm túc và kiên quyết trong xử lý các vi phạm. Đồng thời, Báo cáo cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn có một số tồn tại, một số đơn do QH chuyển đã giải quyết nhưng việc trả lời, thông báo kết quả đến cơ quan chuyển đơn còn chậm, nên khó theo dõi, giám sát. Nhiều vụ việc có thời gian nghiên cứu kéo dài, khi trả lời thường rất chung chung, không nêu rõ lộ trình giải quyết, nên khó báo tin cho công dân gửi đơn. Một số vụ việc khiếu nại được giải quyết còn chưa đảm bảo thời hạn, trình tự và hình thức giải quyết; công tác thụ lý, xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo của cơ quan chuyên môn còn chậm, chất lượng tham mưu, đề xuất chưa cao, nhiều trường hợp áp dụng quy định pháp luật trong giải quyết còn thiếu chính xác dẫn đến vụ việc khó được giải quyết dứt điểm. Việc đối thoại của người có thẩm quyền tại một số nơi còn hình thức, chưa được coi trọng đúng mức, việc ủy quyền đối thoại trong một số trường hợp gây bức xúc cho người khiếu nại nên khó tạo được sự đồng thuận. Cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu về giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều nơi còn hạn chế về nghiệp vụ, năng lực chuyên môn; tỷ lệ cán bộ có bằng chuyên ngành luật còn thấp... |