Mỹ lo ngại bị "ra rìa" khi Ả Rập Xê Út “ngã vào lòng” Nga

Hà Kim| 09/10/2017 17:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ả Rập Xê Út trước đây vốn chỉ chú trọng quan hệ với Mỹ, thì nay ngày càng thân thiết với Nga. Hậu quả của mối quan hệ này có thể sẽ khiến lợi ích của Mỹ bị tổn thất nhiều hơn, đồng thời mục tiêu chính trị của Mỹ khó đạt được.

Ngày 5/10, Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz Al Saud chính thức thực hiện chuyến thăm đến Nga. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh đối tác quan trọng khác của Mỹ ở Trung Đông là Thổ Nhĩ Kỳ cũng thực hiện chuyến thăm cấp cao đến Iran.

Truyền thông Nga đưa tin, đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của quốc vương Ả Rập Xê Út trong lịch sử quan hệ giữa hai quốc gia. Các bên có kế hoạch thảo luận nhiều vấn đề quốc tế cũng như ký một số văn bản. Hai nước có thể sẽ cùng ký hợp đồng vũ khí với trị giá 3 tỷ USD. Trong đó có việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Triumph S-400 cho Riyadh.

Theo người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, việc ký kết hợp đồng không được lên kế hoạch cho các cuộc đàm phán sắp tới, nhưng sau cuộc họp, cuộc thảo luận về việc ký kết các hiệp định có thể bắt đầu vào cuối tháng 10. Cũng theo ông Dmitry Peskov, mặc dù tiềm năng hợp tác song phương vẫn chưa được mở rộng nhưng các bên đang thể hiện ý chí chính trị để phát triển điều đó.

Ông cũng không loại trừ khả năng, chủ đề hợp tác kỹ thuật quân sự sẽ nằm trong chương trình nghị sự trong cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo, bên cạnh những vấn đề khác.

Được biết, chuyến thăm Moscow lần này của Quốc vương Abdullah là để đáp lại lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi năm 2007. Trước đó chuyến thăm này vốn đã nhiều lần bị trì hoãn.

Mỹ lo ngại bị

Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz Al Saud chính thức thực hiện chuyến thăm đến Nga

Bày tỏ ý kiến về lý do tại sao cuộc gặp gỡ lại được diễn ra đúng thời điểm này, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị Xã hội học Vyacheslav Smirnov cho biết, Chế độ quân chủ Ả Rập hiện nay rất tích cực phát triển quan hệ quốc tế. Trước đây họ tập trung chủ yếu vào khu vực và Hoa Kỳ. Nhưng hiện giờ, do thực tế Hoa Kỳ ngày càng làm việc chặt chẽ hơn với Israel, nên Ả Rập Xê Út đang mở rộng quan hệ đối ngoại của mình.

Một yếu tố nữa khiến Nga và Ả rập Xê Út xích lại gần nhau hơn là chiến dịch quân sự rất thành công của lực lượng không quân Nga ở Syria. Chiến thắng của quân đội Nga rõ ràng đã nâng cao uy tín của Moscow trong khu vực, bao gồm cả ở Ả Rập Xê Út.

Tuy nhiên, chiến tranh ở Syria đến nay vẫn là nguồn gốc chính cho sự xung đột giữa Moscow và Riyadh. Nhưng không thể phủ nhận rằng, việc tăng cường quan hệ với Nga có ý nghĩa to lớn đối với Ả Rập Xê Út trong bối cảnh cả chế độ quân chủ Saudi Arabia và người dân đều không hài lòng với chính sách Trung Đông của Mỹ.

Giờ đây, giới lãnh đạo Nga đang cố gắng tận dụng thời điểm thuận lợi này để làm dịu đi quan điểm của Ả Rập Xê Út về vấn đề Syria, chấm dứt việc hỗ trợ cho các nhóm Hồi giáo từ phía các tổ chức phi lợi nhuận tư nhân và một số khách hàng quen của các quốc gia vùng Vịnh.

Về phía Mỹ, trong cuộc họp báo thường kỳ được tổ chức ngày 4/10 tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã đưa ra các câu trả lời liên quan đến việc hai đối tác quan trọng nhất của Mỹ tại Trung Đông là Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt thực hiện chuyến thăm cấp cao đến Nga và Iran.

Khi được hỏi là liệu Mỹ có lo ngại về các chuyến thăm này hay không vì có vẻ như Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ đang xa cách dần với Mỹ và có thể hình thành các liên minh mới, thì bà Haether Nauert trả lời đầy mỉa mai và nhấn mạnh rằng đó đơn thuần chỉ là các hoạt động ngoại giao của các nước này.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhận định rằng sự liên kết giữa Moscow với Ả Rập Xê Út và các hợp đồng sắp được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud đến Nga có thể thay đổi không chỉ bối cảnh hiện nay trên thị trường dầu mỏ mà còn có những tác động không nhỏ đến bối cảnh địa chính trị quốc tế.

Hãng thông tấn Bloomberg cũng cho rằng, Tổng thống Nga Putin đã thành công trong việc “lấp đầy khoảng trống” ở Trung Đông và gần như đã trở thành “ông chủ mới” ở khu vực này.

Vì thời gian gần đây lãnh đạo các quốc gia Trung Đông liên tục thực hiện các chuyến thăm cấp cao đến Nga. Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lỗi của Mỹ.

Mặc dù Mỹ vẫn có vị thế vượt trội ở khu vực Trung Đông nhưng sự trung thành của họ với các liên minh truyền thống đang suy yếu, vì thế nên các quốc gia trong khu vực đang tự tìm cách bảo vệ mình và tìm kiếm các phương án dự phòng khác. Và chuyến thăm lần này đến Nga của Quốc vương Ả rập xê út Salman bin Abdulaziz Al Saud cũng nhằm mục đích này.

Còn theo tạp chí Newsweek, các hợp đồng sắp được ký trong chuyến thăm Nga của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud sẽ khiến Mỹ bị “ra rìa”. Tại Trung Đông, Nga đang sử dụng kinh tế như là phương tiện để củng cố các mối quan hệ chính trị và là biện pháp để bổ sung cho ngân quỹ đang suy giảm của mình, đồng thời nhận được các lợi ích mới từ việc vị thế của Mỹ đang suy yếu.

Sự tích cực của Nga có thể giúp Ả Rập Xê Út tạo thêm được nhiều việc làm mới, còn các hợp đồng cung cấp vũ khí của Nga cũng sẽ bao gồm các điều kiện để Ả Rập Xê Út tạo ra một nền công nghiệp quốc phòng mới.

Về phần mình, Nga vừa có thêm tiền, vừa củng cố được quan hệ gần gũi hơn với giới lãnh đạo Ả rập xê út nhưng không làm quan hệ với đối thủ chính của Ả Rập Xê Út là Iran bị ảnh hưởng.

Newsweek kết luận rằng, các hợp đồng giữa Nga và Ả Rập Xê Út sẽ phá vỡ các lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt với Nga. Sự xích lại gần nhau giữa Nga và Ả Rập Xê Út, một trong các đối tác then chốt của Mỹ tại khu vực, là một trong nhiều nỗ lực của Nga để đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ lo ngại bị "ra rìa" khi Ả Rập Xê Út “ngã vào lòng” Nga