Vụ tai nạn giao thông tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình: Vì sao kéo dài tới 7 năm?

Tống Toàn| 31/07/2018 08:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ án liên quan đến TNGT xảy ra tại huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã kéo dài tới 7 năm nhưng chưa có hồi kết. Tang vật là xe ô tô đang trong giai đoạn điều tra và chưa thành lập Hội đồng định giá nhưng Cơ quan CSĐT trả cho chủ xe tự mang đi định giá.

Nhiều lần Tòa trả hồ sơ

Theo Kết luận mới nhất của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Lạc, vào khoảng 9g40 phút ngày 27/5/2012, ông Trương Trọng Đản, trú tại  Đan Phượng, Hà Nội điều khiển xe ô tô BKS: 30Y – 6814 đi từ TT Mộc Châu, Sơn La về Hà Nội. Đến km 118+500, quốc lộ 6A thuộc xã Phú Cường, Tân Lạc, ông Đản nhìn thấy phía trước cách 100m có xe ô tô 29A- 116.92 do anh Trần Mai Lê, trú tại đường Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy, Hà Nội điều khiển. Ngoài anh Lê, trên xe còn vợ, hai con anh Lê và hai người khác.

Ông Đản đã không giảm tốc độ, xử lý đánh lái sang trái theo hướng đi, đồng thời đạp phanh đột ngột dẫn đến xe ô tô của ông bị trượt lết, lấn sang phần đường xe chạy ngược chiều dẫn đến văng va vào phần đầu bên phải của xe ô tô 29A-116.92, đẩy đầu xe bên trái 29A-116.92 va vào tường.

Hậu quả, cháu Trần Khoa Lê Anh bị thương, hai xe ô tô bị hư hỏng. Trong các ngày 22/7/2012 và 2/1/2013, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Tân Lạc đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và Quyết định khởi tố bị can đối với Trương Trọng Đản.

Lần này, Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố bị can Trương Trọng Đản về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điểm đ khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999. Cơ quan CSĐT cho rằng hành vi của Trương Trọng Đản đã vi phạm vào khoản 3, 4 điều 5 thông tư số 13/2009/TT-BGTVT (nay là Thông tư 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015); vi phạm khoản 1 điều 12; điểm b khoản 2 điều 17, Luật Giao thông đường bộ gây thiệt hại về tài sản xe ô tô 29A- 116.92 với giá trị thiệt hại thực tế tại thời điểm tai nạn là 1.024.476.000 đồng.

Tuy nhiên, do có nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên từ đó đến nay, ít nhất hai lần Hội đồng xét xử của TAND huyện Tân Lạc ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Lần gần đây nhất, TAND đề nghị cơ sở xác định giá trị thiệt hại của xe ô tô BKS 29A-116.92.

Vụ tai nạn giao thông tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình: Vì sao kéo dài tới 7 năm?

Khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông

Giao xe trước khi  định giá

Cho đến nay, nhiều tình tiết vẫn chưa được các cơ quan tố tụng của huyện Tân Lạc làm rõ và đương nhiên không được đề cập đầy đủ. Kết luận điều tra và Cáo trạng đều cho rằng xe của bị cáo Đản đâm vào xe do anh Lê điều khiển mà không làm rõ việc bị cáo khẳng định xe của anh Lê đâm vào xe mình. Thậm chí đến nay, tốc độ xe do anh Lê điều khiển vẫn chưa được làm rõ.

Bị cáo Đản cho rằng bản thân đã đánh lái sang làn đường bên kia là do phải tránh hai người dân tộc điều khiển xe máy cùng chiều, sau đó vượt phải đánh lái cắt mặt xe ô tô. Nếu không đánh lái kịp thời, nếu đi với vận tốc cao chắc chắn sẽ khó xử lý được tình huống trên. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được các cơ quan tố tụng làm rõ.

 Theo Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA (C11) ngày 05/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an thì: “Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định).” (điểm a Khoản 1 Điều 10). Theo Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTC-BCA ngày 24-10-1998 hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự thì trước khi giao tài sản là vật chứng cho chủ sở hữu …sử dụng thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án phải thành lập Hội đồng định giá tài sản gồm đại diện của cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án, cơ quan tài chính cùng cấp và các chuyên gia.

Trên thực tế, Cơ quan CSĐT đã đi ngược lại những quy định này. Theo ông Đản cung cấp, tại Biên bản khám phương tiện ngày 29/5/2012 thể hiện xe ô tô BKS 29A-116.92 hỏng khoảng 18 chi tiết. Ngày 11/7/2012, CQCSĐT có quyết định trưng cầu định giá tài sản để xác định thiệt hại đối với xe BKS 29A-116.92 và đến ngày 24/8/2012 mới có Biên bản kiểm tra thực trạng xe. Ngày 04 và 28/9/2012 Hội đồng định giá tài sản mới tổ chức kiểm tra hiện trạng thực tế của tại Công ty Ngôi sao Việt Nam- quận Long Biên, Hà Nội. Nhưng trước đó, ngày 11/6/2012, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Lạc đã trả phương tiện (xe BKS 29A-116.92) cho ông Trần Đình Cẩn (chủ đứng tên chính thức). Ngay sau đó, anh Trần Mai Lê đã tự đưa xe này đi để sửa chữa, kiểm tra và có báo giá của Công ty ô tô Ngôi sao Việt Nam ngày 12/6/2012.

Theo Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc CQCSĐT trả lại tài sản cho chủ sở hữu  trước khi định giá tài sản là không đúng quy định, vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Hậu quả là việc phát sinh thêm 111 chi tiết so với 18 chi tiết được khám nghiệm ban đầu sẽ không có căn cứ để xem xét. Như vậy, căn cứ nào để chứng minh xe hỏng tới trên 100 chi tiết mà không có sự chứng kiến của Hội đồng định giá tài sản cũng như ông Đản? Việc Công ty ô tô Ngôi sao Việt Nam báo giá là 1.749.206.690 đồng không phải là cơ sở chính để đưa ra căn cứ về thiệt hại, bởi rất có thể trong số rất nhiều hạng mục được đưa ra sẽ không liên quan đến vụ tai nạn. Mặt khác, báo giá cũng chỉ mang tính chất tham khảo chứ không phải là căn cứ bắt buộc chủ xe hoặc bên nào đó phải tuân theo.

Dù có “lỗ hổng” trong việc định giá nhưng cuối cùng, Cơ quan CSĐT vẫn lấy con số thiệt hại 1.024.476.000 đồng để buộc bị cáo Đản vào điểm đ khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999. Đáng lưu ý, đến nay tang vật là hai chiếc ô tô không còn nữa vì đã bị chủ xe đem bán.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ tai nạn giao thông tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình: Vì sao kéo dài tới 7 năm?