Chứng kiến hình ảnh những con vật nuôi vốn thân thiết với con người như những người bạn bị hành hạ dã man nhiều người cảm thấy kinh hãi, bị ám ảnh và không hiểu vì sao con người lại cho mình cái quyền đối xử tàn nhẫn với động vật như thế?.
Thời gian gần đây trên internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội lan truyền rất nhiều hình ảnh, video ghi lại cảnh các vật con vật nuôi như chó, mèo, lợn, trâu, bò… bị hành hạ một cách tàn nhẫn bằng nhiều cách khác nhau: Bị trói chân kéo lê trên đường, bị treo cổ cho đến chết, bị con người dùng giày xéo hoặc cho xe chèn qua gây thương tích hoặc giết chết…
Chứng kiến những hình ảnh hành hạ động vật như thế, hầu hết mọi người đều tỏ thái độ bất bình, phê phán những người có liên quan bằng những lời lẽ rất nặng nề, thậm chí là thô tục. Nhiều người bị ám ảnh, rơi nước mắt xót thương cho con vật vô tội.
Qua tìm hiểu, người viết bài nhận thấy, ở nhiều nước trên thế giới, đã từ rất lâu, hành vi đối xử tàn nhẫn với động vật như vậy đã bị coi là phạm pháp. Bên cạnh việc ban hành đạo luật bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, nhiều quốc gia còn xây dựng một hệ thống pháp luật để điều chỉnh việc chăn nuôi, chăm sóc, giết mổ… gia súc, gia cầm và vật nuôi khác. Ví dụ ở Mỹ, Luật chăm sóc động vật (Animal Welfare Act) đã được ban hành và thực thi từ những năm 60 của thế kỷ 20 hay ở Anh quốc có Luật chọi gà 1952…
Hầu hết các đạo luật này ngoài việc đưa ra những quy định liên quan đến chế độ chăn nuôi, chăm sóc, giết mổ động vật thì nó còn có các điều khoản quy định ngăn cấm con người có hành vi đối xử tàn nhẫn với vật nuôi như cấm hành hạ, bỏ đói, đấu chọi động vật để tiêu khiển, giết, mổ con vật hay mang con vật ra làm vật thí nghiệm theo cách có thể làm cho chúng bị đau đớn… và chế tài áp dụng đối với người vi phạm.
Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên (ảnh Internet)
Còn ở Việt Nam, việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, động vật rừng cũng đã được quan tâm từ lâu. Điều này thể hiện qua việc nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật cấm săn bắt, nuôi, nhốt, giết, vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã, đánh bắt động vật rừng… cũng như chế tài đối với người vi phạm. Có thể kể đến như Luật bảo vệ phát triển rừng 2004, Luật đa dạng sinh học 2008, cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Riêng Bộ luật hình sự đã đưa ra những hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.
Tuy nhiên, nhìn vào các quy định hiện hành ở trong nước, có thể thấy, việc bảo vệ động vật mới dừng lại ở việc quan tâm bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng mà chưa quan tâm nhiều tới các loại động vật nuôi trong nhà.
Mặt khác pháp luật pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định điều chỉnh hay ngăn cấm việc mang vật nuôi ra đánh đập, hành hạ, tra tấn, gây đau đớn cho con vật để mua vui, tiêu khiển. Đây có phải là nguyên nhân dẫn đến nhiều con vật nuôi bị nhiều người hành hạ, đối xử tệ bạc và ngang nhiên chụp hình quay phim quảng bá lên các phương tiện truyền thông.
Nhóm thanh niên hành hạ một con chó đến chết (ảnh Internet)
Thực tế cho thấy, hiện nay ở Việt Nam còn duy trì nhiều lễ hội cổ truyền trong đó còn tồn tại nghi lễ mang các con vật nuôi ra đâm, chém cho đến chết để cúng tế và mua vui cho người tham dự lễ hội (lễ hội chọi trâu, lễ hội đâm trâu, lễ hội chém lợn…).
Nghi lễ kết thúc, con vật dù còn sống hay đã chết sẽ bị xẻ thịt chia cho dân làng. Dưới góc độ văn hóa, tâm linh người viết bài không đủ thời gian cũng như kiến thức để luận bàn, mà có thể cũng không cần bàn luận gì thêm vì trong một chừng mực nào đó, việc duy trì những nét văn hóa cổ truyền là cần thiết và luôn được đề cao.
Nhưng chúng ta cùng ngẫm lại xem, mọi sinh vật đều có sự sống và đều ham sống sợ chết, chúng cũng biết đau, biết buồn. Có những con vật là những người bạn thân thiết của con người, biết buồn khi người chủ của chúng buồn, biết cứu chủ khi chủ của chúng gặp nạn… Vậy tại sao con người lại hành hạ, gây đau đớn, giết mổ chúng theo cách có thể gây đau đớn cho chúng?
Đọc đến đây, nhiều người sẽ nói rằng mục đích của con người khi nuôi các loài động vật hầu hết để mổ thịt ăn duy trì sự sống của mình, chứ có phải ai cũng nuôi để làm cảnh đâu mà phải lo nghĩ nhiều đến việc chúng buồn hay đau đớn khi bị giết mổ?
Vâng, đúng là con người nói riêng và các loài động vật ăn thịt nói chung giết một loài vật khác để ăn thịt là quy luật sinh tồn, không có gì phải bàn cãi. Và việc con người bằng trí thông minh của mình chuyển từ săn bắt sang thuần hóa các loại động vật sống trong tự nhiên, nuôi nhốt chúng để giết thịt khi cần cũng là hợp lý.
Tuy nhiên, việc mang con vật ra để đánh đập, tra tấn, hành hạ, gây đau đớn cho chúng đến khi chúng chết để mua vui thì có nên hay không? Chả có gì đáng nói nếu như ai ai cũng thấy đó là vui, là thích thú. Nhưng rõ ràng, những hành động đó đã gây ra bất bình, thậm chí là kinh hãi đối với nhiều người. Đặc biệt nó sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho giới trẻ, nhất là trẻ em khi vô tình hay hữu ý mà phải chứng kiến.
Đến đây, người viết bài xin tạm dừng bút, nhường lời cho bạn đọc và các Ban, ngành, đoàn thể cùng suy ngẫm và đánh giá. Mong rằng, một ngày nào đó, những con vật xung quanh chúng ta, trên dải đất hình chữ S này sẽ được con người đối xử một cách công bằng hơn, nhân văn hơn.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp.