Bên tình, bên hiếu bên nào nặng hơn?

Vân Anh Nguyễn| 16/07/2015 06:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Họ đã từng yêu nhau bằng một tình yêu chân thành, vậy mà giờ đây họ đang ngồi ở phiên tòa phúc thẩm tỉnh Quảng Ngãi để chờ nghe phán quyết ly hôn từ Tòa án.

Chị Nguyễn Thị V. (ở Mộ Đức, Quảng Ngãi) dáng dong dỏng cao, nhỏ nhắn, xinh xắn, là giáo viên tại một trường tiểu học, chồng chị là anh Trần Bảo N. (cùng quê), có bề ngoài chỉn chu của một cán bộ bảo hiểm, ít nói. Nhìn họ, ai cũng thấy hình ảnh một gia đình cán bộ mẫu mực.

Nhưng, theo đơn ly hôn của chị V, cuộc sống của họ là những cơn sóng ngầm bên trong. Sau hôn nhân, những tháng ngày ngọt ngào khi yêu cũng dần bị khỏa lấp bằng những nỗi lo toan trong đời sống gia đình. 

Lúc mang thai, là một phụ nữ, lại là một giáo viên mang tâm hồn nhạy cảm, chị cần lắm sự quan tâm, thấu hiểu từ chồng. Nhưng anh lại thờ ơ, không hiểu được điều đó. Có lần, chị phải viết thư cho anh để giãi bày nỗi lòng với chồng, nhưng đâu lại vào đấy khiến chị cứ ôm mãi trong lòng những ấm ức mà khiến tình vợ chồng lửa nguội, hương tàn.

Đỉnh điểm, có lần vợ chồng cãi nhau, chị buột miệng nói lời không hay, anh cho rằng vợ hỗn láo nên vung tay tát chị khiến mâu thuẫn càng đẩy lên cao, chị ôm con về nhà sống với mẹ đẻ.

Sau nhiều lần cân nhắc, chị nộp đơn ly hôn lên TAND huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) vì cho rằng có sống chung với nhau mà tinh thần mệt mỏi sẽ không thể nào có hạnh phúc. TAND huyện Mộ Đức chấp thuận yêu cầu ly hôn của chị, nhưng anh N. kháng cáo những mong vợ chồng hàn gắn để cùng nhau nuôi con.

Bên tình, bên hiếu bên nào nặng hơn?

Hình minh họa (Internet)

Đứng trước tòa, thi thoảng anh N lại quay sang nhìn vợ mình trìu mến. Chị V lạnh lùng, dáng vẻ cương quyết khi trả lời những câu hỏi của chủ tọa phiên tòa.

Chủ tọa phiên tòa: Chị hãy nói rõ sự không hiểu nhau giữa chị và chồng?

Chị V: Sống cùng gia đình chồng có nhiều mâu thuẫn. Khi tôi tâm sự thì anh không hiểu mà lại suy diễn theo chiều hướng khác gây nên sự mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng.

Chủ tọa phiên tòa: Giữa chị và mẹ chồng thường xảy ra những mâu thuẫn gì?

Chị V: Thường là trong cách nuôi dạy con tôi, cả hai không cùng quan điểm.

Chủ tọa phiên tòa: Anh N có bảo vệ chị trước mặt mẹ chồng không?

Chị V: Anh N đi làm xa, tối mới về nên vợ chồng không có điều kiện tâm sự. Nói thì chồng không chịu lắng nghe.

Khi chủ tọa phiên tòa bắt đầu hỏi anh N, là một người đứng giữa, có khi nào anh bảo vệ vợ trước mẹ không? Anh chỉ lí nhí: “Vợ còn nhỏ dại, mới lập gia đình không có kinh nghiệm chăm con như mẹ”. 

“Thưa quý tòa, anh nói anh yêu tôi nhưng đó chỉ là tình yêu mù quáng. Khi cưới nhau về, cần phải yêu lí trí. Là người đàn ông, anh phải có lập trường mà bảo vệ vợ mình”, chị V ấm ức gạt những giọt nước mắt.

Chủ tọa phiên tòa ngày hôm nay là một người phụ nữ từng trải. Bà lắng nghe lời trình bày của cả hai rồi ôn tồn nói: “Cuộc hôn nhân nào trong những năm đầu tiên cũng sẽ có những sóng gió của nó. Những mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu là chuyện thường tình. Là một người đứng giữa, anh N cần phải có lập trường của mình. Mẹ, đâu phải lúc nào cũng đúng. Vợ, đâu phải khi nào cũng sai. Anh không thể yêu mù quáng như lời anh nói mà anh phải yêu mở mắt ra. Phải mở mắt để biết phân định đúng, sai. Còn về phần chị V, chị không thể vì tự ái mà ly hôn như thế. Anh N cũng có những khó xử của mình. Chị cũng có con trai, sau này là mẹ chồng, chị cũng phải biết nghĩ cho anh. Chỉ là anh không khéo léo trong việc giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu chứ đâu phải đã ruồng bỏ, lạnh nhạt chị, chăm chăm vào mẹ”.

Có tham dự phiên tòa, nghe những lời đối đáp giữa đương sự và chủ tọa phiên tòa, nghe những lời ruột gan của anh N khi tha thiết níu kéo vợ mình mới thấy hôn nhân là cả nghệ thuật:  “Cả anh và em đều còn trẻ. Nếu mình ly hôn thì đơn giản thôi nhưng sau khi ly hôn, cả hai đều lập gia đình. Còn con mình phải gánh lấy hậu quả chỉ vì sự không hiểu nhau, sự tự ái của cha mẹ hay sao? Anh vẫn còn yêu em, hãy cho anh cơ hội để sửa sai. Chúng mình sẽ ở riêng để tránh cho em những mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu”. Hội trường xử án như lặng đi vì xúc động.

Trong câu chuyện này, anh N là người đứng giữa, là người giải quyết những mối bất hòa giữa mẹ chồng-nàng dâu nên cũng là người khó xử. Một bên tình, một bên hiếu nếu không có một giải pháp đúng đắn, hợp lý thì tất sẽ xảy ra sứt mẻ. Hôn nhân mà không có sự chia sẻ, cảm thông cho nhau thì tất cũng đổ vỡ. Thế nên đòi hỏi anh N phải là người thông thái, hiểu rõ cái đúng, cái sai thì mới dung hòa được hai mối quan hệ vốn phức tạp trong gia đình. Yêu nhau thì dễ, duy trì được hạnh phúc mới khó. Vấn đề này không riêng của chồng hay của vợ mà tất cả thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm bảo vệ hạnh phúc của chính mình.

Sau một hồi thảo luận, Hội đồng xét xử chấp nhận đơn kháng cáo của anh N., phán quyết được tất cả mọi người tán thành, ủng hộ. Thế nhưng, thiết nghĩ nếu họ vẫn không biết trân trọng, không biết chia sẻ, cảm thông cho nhau thì hạnh phúc ấy cũng mong manh lắm lắm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bên tình, bên hiếu bên nào nặng hơn?