Sáng nay (16/1), phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án chạy thận gây chết người xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã bước sang ngày làm việc thứ ba, HĐXX tiếp tục tiến hành xét hỏi với các bị cáo.
Theo đó, HĐXX đã tiến hành xét hỏi bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty Trâm Anh, người trực tiếp sửa chữa hệ thống RO tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Bùi Mạnh Quốc khẳng định bị cáo không đổ lỗi cho ai, bị cáo nhận thức được lỗi của bị cáo, đó là đã không ngăn cản kịp thời việc đơn nguyên Thận nhân tạo (BVĐK Hòa Bình) đưa hệ thống vào sử dụng hệ thống RO 2 vào sáng 29/5/2017 khi chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm.
Bị cáo Trần Văn Sơn được dẫn giải tới tòa
Trước đó 1 ngày, Bùi Mạnh Quốc trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO tại đơn nguyên Thận nhân tạo theo yêu cầu của ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn.
Bị cáo Quốc khai không biết đến nội dung Hợp đồng số 315 - Hợp đồng được ký giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn về nội dung sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO 2, toàn bộ nội dung yêu cầu công việc được nhân viên Công ty Thiên Sơn trao đổi qua điện thoại cho Quốc trước đó khoảng 1 hoặc 2 ngày.
Đáng chú ý, Quốc khẳng định từng khuyến cáo ông Đỗ Anh Tuấn về việc bắt buộc phải xét nghiệm nước mới được đưa vào sử dụng. Bị cáo Quốc cho biết: “Bị cáo ý thức được việc đó vì trước đây làm việc cho Công ty Minh Hoàng, bị cáo từng hai lần phải đi xét nghiệm lại khi chất lượng nguồn nước không đảm bảo”.
Ngay sau đó, VKS tiến hành xét hỏi bị cáo Đỗ Anh Tuấn, trả lời các câu hỏi của VKS, bị cáo này khẳng định những gì thuộc về nội dung hợp đồng đều bắt buộc phải thực hiện. Trong Hợp đồng 315 cũng có nội dung phải xét nghiệm AAMI đối với chất lượng nước.
Bị cáo Quốc khai tiếp, những lần trước bị cáo còn dùng trực tiếp hóa chất để chạy tuần hoàn 4 màng lọc bằng 4 bơm cao áp, còn lần này bị cáo chỉ tẩy rửa màng lọc. Trong đó, có 4 màng lọc, bị cáo thay 2 màng và vệ sinh 2 màng. Bị cáo Quốc nói: “Khi đó bị cáo không bơm nước vào tank RO số 2 với lý do chờ lấy nước đi xét nghiệm”.
Sau khi sửa xong, thiết bị đo độ dẫn nguồn nước ở đồng hồ báo chỉ số an toàn. Ngoài ra, bị cáo có thiết bị test, ngày xảy ra sự cố có người của bên hãng máy lên test nhưng không phát hiện bất thường.
Trong ngày 28/5/2017, quá trình sửa chữa bị cáo không liên hệ gì với Thiên Sơn, vì chưa thực hiện xong (chưa xét nghiệm) nên không báo cáo. Lúc làm xong, bị cáo chỉ báo lại cho Trần Văn Sơn - nhân viên Phòng Vật tư - Thiết bị y tế (BVĐK tỉnh Hòa Bình) - cho người xuống khóa cửa và có báo lại với Sơn rằng ngày hôm sau sẽ xuống lấy nước.
Sáng 29/5/2017, Quốc quay lại bệnh viện để tham gia lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng đã thấy đơn nguyên Thận nhân tạo cho vận hành hệ thống RO 2 để lọc máu cho bệnh nhân.
Bị cáo Hoàng Công Lương
Trả lời đại diện VKS, Bùi Mạnh Quốc cho biết sau khi sự cố xảy ra, bị cáo không tẩy rửa lại hệ thống đường ống RO mà chỉ tiệt trùng lại theo yêu cầu của Đỗ Anh Tuấn. Bị cáo cũng không biết đến việc Trần Văn Sơn và điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hằng thu mẫu nước đi xét nghiệm. Bị cáo Quốc nói: “Sau khi được yêu cầu nộp lại vật tư, bị cáo đưa 2 can đựng hóa chất cho anh Sơn. Tất cả những can hóa chất bị cáo đều tự tay đánh dấu, nhìn vào mắt thường là bị cáo nhận ra. Nguồn gốc hóa chất tẩy rửa, chất tiệt trùng, bị cáo đã đưa cơ quan điều tra đi xác minh tại địa điểm mua”.
Trước đó, khoảng tháng 2/2017, bị cáo mang hai can hóa chất lên tẩy cặn cả hai hệ thống RO 1 và RO 2. Quốc khẳng định cùng một lúc không làm được việc tẩy rửa cả hai hệ thống vì chỉ có 1 bơm, 1 hệ thống riêng chuyên tiệt trùng tẩy rửa màng RO.
Khi được hỏi về chữ ký xác nhận trong biên bản, bị cáo Sơn cho biết đó là chữ ký trong bản tường trình những công việc ngày hôm trước bị cáo làm, do Sơn yêu cầu bị cáo làm bản tường trình này khi xảy ra sự cố.
Cũng trong phần xét hỏi, bị cáo Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì bỏ bê công việc khi là người được giao kiểm tra, giám sát việc thay thế, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Nhưng trong quá trình làm nhiệm vụ, Sơn không trực tiếp có mặt, không theo dõi, giám sát theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trả lời VKS, bị cáo Trần Văn Sơn khai chưa bao giờ được giao nhiệm vụ giám sát người sửa chữa mà chỉ cùng bị cáo Bùi Mạnh Quốc đối chiếu danh mục hàng hóa.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử
Trước lời khai của bị cáo Hoàng Công Lương chiều ngày 15/1 về việc chất lượng nước trong lọc máu thuộc trách nhiệm của kỹ sư Phòng Vật tư và bên sửa chữa bảo dưỡng, bị cáo Sơn thấy bất ngờ với lời khai này bởi theo bị cáo Sơn, bị cáo không có chuyên môn và lần đầu tiên bị cáo được nghe về việc này.
Để làm rõ hơn vai trò trách nhiệm của bị cáo Lương, VKS đề nghị tiến hành xét hỏi với bị cáo này. Tuy nhiên, Lương cho biết đã có đơn gửi HĐXX với nội dung ngày hôm nay không đảm bảo sức khỏe để trả lời những câu hỏi của HĐXX, VKS và các luật sư.
Hoàng Công Lương cũng cho biết những lời khai liên quan đến mình, bị cáo đã khai rõ tại phiên xét hỏi ngày (15/1) và trong phiên sơ thẩm lần 1. Vì vậy, bị cáo chỉ trả lời những câu hỏi thuộc lĩnh vực chuyên môn khám chữa bệnh, những nội dung khác, bị cáo xin được giữ im lặng.
Theo đó, đại diện VKS phân tích, bị cáo giữ im lặng là quyền của bị cáo. Lời khai nhận của bị cáo không phải là căn cứ duy nhất để VKS buộc tội và đề nghị hướng xử lý đối với bị cáo. VKS sẽ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ được thẩm định, đánh giá công khai tại phiên tòa để có đề nghị và đường lối xử lý đối với bị cáo. Do vậy, VKS không xét hỏi đối với bị cáo Hoàng Công Lương.
Với người liên quan, VKS tiến hành xét hỏi điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng (điều dưỡng tại BVĐK tỉnh Hòa Bình). Theo đó, bà Hằng khai có nghe thấy Giám đốc bệnh viện và Trưởng khoa phân công bác sỹ Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo.
Công việc hằng ngày, ngoài công tác điều trị, khi lãnh đạo đi vắng, bác sỹ Lương là người chủ trì giao ban. Theo bà Hằng, trong những trường hợp khó, bác sỹ Linh và bác sỹ Huyền có hỏi bác sỹ Lương; và vai trò của bác sỹ Linh, bác sỹ Huyền và bác sỹ Lương là khác nhau.