Quỹ khen thưởng trong công ty cổ phần: Ai có quyền sử dụng để khen thưởng?

Trần Đức| 22/09/2014 15:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ án tham ô, cố ý làm trái… ở Công ty VIFON đã được xét xử phúc thẩm, nhưng các cơ quan chức năng và báo chí tiếp tục nhận được đơn kêu oan của ông Nguyễn Bi, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VIFON, bị án trong vụ này.

Cốt lõi của vụ án đặt ra câu hỏi: Quỹ phúc lợi, khen thưởng trong công ty cổ phần thuộc thẩm quyền xử lý của ai?

Hành vi ký khen thưởng số tiền 80.000USD

Theo đơn trình bày của ông Bi và tài liệu kèm theo thì vào  ngày 27/8/2003,  Nguyễn Thanh Huyền là kế toán trưởng Công ty Vifon viết giấy đề nghị thanh toán và phiếu chi số 348/08 ngày 27/8/2003 mang tên Nguyễn Thị Nghiêm - Trưởng phòng Tổ chức - Bảo vệ để thưởng cho cán bộ công nhân viên công ty, có đủ chữ ký của kế toán trưởng, kế toán thanh toán và thủ quỹ  nên ông Bi đã ký duyệt chi. 

Tại thời điểm này Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) có khoảng 2000 CBCNV  và hoạt động kinh doanh của Công ty đang rất có hiệu quả, nếu chia bình quân số tiền này thì mức thưởng của mỗi CBCNV là khoảng hơn 600.000đ,  một mức thưởng không lớn. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là CBCNV không nhận được tiền thưởng mà  Nguyễn Thanh Huyền, bị cáo trong vụ án, chiếm đoạt số tiền  này.  Việc bị cáo Huyền lợi dụng thủ quỹ giao tiền rồi chiếm đoạt là ngoài ý muốn của ông Bi và ông Bi hoàn toàn không biết. 

Quỹ khen thưởng trong công ty cổ phần: Ai có quyền sử dụng để khen thưởng?

Các bị cáo tại phiên tòa

Ông Bi bị kết án vi phạm khoản 4 Điều 6 Luật Kế toán năm 2003. Ông  Bi cho rằng Điều 1 Luật này đã quy định “Luật này quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm công tác kế toán và  hoạt động nghề nghiệp kế toán”, trong khi ông Bi không làm kế toán, cũng không phụ trách phòng kế toán. Vả lại, luật này có hiệu lực từ ngày 01/1/2004, trong lúc đó ông Bi ký phiếu chi trong năm 2003.

Một khía cạnh đáng quan tâm nữa là theo khoản k, điểm 1, Điều 7 - Luật DNNN 1995 thì DNNN hoạt động kinh doanh có quyền:  “Quyết định mức lương và thưởng cho người lao động trên cơ sở các đơn giá tiền lương trên đơn vị sản phẩm hoặc chi phí dịch vụ và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”. Như vậy, ông Bi với cương vị là Tổng giám đốc, ký duyệt chi tiền thưởng là trong thẩm quyền, không có gì trái với quy định của pháp luật. 

Ký chia thưởng số tiền 290.000USD

Theo ông Bi thì để thực hiện việc cổ phần hóa Công ty Vifon, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã chấp thuận cho phép Vifon chuyển nhượng phần vốn  góp trong các liên doanh. Việc đàm phán chuyển nhượng kết thúc vào ngày 31/12/2003 và kết quả  thu được 127.153.583.720 đ. Số tiền này là lợi nhuận lớn, được xem là kết quả hoạt động kinh doanh rất hiệu quả của Vifon. Căn cứ  theo Thông tư số 64/1999/TT-BTC ngày 7/6/1999 của Bộ Tài chính thì bị cáo Huyền - Kế toán trưởng đã tính toán trong số tiền thu về, công ty được hưởng khoản tiền thưởng là 7.952.033.210 đ. Để động viên kịp thời các cá nhân đã có công lao tạo dựng  và  phát triển các liên doanh trong thời gian gần 13 năm, nên  ngày 4/6/2004,  ông Bi đã ký thưởng đột xuất cho 7 cá nhân là cán bộ lảnh đạo của công ty với số tiền  290.000USD, tương đương 4.705.295.680đ (thời điểm này Vifon là công ty cổ phần  có vốn nhà nước chiếm giữ 51%).

Các cơ quan tố tụng và Toà án cấp phúc thẩm cho rằng số tiền 7.952.033.210đ thuộc sở hữu của Nhà  nước, vi  phạm  Điểm 5.1 Mục C Thông tư số 64/1999/TT-BTC. Tuy nhiên, theo các văn bản pháp luật có hiệu lực trong giai đoạn ký chia thưởng khoản tiền thưởng đó không còn là tài sản của Nhà nước và việc ký thưởng đó không bị sự điều chỉnh của Điểm 5.1 Mục C Thông tư số 64/1999/ TT-BTC.

Hơn nữa, khoản 1 mục D Điều II Thông tư này quy định: “Chủ tịch HĐQT, Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có HĐQT) chịu trách nhiệm về xác định chính xác các khoản lợi nhuận của doanh nghiệp, phân phối và sử dụng các khoản lợi nhuận sau thuế theo đúng các quy định tại thông tư này”. Thực tế, việc phân chia lợi nhuận đã được Vifon thực hiện đúng, đã có báo cáo và được Cục thuế TP.HCM chấp thuận. Ngày 24/2/2004 Vifon đã nộp tiền thuế sử dụng vốn liên doanh 28.461.274.584đ  (thực hiện trước khi ký QĐ chia thưởng 290.000USD); Ngày 25/01/2005 nộp tiền Thuế thu nhập doanh nghiệp 17.641.456098đ và ngày 27/10/2005 chuyển vào Quỹ sắp xếp DN Trung ương số tiền  29.536.060.996đ.

Như vậy, việc trích số tiền  thưởng 7.952.033.210đ trong tổng số tiền 127.153.583.720đ  thu được từ lợi nhuận bán các liên doanh  với Vifon là thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Vifon, không trái quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Công văn số 9643/BTC-TC ngày 9/10/2008 của Bộ Công thương  gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an  cũng đã xác định  số tiền 7.952.033.212đ là được trích vào quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi, Công ty Vifon được quyền quản lý và sử dụng. Tại phiên toà phúc thẩm, giám định viên của Bộ Tài chính cũng xác định: khoản tiền 7.952.033.212đ này không phải là tài sản của Nhà nước tại Cty. Như vậy, ông Nguyễn Bi ký duyệt những khoản tiền thưởng này không sai.

Ngoài ra còn khoản tiền 2.226.716.667đ, ngày 4/4/2005, ông Bi với chức vụ  Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vifon  (100% vốn tư nhân) đã ký quyết định về việc chi phí từ lợi nhuận liên doanh, trong đó xác định số tiền này được dùng làm chi phí và khen thưởng cho các cá nhân và đơn vị đã tham gia liên doanh. Đây là số tiền còn lại trong nguồn tiền khen thưởng 7.932.033.212đ nêu trên. 

Đến ngày 30/4/2005,  kế toán báo cáo là việc lập danh sách phân bổ tiền thưởng chưa xong  nên xin tạm đưa số tiền 2.226.710.667đ  này vào quỹ  huy động vốn lấy lãi cho quỹ khen thưởng của Công ty, nên ông Bi ký duyệt. Thời điểm này ông Bi chuẩn bị nghỉ ( 12/5/2005 nghỉ  làm Tổng giám đốc) và sau khi ký đã giao cho Ban tổng giám đốc mới thực hiện.

Đối với hành vi này, ông Bi cũng bị kết tội cố ý làm trái. Tuy nhiên, khi ông Bi ký quyết định này thì Cty đã cổ phần hoá xong 100% vốn tư nhân. Khi ông Bi nghỉ thì khoản tiền này vẫn còn trong quỹ. Sau đó, bị cáo Huyền đã lên Phó Tổng giám đốc, chiếm đoạt thì không thể có trách nhiệm của ông Bi.

Không oan, không lọt tội phạm

Không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người không phạm tội là hai yêu cầu song song đặt ra cho hoạt động tố tụng hình sự nói chung và hoạt động xét xử nói riêng. Do đó, chắc chắn đơn khiếu nại của ông Bi sẽ được xem xét, giải quyết thấu lý đạt tình, theo đúng quy định của pháp luật và tinh thần cải cách tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quỹ khen thưởng trong công ty cổ phần: Ai có quyền sử dụng để khen thưởng?