Ngành thương mại điện tử (TMĐT Việt Nam) đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020, tuy nhiên TMĐT tại Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại.
Quy mô thị trường TMĐT có thể đạt tới 10 tỷ USD
Theo thông tin từ Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, ngành TMĐT Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Trong 4 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD. Bên cạnh doanh nghiệp, các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang web thương mại điện tử trong nước, khiến cho thị trường này ngày càng sôi động.
TMĐT Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25%. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2018 được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố mới đây cho thấy tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam năm 2017 so với năm trước ước tính trên 25%. Riêng với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website TMĐT cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Với lĩnh vực thanh toán, năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 100 - 200%. Trong lĩnh vực du lịch, tỷ lệ đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến tăng mạnh, đạt mức 30%. Nếu kết hợp với đà tăng trưởng 2 chữ số của doanh thu du lịch thì có thể ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trực tuyến đạt trên 50%.
Công bố cho thấy Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (E-business Index - EBI) 2018 với những tín hiệu đáng mừng khi TMĐT trên phạm vi cả nước tiếp tục phát triển nhanh chóng, chỉ số TMĐT của Việt Nam đã tăng lên từ 31,2 điểm của năm 2017 lên 37,7 điểm của năm 2018.
Năm nay, Tp.HCM tiếp tục dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử với điểm tổng hợp là 82,1% điểm, cao hơn 3,5 điểm so với năm 2017. Xếp ở vị trí thứ 2 là Hà Nội khi có điểm tổng hợp là 79,8 điểm, cao hơn 4 điểm so với năm trước.
Đáng chú ý Hải Phòng khi vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng chỉ số thương mại điện tử, với điểm số tổng hợp là 54,9 điểm, tăng tới 12,7 điểm so với năm trước, qua đó trở thành địa phương có số điểm EBI tăng so với năm trước cao nhất trong cả nước. Đứng thứ 4 là Đà Nẵng với 54,1 điểm. Thành phố này có sự phát triển mạnh trong giao dịch B2C. Theo phân tích của VECOM, sự phát triển mạnh này có thể do sự đóng góp cao của lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Với điểm số tổng hợp đạt 50,7 điểm, tăng 7,4 điểm so với năm trước.
Cần có bước đi thử nghiệm
Dù tiềm năng phát triển là có thật, thế nhưng, TMĐT tại Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại như sự phát triển thiếu bền vững, người tiêu dùng còn nhiều nghi ngại ở sản phẩm, thông tin còn đơn điệu, thiếu chi tiết, thiếu sức hấp dẫn cũng như một số công cụ hỗ trợ khách hàng.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT & Kinh tế số, Bộ Công Thương đánh giá nhiều hoạt động TMĐT tại Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh. Đây là thách thức không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước khác trên thế giới, kể cả các nước đã phát triển TMĐT, hoặc các nước lớn ở châu Âu, Mỹ, môi trường pháp lý vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển TMĐT
Ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận Bán lẻ Savills TP.HCM nhận định, khoảng trên 50% người mua sắm Việt Nam thích mua hàng ở nước ngoài do sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, bên cạnh dịch vụ, thanh toán, hậu mãi,… Ngoài ra, thói quen mua sắm đặc trưng của người Việt Nam là “thấy, sờ và… thử” nên không ít khách hàng chủ yếu dạo chơi trên mạng để khảo giá là chính. Tuy nhiên, với sự thay đổi của xã hội và nhịp sống hiện đại, thời gian dành cho việc ra ngoài mua sắm sẽ hạn chế rất nhiều, và TMĐT chính là lựa chọn phù hợp.
Chuyên gia của Savills cũng nhìn nhận những khó khăn còn tồn đọng của TMĐT tại Việt Nam còn đến từ việc nhiều thương hiệu có tên tuổi quy định không có chính sách bán hàng qua trang TMĐT, dẫn đến sự thiếu tính đa dạng chủng loại và các thương hiệu còn lại chủ yếu vẫn là những sản phẩm nội địa. Thông thường, lợi nhuận của nhãn hiệu nội địa chỉ tầm khoảng 40-45%, trong khi đó, chi phí phải trả cho đơn vị TMĐT khá cao trung bình 30%. Để hạn chế rủi ro từ việc trả hàng, tồn hàng, hàng qua mùa, hay các chương trình khuyến mãi của trang TMĐT…, các nhà bán lẻ phải đưa giá thành cao hơn. Vô hình chung, trang TMĐT mang tính quảng cáo nhiều hơn và thậm chí đây cũng là kênh tốt để các nhà bán lẻ cho các mục tiêu marketing hay branding - làm thương hiệu.
Một lưu ý cũng được Trưởng bộ phận Bán lẻ Savills TP.HCM đưa ra là việc tồn tại các lọai hình mua sắm qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo…Việc “nhà nhà bán hàng, người người bán hàng” này có quy mô dù nhỏ lẻ nhưng số lượng lại vô cùng lớn, quan trọng hơn, chi phi của hoat động này không đáng kể, và những chính sách thuế vẫn chưa tác động đến đối tượng này.
Trong đó, chi phí tiếp thị quảng cáo giữ vai trò then chốt cho lĩnh vực này và không hề ít như nhiều người vẫn nghĩ. Ngân sách chạy tiếp thị quảng cáo cho kế hoạch trong 2 năm đầu của TMĐT dao động xấp xỉ 2 triệu USD và tính “sống còn” sẽ được định đoạt sau thời gian này. Từ đây, sự canh tranh cũng trở nên khập khiễng, khi chi phí thấp dẫn đến giá thành sản phẩm thấp nên mô hình “bán hàng qua mạng xã hội” này vẫn được đón nhận bởi số đông. Trong khi đó, các trang mạng tên tuổi, đầu tư bài bản từ con người đến hệ thống vận hành, đang gặp không ít khó khăn từ các gánh nặng chi phí liên quan.
Rõ ràng thị trường TMĐT của Việt Nam rất tiềm năng, nhưng vẫn đang còn nhiều thách thức hiện hữu. Thị trường thương mại điện tử đã chứng kiến không ít thương hiệu rời bỏ cuộc chơi trong thời gian qua như Beyeu, Deca, Foodpanda… cùng nhiều doanh nghiệp rút lui lặng lẽ. Do đó, các chuyên gia cho rằng khi tham gia thị trường TMĐT, các nhà đầu tư cần có những bước đi thử nghiệm trước khi tiếp cận, trước khi có kế hoạch thực hiện đầu tư vào thị trường này.