Doanh nghiệp Bộ GTVT tăng trưởng mạnh sau tái cơ cấu

Đức Minh| 10/12/2015 11:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kết quả trên đã được khẳng định tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của ngành giao thông vận tải (GTVT) diễn ra vào chiều qua (9/12).

Doanh nghiệp Bộ GTVT tăng trưởng mạnh sau tái cơ cấu

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường báo cáo về kết quả thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, giai đoạn 2011 - 2015

Các chỉ tiêu của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh

Báo cáo tình hình triển khai công tác tái cơ cấu - cổ phần hoá doanh nghiệp sau 5 năm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT triển khai cổ phần hoá 137doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch phê duyệt. Đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành IPO 124 doanh nghiệp, trong đó có 12 Tổng công ty (TCT).

Trong số 137 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, có 16 TCT có quy mô lớn như: Hàng không VN (VNA), Cảng hàng không VN (ACV), Hàng hải VN (Vinalines)... Trong thời gian qua, Bộ GTVT cũng đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm cổ phần hoá 12 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Bệnh viện GTVT Trung ương và bệnh viện Nam Thăng Long. Đến nay, Bộ cũng hoàn thành cổ phần hoá 10 Đoạn quản lý đường thủy. Trong 5 năm qua, Bộ cũng đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức lại 50 doanh nghiệp...

Sau tái cơ cấu, cổ phần hoá tình hình tài chính của các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu trong giai đoạn 2011-2014 rất khả quan. Tổng vốn chủ sở hữu nhà nước tại các TCT nhà nước đã tăng 200%, tỷ suất nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm 200% (từ 3,52 lần xuống 1,76 lần) và tổng tài sản tăng 35%.

“Mức tăng trưởng của các chỉ tiêu trên cho thấy rõ hiệu quả của quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới gắn liền với cổ phần hoá DNNN. Đặc biệt, thông qua tổ chức lại sản xuất, bố trí lao động hợp lý, tăng năng suất lao động nên thu nhập bình quân của người lao động đã có sự cải thiện rất đáng ghi nhận, tạo điều kiện cho người lao động phát huy năng lực, đảm bảo an sinh xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo  đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng đánh giá cao hoạt động thoái vốn của các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT đạt hiệu quả, giá trị vốn thoái đạt gần 4.400 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với mức bình quân chung. Dự kiến quý I/2016, Bộ sẽ hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại các TCT. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao hiệu quả hoạt động của 18 Công ty mẹ - TCT sau cổ phần hóa hiệu quả hơn trước, thể hiện ở tổng tài sản đạt 207.929 tỷ đồng, tăng 35%, tổng vốn chủ sở hữu đạt 68.012 tỷ đồng, tăng 200%, nợ phải trả là 119.377 tỷ đồng. Đặc biệt tỷ suất nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm 200%, từ 3,52 lần xuống còn 1,76 lần.

Doanh nghiệp Bộ GTVT tăng trưởng mạnh sau tái cơ cấu

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ GTVT, tổng doanh thu tăng trưởng 15,28%, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 194,84%, bình quân tăng 48,7%/năm; nộp ngân sách nhà nước tăng 51,52%, bình quân tăng 12,85%/năm; thu nhập bình quân người lao động tăng 32,28%, bình quân tăng 8,07%/năm.

Quyết liệt trong cải cách hành chính, triển khai VBPQPL

Sở dĩ có được những kết quả trên, phải kể đến sự quyết liệt, triển khai triệt để trong quá trình tái cơ cấu Bộ GTVT đã làm được, đó là việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất của quản lý Nhà nước. Quan điểm xuyên suốt này được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng quán triệt tại nhiều cuộc họp bàn công tác xây dựng VBQPPL. “Mục tiêu là phải hướng tới người dân, doanh nghiệp. Nhà nước chỉ xây dựng thể chế chính sách. Cái gì doanh nghiệp làm được, người dân làm được để người dân, doanh nghiệp làm. Nhà nước chỉ tăng cường kiểm tra, kiểm soát”, Bộ trưởng nói.

Nói là làm, trên thực tế, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng là người trực tiếp phụ trách công tác xây dựng VBQPPL. Hàng tháng, Bộ trưởng đều chủ trì cuộc họp về công tác này với sự có mặt của các lãnh đạo Bộ và trưởng các cơ quan đơn vị.

Có thể nói, giai đoạn 5 năm 2011-2015 chứng kiến sự chuyển mình vượt bậc trong công tác xây dựng VBQPPL của Bộ GTVT, không chỉ về số lượng mà quan trọng hơn là chất lượng văn bản, được dư luận đón nhận và đánh giá là những cải cách, đột phá trong xây dựng thể chế, chính sách. Điều này đã giúp cho Bộ GTVT lần thứ hai liên tiếp dẫn đầu trong số 19 Bộ, ngành về các chỉ số cải cách hành chính với 81,83 điểm.

Chia sẻ về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp, Bộ GTVT triển khai xây dựng VBQPPL với tinh thần tiếp thu, cầu thị, lắng nghe những phản ánh, chia sẻ của người dân và doanh nghiệp. Bộ GTVT đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với cácdoanh nghiệp, để lắng nghe và giải quyết nhanh nhất các kiến nghị, đề xuất và bất cập về cơ chế, chính sách.

Liên quan việc triển khai VBQPPL của Bộ GTVT, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đánh giá: “Bộ GTVT là một trong số ít Bộ không để tồn đọng các VBQPPL quy định chi tiết các dự án luật đã được Quốc hội thông qua. Hầu hết các nghị định được ban hành đi vào cuộc sống khá hiệu quả. Những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực giao thông đều được xem xét, giải quyết thấu đáo trong các VBQPPL mà Bộ GTVT ban hành.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cũng cho rằng “Thời gian qua, Bộ GTVT có nhiều cải cách trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp”.

Quyết tâm cao của lãnh đạo và đơn vị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá, đặc điểm của Bộ GTVT là có nhiều TCT có quy mô lớn về doanh thu, giá trị tài sản và có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế, nhưng Bộ GTVT lại là cơ quan đi đầu thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới DNNN và đến nay còn hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó có tới 16 TCT quy mô lớn.

Bộ GTVT đã tích cực thực hiện sắp xếp, đổi mới các DNNN thuộc Bộ; đồng thời sắp xếp được các đơn vị sự nghiệp. Đây là việc làm phức tạp, khó khăn mà ngày cả Trung ương cũng phải thảo luận rất nhiều để thống nhất quan điểm vì điều này có tác động trực tiếp đến người dân. Tuy nhiên, Bộ GTVT không chỉ thực hiện đầu tiên mà còn cho phép các đơn vị chuyển sang tự chủ và đồng thời thực hiện cổ phần hoá luôn. Chính từ “nền” đó đã giúp cho Chính phủ có cơ sở hoàn thiện các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện về cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp, trong đó có lĩnh vực y tế.

Cụ thể, Phó Thủ tướng liên hệ: “Quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc do chính sách chung nhưng lại áp dụng cho các lĩnh vực, doanh nghiệp khác nhau. Thế nhưng Bộ GTVT đã rất chủ động, có vướng mắc gì báo cáo ngay với Chính phủ, phối hợp tốt với các Bộ, ngành để tháo gỡ kịp thời. Có những cơ chế chính sách qua thực tiễn triển khai, sau khi có ý kiến của Bộ GTVT đã trở thành cơ chế chung, như việc bán vốn theo lô được Bộ GTVT có ý kiến nhiều nhất nay đã thành cơ chế chung...”.

Qua kết quả và thực tiễn triển khai tái cơ cấu - cổ phần hoá của Bộ GTVT, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh một lần nữa khẳng định, chủ trương tái cơ cấu - cổ phần hoá doanh nghiệp của Đảng, Nhà nước là đúng, trong đó giải pháp chủ yếu là cổ phần hoá. Kinh nghiệm thực tiễn từ Bộ GTVT cho thấy, để thực hiện tốt thì cần quyết tâm chính trị của lãnh đạo Bộ, mà đứng đầu là Bộ trưởng. Bộ trưởng Đinh La Thăng thường xuyên họp để chỉ đạo sát sao với quyết tâm rất cao và cùng quyết tâm của các đơn vị. Đây là kinh nghiệm, bài học chung cho cả nước. 

Ông Trần Ngọc Thành, Tổng giám đốc TCT Đường sắt VN (VNR): Đến thời điểm này VNR đã IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) thành công 14 doanh nghiệp còn lại 9 doanh nghiệp nữa sẽ thực hiện xong trước 14/12. Như vậy trong số 24 Công ty phải cổ phần hoá trong năm nay thì chỉ còn 1 công ty xin phép lui lại thời điểm 30/12”.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV): sau khi thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập 3 TCT, sản lượng của ACV đã tăng trưởng từ 14,8 nghìn tỷ năm 2012 lên hơn 19 nghìn tỷ năm 2014.

TS. Trần Trung, Giám đốc Bệnh viện GTVT Trung ương: “ Bệnh viện vừa IPO thành công với mức giá cổ phiếu cao (23.597 nghìn/cổ phiếu). Việc chuyển sang Công ty cổ phần sẽ giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vì có quản trị tốt hơn, bổ sung các nguồn vốn của nhà đầu tư để tăng lương lao động, ứng dụng tiến bộ KHCN mới vào điều trị”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Bộ GTVT tăng trưởng mạnh sau tái cơ cấu