Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi): Nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, thiết thực của các ĐBQH

Tống Toàn| 08/07/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, sau 4 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính đã xuất hiện nhiều tồn tại khiến cho công tác xét xử và thi hành án hành chính gặp nhiều khó khăn nên cần phải sửa đổi.

Một số đại biểu Quốc hội khóa XIII đã có ý kiến đóng góp thiết thực cho Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Báo Công lý xin dẫn ra ý kiến của một số đại biểu.

Ông Nguyễn Thành Bộ, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hoá: Thẩm phán cấp huyện còn có sự e ngại, nể nang và áp lực khi tuyên xử quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện

Về phân định thẩm quyền của TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (và tương đương) và Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khoản 4, Điều 34 của dự thảo quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện là hoàn toàn phù hợp, bởi:

Thứ nhất, án hành chính là loại án mới so với các loại án khác, số lượng án ít, có những Tòa án cấp huyện chưa từng có xử lý vụ án hành chính nào. Vì vậy, Thẩm phán Tòa án cấp huyện chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết án hành chính. Mặt khác, qua thực tế giải quyết loại việc này chúng tôi thấy rằng, các khiếu kiện quyết định án hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện phần lớn là khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai. Đây là lĩnh vực khó, yêu cầu Thẩm phán phải chuyên sâu, trong khi cơ cấu tổ chức Tòa án cấp huyện theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định Tòa án cấp huyện không có Tòa hành chính chuyên trách.

Thứ hai, thực tế hiệu quả giải quyết án hành chính trong những năm qua chưa cao, mặc dù số lượng án hành chính của Tòa án cấp huyện giải quyết không nhiều, tuy nhiên tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa lại cao, có thể có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có một nguyên nhân là do Thẩm phán cấp huyện còn có sự e ngại, nể nang và áp lực khi tuyên xử quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện. Mặt khác, một thực tế hiện nay, chính quyền cấp huyện xem Tòa án như là một cơ quan phòng ban chuyên môn của mình. Điều này thực sự đã ảnh hưởng tới vị thế và sự độc lập xét xử của Tòa án mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định.

Thứ ba, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính hiện hành, việc thi hành án hành chính được quy định từ Điều 244 đến Điều 248, thủ tục thi hành án hành chính là thủ tục thi hành đặc biệt. Tuy nhiên, chưa có Luật Thi hành án hành chính riêng, hiện vẫn thi hành chung với cơ quan Thi hành án dân sự, trong khi Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện là cơ quan thuộc UBND cấp huyện chỉ đạo công tác thi hành án, vì vậy, chưa có tính khả thi trong việc thi hành bản án hành chính. Thực tế, nhiều bản án hành chính sau khi tuyên xong, không được đôn đốc thi hành để thời gian dài không thi hành, giá đất thời điểm tại thời gian phê duyệt bồi thường hạ thấp hơn nhiều so với thời điểm tòa xét xử. Vì vậy, đương sự lại tiếp tục khởi kiện và yêu cầu bồi thường giá chênh lệch do thi hành án chậm, gây khó khăn phức tạp và mất thời gian cho Tòa án trong việc giải quyết vụ án.

Về thủ tục rút gọn: Để cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 4, Điều 103 Hiến pháp năm 2013, việc quy định thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính là cần thiết. Điều 25 dự thảo quy định Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án hành chính theo quy định tại Chương XIV của luật đề nghị xem xét thêm một số vấn đề như sau:

Những vụ án hành chính được áp dụng thủ tục rút gọn, những vụ việc đơn giản, rõ ràng, chỉ cần một Thẩm phán xem xét, giải quyết, không cần HĐXX như hiện nay, nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời những vụ việc đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật, đạt hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người tham gia tố tụng cũng như cơ quan tiến hành tố tụng.

Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn đã được quy định tại Điều 214 dự thảo, tuy nhiên cần quy định bổ sung một điều kiện nữa là những vụ án đương sự không yêu cầu đối thoại. Bởi vì, nếu không quy định rõ điều này thì việc áp dụng sẽ không thống nhất, có thể Tòa án vẫn phải thông báo đối thoại theo thủ tục chung. Như vậy sẽ không đủ thời gian để giải quyết vụ án theo thời hạn quy định là 30 ngày quy định tại khoản 1, Điều 248.

Ông Đặng Công Lý, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chánh án TAND tỉnh Bình Định: Việc quy định cấp giám đốc thẩm được xử án là tạo cơ sở pháp lý để Tòa án kịp thời khắc phục những sai sót trong xét xử

Dự thảo Luật sửa đổi lần này có nhiều quy định mới, cụ thể hóa nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014. Về khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, tại khoản 1, Điều 32 dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) so với quy định tại Điều 28 Luật Tố tụng hành chính hiện hành thì dự thảo bổ sung thêm quy định: "Loại trừ việc khởi kiện đối với các hành vi quyết định trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng TAND". Việc quy định loại trừ trên là phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi. Cũng có một số quan điểm đề nghị nên quy định trong luật là Tòa án có thẩm quyền giải quyết tất cả các khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ cơ quan, tổ chức, kể cả quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Vì  quy định như vậy sẽ đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động nhiệm vụ công vụ.

Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi): Nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, thiết thực của các ĐBQH

Đại biểu Nguyễn Công Lý phát biểu ý kiến

Về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo Điều 256, việc sửa đổi, bổ sung quy định căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm như dự thảo là đúng. Bởi, đối với quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC là chỉ kháng nghị trong trường hợp có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật làm thay đổi cơ bản trong việc giải quyết vụ án. Việc thu hẹp căn cứ kháng nghị đối với quyết định của Ủy ban Thẩm phán TANDTC như vậy là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Về thẩm quyền xử án của Hội đồng giám đốc thẩm theo khoản 5, Điều 275 của dự thảo: Việc sửa đổi, bổ sung cho phép Hội đồng giám đốc thẩm được quyền xử án khi có đủ điều kiện là các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được đầy đủ, rõ ràng, không có vi phạm thủ tục tố tụng… Việc bổ sung thẩm quyền này của Hội đồng giám đốc thẩm sẽ bảo đảm cho việc giải quyết vụ án không bị kéo dài, gây tốn kém thời gian và chi phí cho các đương sự và Tòa án. Trong thực tế, có nhiều vụ án có đủ căn cứ để Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm quyết định ngay nhưng phải hủy án để xét xử lại. Việc quy định cấp giám đốc thẩm được xử án là tạo cơ sở pháp lý để Tòa án kịp thời khắc phục những sai sót trong xét xử, qua đó nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính tại Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi): Nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, thiết thực của các ĐBQH