Sự ra đời của các sản phẩm làm từ nhựa và túi nilon tuy đem lại nhiều tiện ích nhưng lại mạng đến hậu quả cho môi trường, dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng” và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo thống kê của FAO - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, Việt Nam tạo ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó có 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển. (Việt Nam là nước đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển).
Hiện tại có trên 93% dân số cả nước sử dụng túi nilon, chất thải nhựa. Một kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân mỗi gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng. Đây là những con số đáng báo động về tình trạng rác thải nhựa tại nước ta.
Ở ngoài môi trường tự nhiên, các loại rác thải từ nhựa, túi nilon phải mất khoảng 450 - 500 năm để tiêu hủy. Trong thời gian đó, các loại chất có hại trong rác thải nhựa ngấm vào đất làm ô nhiễm môi trường hoặc lẫn vào nước ngăn chặn khí oxy khiến cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp. Chất thải nhựa, túi nilon rất khó xử lý, khó thu gom, càng không thể đem đi đốt bởi sẽ tạo ra nhiều lượng khí thải độc hại làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, những tác độc tiêu cực của rác thải nhựa còn thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo các nghiên cứu khoa học, những vật dụng làm từ nhựa có giá thành rẻ, được ưa dùng như thìa, ống hút, hộp đựng thức ăn… lại chính là thủ phạm chính hàng ngày đưa các chất độc hại vào cơ thể. Nguyên nhân do nhựa sẽ dễ dàng tan chảy trong khoảng nhiệt độ từ 70 – 800 độ C và có thể nhiễm vào thực phẩm. Chất độc từ nhựa nhiễm trong thức ăn khi chúng ta sử dụng tích lũy lâu ngày sẽ gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm, đặc biệt có thể gây rối loạn giới tính và vô sinh ở trẻ em.