Báo Công lý đã có bài phản ánh về những kiến nghị của bà Hoàng Thị Lan, trú tại số 64 Tân Thới Nhất 21, khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP. HCM về một số nội dung liên quan đến vụ “tranh chấp chuyển nhượng vốn góp ở TP. HCM”.
Nội dung vụ việc thể hiện, ngày 15/5/2014 bà Hoàng Thị Lan - Giám đốc Công ty TNHH Chung Trang Linh (với tư cách cá nhân) đã thống nhất chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Kim Oanh (số 434 Phạm Văn Hai, phường 5, Q. Tân Bình, TP. HCM) 10% phần vốn góp điều lệ do cá nhân bà Lan đứng tên. Giá trị 10% là 6,5 tỷ đồng. Sau khi thống nhất, bà Oanh đã thanh toán cho bà Lan 5 tỷ đồng. Còn 1,5 tỷ đồng bà Nguyễn Thị Kim Oanh không thanh toán như đã thoả thuận. Đồng thời để hợp thức hoá chứng cứ, bà Oanh đã tạo ra chứng cứ giả là “Giấy xác nhận hoàn tất việc chuyển nhượng phần vốn góp” đề ngày 12/8/2014 với nội dung bà Oanh đã thanh toán đủ giá trị vốn góp (6,5 tỷ đồng) cho bà Lan.
Công ty Trang Chung Linh vẫn đang hoạt động nhưng không nhận được thông báo về vụ án.
Sau khi xử phúc thẩm, bà Hoàng Thị Lan đã làm đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng. Ngày 27/10/2016, Cơ quan Cục điều tra của VKSNDTC có thông báo số 518/VKSTC – C6 (P6) gửi tới VKS Cấp cao tại TP. HCM khẳng định bà Oanh đã dùng tài liệu, con dấu giả để làm chứng cứ trước tòa. Hành vi của bà Oanh có dấu hiệu làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức nhà nước, vi phạm vào điều 267 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009.
Kết luận số 518/VKSTC – C6 (P6) của Cơ quan Cục điều tra của VKSNDTC khẳng định bà Hồ Thị Nga, thư ký TAND quận 12 là người tiến hành tố tụng trong vụ án đã có hành vi không thực hiện đầy đủ các biện pháp thông báo, triệu tập đối với đối với Công ty TNHH Chung Trang Linh và bà Hoàng Thị Lan. Đồng thời, lập các biên bản xác minh và niêm yết không đúng sự thật để xác lập sự vắng mặt tại địa phương đối với Công ty TNHH Chung Trang Linh và bà Hoàng Thị Lan. Thực tế trong thời gian Tòa án giải quyết vụ án trên, Công ty Chung Trang Linh vẫn đang hoạt động và bà Lan vẫn có mặt nơi cư trú. Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như khi xét xử, Tòa án đã không đối chiếu bản phô tô chứng nhận hoàn tất phần góp vốn do bà Oanh giao nộp với bản chính.
Ngày 14/2/2017, ông Võ Chí Thiện – Kiểm sát viên của VKSND Cấp cao tại TP. HCM đã có thông báo số 155/VC3-V3 về việc giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bà Lan. Theo đó, VKSND cấp cao tại TP. HCM cho rằng đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của bà Hoàng Thị Lan không cung cấp được chứng cứ nào mới làm thay đổi nội dung của vụ án nên không có cơ sở để kháng nghị giám đốc thẩm đối với hai bản án sơ thẩm số 87/2015/KDTM -ST ngày 8/9/2015 của TAND quận 12 và bản án phúc thẩm 879/2016/KDTM –PT ngày 3/8/2016 của TAND TP. HCM.
Trao đổi với phóng viên báo Công lý, bà Lan bức xúc cho biết: Việc bà Oanh sử dụng tài liệu, con dấu giả mạo trong vụ án này đã được Cơ quan Điều tra của VKSNDTC khẳng định là bà Oanh đã dùng tài liệu, con dấu, chữ ký giả mạo, nhưng không hiểu sao VKS Cấp cao tại TP. HCM lại trả lời như vậy? Lẽ ra người sử dụng tài liệu, con dấu giả phải bị cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã làm thay đổi nội dung vụ án, nhưng đến nay vẫn chưa cơ quan nào truy cứu hành vi này của bà Oanh, phải chăng đang có sự bao che để bà Oanh “lộng hành” trước pháp luật.
Thiết nghĩ, vụ việc này cần được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Điều 267 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009, Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. |